Ô tô nhập khẩu tại cảng Long Beach, California, Mỹ. Ảnh: Getty Images/TTXVN
Theo các chuyên gia, khu vực Bắc Mỹ đã phát triển thành một dây chuyền lắp ráp tích hợp ba quốc gia trong gần ba thập kỷ. Tổng thống Trump tuyên bố thuế quan nhằm bảo vệ việc làm và sự thịnh vượng của nước Mỹ, nhưng các biện pháp này có thể gây ra nhiều rắc rối do sự tích hợp sâu sắc của các chuỗi sản xuất trong khu vực.
Chuỗi cung ứng rối loạn
Trong quá trình lắp ráp ô tô, các bộ phận thường di chuyển qua lại giữa Mỹ, Mexico và Canada trước khi sản phẩm được hoàn thiện. Chỉ riêng một chiếc chìa khóa ô tô có thể bao gồm hơn 50 thành phần từ 22 nhà cung cấp khác nhau ở châu Á, Bắc Mỹ và châu Âu.
Nhà Trắng cho biết các xe lắp ráp tại Mexico và Canada có thể đủ điều kiện hưởng thuế quan thấp hơn theo USMCA, tùy thuộc vào tỷ lệ linh kiện được sản xuất tại Mỹ.
Công ty tư vấn rủi ro EMPRA nhận định: "Các nhà sản xuất ô tô Mỹ có nhà máy tại Mexico có thể đối mặt với chi phí tăng cao và những phức tạp về logistics, buộc họ phải đánh giá lại chiến lược sản xuất".
Liên minh đổi mới trong ngành ô tô, một hiệp hội đại diện cho các hãng lớn như General Motors, Toyota, Volkswagen, Ford, Hyundai, Stellantis, Honda, BMW và Mercedes-Benz, cảnh báo rằng thuế quan 25% mà ông Trump dự kiến áp đặt đối với ô tô nhập khẩu sẽ làm tăng chi phí đối với người tiêu dùng Mỹ, giảm số xe bán ra tại Mỹ và hạn chế hoạt động xuất khẩu ô tô của Mỹ.
Tăng trưởng kinh tế bị kìm hãm
Mexico là nền kinh tế dễ bị tổn thương nhất trước thuế quan của Tổng thống Donald Trump do mối quan hệ thương mại chặt chẽ với Mỹ. Nhiều hãng xe lớn như Ford, General Motors, BMW, Volkswagen và Toyota đang vận hành các nhà máy tại đây. Hơn 80% xuất khẩu của Mexico sang Mỹ, trong đó có khoảng 3 triệu ô tô mỗi năm.
Tác động từ thuế quan xuất hiện vào thời điểm khó khăn của kinh tế Mexico. Các chuyên gia trong cuộc khảo sát của Ngân hàng Trung ương Mexico dự báo tăng trưởng kinh tế trong năm 2025 của nền kinh tế lớn thứ hai Mỹ Latinh này chỉ đạt 0,81%, thấp hơn con số 1% được đưa ra hồi tháng 2/2025.
Ông Geronimo Ugarte, chuyên gia kinh tế tại công ty tài chính Valmex, cho biết căng thẳng thương mại tạo ra sự bất ổn, ảnh hưởng đến đầu tư tư nhân và quyết định sản xuất trong các ngành xuất khẩu chủ chốt.
Ford, một trong những hãng sản xuất ô tô hàng đầu của Mỹ, cũng cảnh báo rằng tác động của thuế quan sẽ rất đáng kể đối với toàn ngành công nghiệp, từ nhà sản xuất, nhà cung cấp, đại lý cho đến người tiêu dùng. CEO của Ford, Jim Farley nhấn mạnh rằng ngay cả khi hơn 80% số xe Ford bán tại Mỹ được lắp ráp trong nước, điều này không có nghĩa là Ford "miễn nhiễm" với tác động của thuế quan.
Hiệp định thương mại rơi vào thế bấp bênh
Mexico và Canada cho rằng thuế quan của ông Trump vi phạm USMCA. Tổng thống Mexico Claudia Sheinbaum khẳng định, "không nên có thuế quan" giữa ba nước vì đó là "cốt lõi" của hiệp định thương mại"
Các tuyên bố từ Washington khiến tương lai của USMCA trở nên bất định. Dù hiệp định này dự kiến sẽ được xem xét lại vào năm 2026, chuyên gia Jesus Carrillo từ Viện Cạnh tranh Mexico cho rằng chính sách thương mại đang được đàm phán trực tiếp và dần dần giữa các chính phủ.
Nguy cơ giá ô tô tăng cao
Các nhà phân tích cảnh báo thuế quan sẽ đẩy giá xe tại Mỹ lên cao, với mức tăng có thể lên tới 3.000 USD/chiếc.
Công ty tư vấn Capital Economics nhận định, nếu các nhà sản xuất Mỹ cũng tăng giá xe nội địa, ô tô mới có thể trở thành một mặt hàng xa xỉ đối với nhiều người tiêu dùng Mỹ.
Trong khi đó, Nhà Trắng dự báo thuế quan mới đánh vào ô tô và phụ tùng ô tô có thể mang lại nguồn thu 100 tỷ USD trong năm tới.
Giới quan sát lo ngại rằng chính sách thuế quan mới có thể gây ra những hệ lụy sâu rộng không chỉ đối với ngành công nghiệp ô tô mà còn với toàn bộ nền kinh tế khu vực Bắc Mỹ.
Minh Trang/TTXVN (Theo AFP, Reuters)