Cú forehand ma thuật của Nadal: Kết thúc một kỷ nguyên

Cú forehand ma thuật của Nadal: Kết thúc một kỷ nguyên
2 giờ trướcBài gốc
Nadal có cú thuận tay rất đáng gờm.
Không chỉ sắm vai một tay vợt vĩ đại, Nadal là biểu tượng của sự bền bỉ, kiên cường và tinh thần thể thao đáng kinh ngạc. Mỗi lần anh tung cú forehand (thuận tay) đầy uy lực dọc biên, người ta không khỏi ngỡ ngàng trước sự hoàn hảo và cảm giác như bản thân vừa làm được điều không tưởng.
Chương sử thi huy hoàng
Cú đánh đặc trưng của Nadal, với cánh tay trái rút về phía sau, bắp tay căng lên, trước khi cây vợt vung mạnh, đã trở thành một trong những vũ khí nguy hiểm nhất lịch sử quần vợt. Những đối thủ từng tưởng mình nắm chắc lợi thế, chỉ biết bàng hoàng nhìn trái bóng bay vụt qua và nằm gọn trong sân.
Nadal có thể tung ra cú đánh đó từ bất kỳ vị trí nào trên sân, bay người khắp nơi để tung ra "vũ khí" khiến bao tay vợt phải dè chừng.
Mặc dù Novak Djokovic vượt qua Nadal về số lượng danh hiệu Grand Slam, không thể phủ nhận rằng thành công của Nadal là một chương sử thi đáng ngưỡng mộ. Phòng truyền thống ở học viện mang tên anh tại Mallorca là minh chứng hùng hồn cho sự nghiệp phi thường.
Nổi bật nhất trong đó là 14 chiếc cúp Roland Garros, biểu tượng cho sự thống trị không thể tranh cãi của Nadal tại Roland Garros. Anh biến giải đấu này thành "vương quốc" của mình, chỉ để thua ba trận trong suốt 17 năm thi đấu.
Nadal là tay vợt toàn diện.
Nadal cũng sớm phá bỏ định kiến rằng mình chỉ là "chuyên gia sân đất nện". Sau hai thất bại liên tiếp trước Roger Federer tại Wimbledon, thì năm 2008, tay vợt người Tây Ban Nha làm nên lịch sử khi giành chiến thắng trong trận chung kết kịch tính bậc nhất mọi thời đại. Chiến thắng 9-7 ở set thứ năm sau khi để mất hai set dẫn trước không chỉ khẳng định sự kiên cường về thể chất mà còn cho thấy tinh thần thép của Nadal.
Nadal chưa bao giờ cho phép bản thân dừng lại quá lâu ở một điểm số, dù thắng hay thua. Anh luôn chơi từng quả bóng với sự tập trung cao độ, không bao giờ hạ thấp cường độ thi đấu. Nhưng khác với Nadal kiên cường trên sân, ngoài đời anh là một con người hoàn toàn khác: nhút nhát, giản dị và yêu thích những ngày yên bình bên gia đình tại quê nhà Manacor.
Sự nghiệp thể thao dường như là con đường tất yếu với Nadal, xuất thân từ một gia đình thể thao nổi tiếng. Chú của anh, Miguel Angel Nadal, là cầu thủ xuất sắc của Barcelona và đội tuyển Tây Ban Nha. Nhưng chính Toni Nadal, một người chú khác, định hình nên sự nghiệp quần vợt của Nadal.
Từ khi mới 4 tuổi, Nadal tham gia các buổi tập luyện cùng chú Toni, và anh không hề nhận được sự ưu ái. Trái lại, ông Toni luôn nghiêm khắc với cháu mình hơn bất kỳ ai, đặt nền móng cho sự bền bỉ và tinh thần kỷ luật trong sự nghiệp sau này của Nadal.
Ông Toni nhấn mạnh giá trị của sự kiên nhẫn và tôn trọng. Điều này giải thích vì sao trong suốt sự nghiệp, Nadal chưa bao giờ đập vợt hay thể hiện sự tức giận quá mức trên sân. Ngay cả khi trở thành tay vợt số một thế giới, Nadal vẫn không thay đổi.
Ông Toni Nadal có ảnh hưởng không nhỏ đến thành công của cháu trai.
Khi được hỏi về thành công của cháu mình, ông Toni chỉ đơn giản trả lời: “Cháu tôi không có gì đặc biệt. Nếu nó làm được, người khác cũng có thể làm được”. Sự khiêm tốn này, tuy là dấu ấn của Nadal, đôi khi cũng khiến anh cảm thấy phiền lòng trước việc thành công của mình bị hạ thấp quá mức.
Năm 2016, Carlos Moya - cựu tay vợt số một thế giới và là một người con của Mallorca - gia nhập đội ngũ huấn luyện của Nadal. Một năm sau, ông Toni quyết định không tiếp tục huấn luyện cháu trai mình để tập trung vào việc điều hành học viện quần vợt của gia đình. Lúc đó, nhiều người tin rằng thời kỳ đỉnh cao của Nadal đã qua, khi cơ thể anh ngày càng chịu nhiều tổn thương.
Nhưng dưới sự dẫn dắt của Moya, Nadal không những không suy giảm phong độ mà còn hồi sinh mạnh mẽ. Anh thay đổi lối chơi, tấn công nhiều hơn và trở lại với phong độ đỉnh cao.
Từ năm 2017, Nadal tiếp tục giành thêm 8 danh hiệu Grand Slam, tái khẳng định vị thế tại Roland Garros và giành thêm hai danh hiệu US Open. Chiến thắng tại Roland Garros năm 2020 giúp Nadal san bằng kỷ lục 20 Grand Slam của Roger Federer, trước khi cả hai cùng bị Djokovic vượt qua.
Chấn thương không quật ngã được Nadal
Tuy nhiên, chấn thương dai dẳng ở chân khiến sự nghiệp của Nadal gặp nhiều khó khăn vào cuối năm 2021. Khi đến với Australian Open 2022, không ai có thể đoán trước Nadal sẽ thi đấu ra sao. Thế nhưng, một lần nữa, anh làm nên điều kỳ diệu khi giành chức vô địch, lần đầu tiên sau 13 năm. Đến Roland Garros cùng năm, Nadal vượt qua đau đớn để giành chức vô địch, bất chấp phải rời Paris bằng nạng sau giải đấu.
Việc Nadal duy trì sự nghiệp đỉnh cao đến cuối những năm 30 tuổi là một thành tựu không thể không nhắc đến. Với vô số chấn thương và áp lực từ lối chơi khốc liệt, sự kiên trì của anh đã chạm đến giới hạn cuối cùng của cơ thể.
Việc Nadal giải nghệ không chỉ đánh dấu hồi kết cho một chương sử thi trong lịch sử quần vợt, mà còn để lại một khoảng trống to lớn trong lòng người hâm mộ. Đối với những tay vợt không còn phải đối mặt với cú thuận tay chết người của anh, có lẽ sẽ có một chút nhẹ nhõm.
Thế nhưng, với thế giới quần vợt và hàng triệu người hâm mộ, Nadal trở thành một huyền thoại không thể thay thế.
Di Cầm
Nguồn Znews : https://znews.vn/cu-forehand-ma-thuat-cua-nadal-ket-thuc-mot-ky-nguyen-post1503342.html