Theo nghiên cứu của Đại học Stanford, mỗi mức tăng 1% trong thuế quan từ Mỹ tác động đến 0,35% biên lợi nhuận của nhà cung cấp Trung Quốc. (Nguồn: Rochester.edu)
Ngày 4/2, Tổng thống Trump áp dụng mức thuế 10% mới đối với 400 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu vào thị trường Mỹ. Sau đó, ông tiếp tục công bố mức thuế bổ sung 10% vào ngày 4/3. Dự kiến, các biện pháp tương tự sẽ tiếp tục được đưa ra vào ngày 2/4 tới.
So với năm 2018, các nhà sản xuất quy mô nhỏ hiện đang phải đối mặt với biên lợi nhuận cực kỳ mỏng, điều này làm họ không thể giảm giá để hỗ trợ khách hàng của Washington.
Đồng thời, chính quyền các địa phương Bắc Kinh - vốn thường đưa ra các biện pháp hỗ trợ để bảo vệ việc làm - cũng đang gặp khó khăn về tài chính và không đủ khả năng cung cấp các khoản trợ cấp mới.
Theo ước tính của các nhà cung cấp, tiền lương cho công nhân đã tăng 2-5% kể từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung năm 2018. Cùng với đó, chi phí nguyên vật liệu ở một số lĩnh vực đã tăng lên và cạnh tranh từ nước ngoài ngày càng gay gắt.
Điều này đang khiến các mức thuế mới của Tổng thống Trump trở thành "giọt nước tràn ly" đối với nhiều nhà sản xuất nhỏ tại cả hai nước.
Một ví dụ là công ty sản xuất thùng rác Citibin có trụ sở tại Brooklyn, Mỹ. Bà Liz Picarazzi, người sáng lập kiêm giám đốc điều hành Citibin cho biết, hàng hóa của công ty sản xuất tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới hiện phải chịu mức thuế lên tới 52,5%, khiến Citibin không còn đủ khả năng sản xuất tại quốc gia này.
Trong khi đó, ông Richard Chen, nhà sản xuất đồ trang trí Giáng sinh ở miền Nam Trung Quốc cho các nhà bán lẻ Mỹ thông tin, số lượng đơn đặt hàng của công ty đã giảm 50% so với năm ngoái.
Các nhà cung cấp nền kinh tế lớn thứ hai thế giới cho hay, phía các nhà bán lẻ của Washington đang yêu cầu giảm giá 10% nhưng họ chỉ có thể giảm giá khoảng từ 3-7%.
Trước tình hình đó, các nhà cung cấp Trung Quốc hiện yêu cầu khách hàng thanh toán trước thay vì chờ 30-90 ngày sau khi gửi hóa đơn.
Các nhà cung cấp này đã từng "nếm trái đắng" vào năm 2018 khi một số khách hàng Mỹ từ chối trả tiền cho các lô hàng chịu thuế cao hơn.
Theo các nhà phân tích và nhà sản xuất, mức thuế mới đang gây xáo động khu vực công nghiệp trọng điểm của Bắc Kinh, thậm chí, có thể dẫn đến làn sóng cắt giảm việc làm đáng kể khi các nhà máy đóng cửa hoặc thu hẹp quy mô.
Ông He-Ling Shi, Giáo sư Kinh tế tại Đại học Monash ở Melbourne (Australia) nhận định, nhiều doanh nghiệp sẽ phải quyết định đóng cửa.
Nghiên cứu học thuật từ Đại học Stanford sau năm 2018 cho thấy, mỗi mức tăng 1% trong thuế quan tác động đến 0,35% biên lợi nhuận của nhà cung cấp quốc gia Đông Bắc Á.
Theo tính toán của Reuters dựa trên ước tính của Đại học Dartmouth, cuộc chiến thương mại năm 2018 đã khiến nền kinh tế lớn thứ hai thế giới mất khoảng 3,5 triệu việc làm trong lĩnh vực chế tạo. Hiện vẫn còn quá sớm để dự đoán thiệt hại lần này.
Một số khách hàng Mỹ kỳ vọng, chính phủ Trung Quốc sẽ hỗ trợ các ngành chế tạo địa phương bằng các biện pháp như giảm thuế, trợ cấp tiền thuê đất, điện nước, tương tự như những gì họ đã làm trong năm 2018.
Tuy vậy, các nhà cung cấp Bắc Kinh cho biết, cho đến nay, họ vẫn chưa nhận được sự hỗ trợ mới nào.
Giáo sư Shi chỉ ra rằng, gánh nặng nợ nần chồng chất, đặc biệt do cuộc khủng hoảng bất động sản, sẽ hạn chế khả năng hỗ trợ của chính quyền địa phương như trước đây.
"Bất kỳ động thái nào khiến các chính quyền địa phương lún sâu hơn vào nợ nần sẽ không được chính quyền trung ương hoan nghênh", ông Shi nói.
Hiện tại, quốc gia tỷ dân đang khuyến khích các nhà xuất khẩu chuyển hướng sang các thị trường khác và phục vụ thị trường trong nước với 1,4 tỷ người tiêu dùng. Tuy vậy, đây cũng là chiến lược đầy thách thức trong bối cảnh dư thừa công suất và nhu cầu trong nước suy yếu.
(theo Reuters)
Hải Phương