Cú lội ngược dòng 'mưa' điểm 9 Văn của cô trò trường làng

Cú lội ngược dòng 'mưa' điểm 9 Văn của cô trò trường làng
4 giờ trướcBài gốc
Có quan điểm cho rằng: Dạy một học sinh giỏi trở thành xuất sắc là điều bình thường, nhưng dạy một học sinh yếu kém trở thành giỏi giang thì đó mới thực sự là bản lĩnh của người thầy. Câu chuyện của cô giáo Nguyễn Thị Huệ cùng các đồng nghiệp và các học trò Trường THPT Đại Mỗ (Hà Nội), ngôi trường vốn được coi như trường "làng", thuộc nhóm trường có điểm xuất phát đầu vào khá khiêm tốn của Thủ đô chính là minh chứng sống động cho điều đó.
Cô giáo Nguyễn Thị Huệ và các học trò đã có cú "lội ngược dòng" ngoạn mục trong Kỳ thi tốt nghiệp THTP năm 2025. Ảnh: NVCC.
Thành quả vượt mong đợi ở ngôi trường điểm đầu vào thấp
Theo thống kê phổ điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2025 của TP Hà Nội, điểm trung bình môn Ngữ văn của Trường THPT Đại Mỗ (quận Nam Từ Liêm) đạt 8.16 điểm, vượt điểm trung bình của Hà Nội và cả nước (điểm trung bình môn Ngữ văn của TP Hà Nội là 7.63, của cả nước là 7).
Cô Nguyễn Thị Huệ. Ảnh: NVCC.
Trò chuyện với Tri thức và Cuộc sống, cô Nguyễn Thị Huệ, Tổ trưởng Tổ Ngữ văn của Trường chia sẻ: Kết quả thi tốt nghiệp THPT môn Ngữ văn của trường năm nay khiến thầy trò vô cùng phấn khởi. Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia 2025, học sinh trường THPT Đại Mỗ đã gặt hái nhiều thành tích nổi bật, minh chứng cho tinh thần vượt khó, lòng quyết tâm và nỗ lực không ngừng của các em trong suốt 12 năm học.
Trường có 159 em đạt điểm từ 9 - 9,75 môn Ngữ văn. Đáng tự hào hơn, Trường đã có 05 Thủ khoa môn Văn với số điểm 9.75. Trong đó, lớp 12D4 do cô Huệ trực tiếp giảng dạy, vốn là một lớp đại trà, đạt điểm trung bình môn Văn lên tới 9.1. Trong đó có 03 em đạt 9,75 điểm: em Phạm Thùy Linh, Lý Khánh Huyền, Nghiêm Thị Mai Phương.
Điều đặc biệt, Trường THPT Đại Mỗ thuộc top những trường có điểm xuất phát đầu vào khá khiêm tốn so với các trường của Thủ đô nên kết quả này đối với cô trò, niềm vui nhân lên gấp nhiều lần, bởi đó là kết quả của một hành trình dài đầy nỗ lực, nhiều vất vả.
“Công thức” của Tình yêu và Phương pháp Đúng
Với cô Huệ và các đồng nghiệp trong tổ Ngữ văn, để có được kết quả trên không có phép màu nào ngoài sự tận tâm và một phương pháp đúng đắn.
“Tôi nghĩ, điều quan trọng đầu tiên để học trò tiến bộ là phải làm sao cho các em yêu thích môn học, cảm thấy rằng học văn rất thú vị, học văn không khó một chút nào”, cô Huệ tâm sự. Với quan niệm đó, cô Huệ cùng các đồng nghiệp đã biến môn Văn trở nên gần gũi hơn bằng cách xây dựng những “công thức” làm văn đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện.
Từ ngại học, các em dần được truyền tình yêu đối với môn Văn. Ảnh: NVCC.
Đó không phải là công thức khô cứng, mà là một hệ thống phương pháp bài bản được cả tổ Ngữ văn của trường thống nhất và triển khai đồng bộ. Thay vì kiểu dạy kiến thức của chương trình cũ, các giáo viên trong tổ tập trung vào việc dạy phương pháp và kỹ năng theo định hướng phát triển năng lực của chương trình GDPT mới 2018, giúp các em rèn luyện đầy đủ các kĩ năng: nghe, nói, đọc, viết.
Đặc biệt, trong chương trình ôn thi tốt nghiệp, tổ Ngữ văn tập trung vào việc dạy học theo các chuyên đề. Với chuyên đề nghị luận xã hội, các giáo viên giúp các em nắm vững cách làm từng kiểu bài, từng dạng đề.
Với Chuyên đề Đọc hiểu và Viết đoạn nghị luận văn học, các em được dạy theo đặc trưng thể loại. Mỗi thể loại như thơ, truyện, ký, kịch... các em đều nắm được đặc trưng của từng loại. Sau đó, nắm được cách trả lời các dạng câu hỏi đọc hiểu và cách viết các dạng đoạn văn liên quan thể loại.
"Mọi thứ được hệ thống hóa bài bản, lặp lại và nâng cao dần từ lớp 10 lên lớp 12”, cô Huệ chia sẻ.
Cùng với một phương pháp đúng, sự kiên trì, tận tâm của thầy cô là yếu tố vô cùng quan trọng. Từng bài viết được các cô giáo chấm, chữa, nhận xét kĩ lưỡng, giúp mỗi em đều nhận ra được ưu, khuyết trong bài làm của mình, từ đó hướng dẫn các em cách khắc phục. Cứ kiên trì, từng bước nhỏ như vậy, học sinh dần từ hết sợ, cho đến có tình yêu và học tốt môn Văn.
Thầy nỗ lực, trò chuyên cần: Quả ngọt từ sự cộng hưởng
Phương pháp của thầy cô chỉ thành công khi có sự nỗ lực từ học trò. Cô Huệ chia sẻ, yếu tố quyết định để các em “lội ngược dòng” chính là sự chăm chỉ và say mê của các trò với môn học.
Với mỗi dạng bài, sau khi được thầy cô hướng dẫn cách sửa chữa, khắc phục, các em sẽ về nhà làm lại. Có những em sẽ làm đi làm lại đôi ba lần cho đến khi thành thạo. “Văn ôn võ luyện”, cứ luyện nhiều các con sẽ tiến bộ.
Các cô giáo Tổ Ngữ văn. Ảnh: NVCC
Thành công này còn là nỗ lực của cả một tập thể. Cô Huệ cho hay, bản thân cô luôn biết ơn vì được kề vai sát cánh, "chung lưng đấu cật" cùng các đồng nghiệp giỏi, tâm huyết, luôn hết lòng vì học trò như cô Hương Giang, cô Phan Oanh, cô Đào Hiền; luôn nỗ lực, sáng tạo, đổi mới trong từng tiết dạy như cô Phương Loan, cô Hương Thảo, cô Nguyệt Anh...
Cô giáo Lê Thị Hương Giang và các học trò.
“Dạy ở Trường THPT Đại Mỗ càng phải tâm huyết, yêu trò, nếu không sẽ nhanh nản lắm. Bởi các con đầu vào yếu, thiếu niềm say mê với học tập, nhiều con còn ham chơi, lười học. Cũng có những lúc thấy mệt mỏi, stress vì dạy các con lâu không tiến bộ, nhưng mỗi khi nhìn vào ánh mắt của trò, cảm nhận được tình cảm của các con dành cho mình, thấy được sự nỗ lực vượt lên chính mình của các con mỗi ngày, thấy tương lai trong đôi mắt của các con, mỗi thầy cô chúng tôi lại được tiếp thêm năng lượng", cô Huệ tâm sự.
Những tiết dạy của cô giáo Nguyễn Phương Loan luôn có sự đổi mới, sáng tạo khiến học trò thích thú. Ảnh: NVCC.
Nhìn lại hành trình đã qua, có mệt mỏi, vất vả, nhưng với cô Huệ và các đồng nghiệp, đó là niềm hạnh phúc vô bờ của người đồng hành đã giúp các con chạm được đến ước mơ.
"Khi chứng kiến niềm vui, niềm hạnh phúc của các con trong giây phút đón nhận thành quả, nhận được những dòng tâm sự, sẻ chia đầy xúc động của các con và cha mẹ thì với chúng tôi, không niềm hạnh phúc nào có thể so sánh được. Đó chính là nguồn động viên khích lệ lớn nhất cho mỗi người thầy trong quá trình làm nghề", cô Huệ xúc động.
Cú “lội ngược dòng” từ điểm 4 thành Thủ khoa Văn
Khi mới vào trường, đã từng có lúc nhận điểm 4 môn Ngữ văn, nhưng lại trở thành một trong những Thủ khoa môn Ngữ văn của Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 với điểm 9.75, Phạm Thùy Linh, học sinh lớp 12D4, là một trong những minh chứng rõ nét cho hành trình “lội ngược dòng” thành công tại Trường THPT Đại Mỗ.
Linh kể, khi mới vào lớp 10, em chưa có được phương pháp học tập hiệu quả cho bộ môn Văn, em thường viết văn theo cảm xúc, nghĩ gì viết nấy, thường xuyên bị lạc đề, thường xuyên trả lời các câu hỏi đọc hiểu lan man, thiếu trọng tâm, thường xuyên mắc lỗi diễn đạt, dùng từ, đặt câu... nghiêm trọng trong các bài kiểm tra. Thậm chí, em đã từng phải nhận điểm 4 môn Văn từ chính cô Huệ.
Em Phạm Thùy Linh, học sinh lớp 12D4 và cô giáo Nguyễn Thị Huệ. Ảnh: NVCC.
“Em đã từng nghĩ rằng mình không thể học được môn này”, Linh thú nhận. Nhưng, bằng sự kiên trì và nghiêm khắc, bằng sự tận tâm và tỉ mỉ, cô Huệ đã giúp em nhận ra ưu khuyết của bản thân, tìm ra phương pháp học tập phù hợp với mình. Nhờ được rèn luyện các kĩ năng, lại có cơ hội tham gia các buổi thuyết trình, phát biểu trước đám đông, từ một cô bé nhút nhát, luôn sợ sai, Linh không chỉ trở nên mạnh dạn, tự tin bộc lộ quan điểm cá nhân, mà còn thể hiện sự sáng tạo riêng trong mỗi bài viết. Với Linh, người thầy giỏi chính là người thầy "bên cạnh bài tập về nhà, còn cho mỗi học trò đem một điều gì đó về suy nghĩ (Tomlin). Và em may mắn khi được học những thầy cô như thế.
Khi được hỏi về lời nhắn nhủ dành cho các bạn học sinh còn đang gặp khó khăn với môn học, Thùy Linh cho rằng, các bạn hãy cứ khám phá, trải nghiệm và cố gắng hết mình. “Hành trình phía trước còn dài, đích đến là vô tận. Thất bại chỉ là thành công bị trì hoãn tạm thời. Từ đó, các bạn hãy nỗ lực hơn, học hỏi từ kinh nghiệm của mọi người xung quanh và đừng ngại bước qua giới hạn của bản thân. Hãy đọc và học thật nhiều, vì kiến thức là vô hạn”, Linh chia sẻ.
Cũng là một trong những học sinh đạt 9.75 điểm môn Ngữ văn, em Nghiêm Thị Mai Phương, lớp 12D4 Trường THPT Đại Mỗ, vẫn còn vẹn nguyên cảm xúc bất ngờ và vui sướng. Mai Phương cho biết, em không nghĩ mình có thể đạt được số điểm cao như vậy.
Theo Mai Phương, điều đặc biệt trong cách dạy của cô Nguyễn Thị Huệ chính là việc tập trung vào rèn luyện kĩ năng, phương pháp làm bài. Cô không chỉ dạy cách thức trả lời từng câu hỏi, cách làm từng dạng đề mà còn cho học sinh luyện đề thường xuyên, giúp các em làm quen với nhiều dạng đề khác nhau. “Em thấy cách dạy của cô rất phù hợp với chương trình mới. Đề thi năm nay cũng rất hay, rất mở và phát huy được tính sáng tạo của học sinh”, Phương nhận xét.
Từ hành trình của mình, Phương tin rằng bất kỳ học sinh nào, dù điểm đầu vào chưa cao, cũng có thể thành công nếu có một phương pháp học tập tốt, sự dìu dắt của thầy cô và quan trọng nhất là sự chăm chỉ, cố gắng của chính mỗi người.
Thầy Nguyễn Duy Bỉnh, Hiệu trưởng Trường THPT Đại Mỗ cho biết, với điểm đầu vào của trường còn khiêm tốn so với mặt bằng chung của thành phố, kết quả đầu ra đã chứng minh sự nỗ lực không ngừng nghỉ của cả thầy và trò.
“Có những lớp, điểm trung bình môn Văn đạt 9,1, có thể coi là 100% học sinh đạt loại xuất sắc. Đó là một kết quả vượt trên cả mong đợi, chúng tôi rất vui và tự hào”, thầy Bỉnh chia sẻ.
Theo thầy Bỉnh, kết quả đó, có vai trò quan trọng của đội ngũ giáo viên, đặc biệt là tổ bộ môn Ngữ văn. Thành công này đến từ sự tâm huyết , yêu nghề, yêu trò và một phương pháp dạy học được xây dựng bài bản.
“Các thầy cô rất chịu khó, đã phân luồng các em theo năng lực để có phương pháp dạy phù hợp với từng cá nhân. Với những em còn đuối, các cô sẽ kèm cặp riêng, bồi dưỡng và củng cố kiến thức. Suốt cả quá trình, các cô luôn đồng hành cùng các em, tâm huyết và trách nhiệm. Chính chiến lược ôn tập, rèn luyện và hướng dẫn bài bản của tổ bộ môn đã giúp học sinh đạt được kết quả cao nhất”, thầy Bỉnh chia sẻ.
Mai Loan
Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống : https://kienthuc.net.vn/cu-loi-nguoc-dong-mua-diem-9-van-cua-co-tro-truong-lang-post1555735.html