Ở các tỉnh miền Tây như Hậu Giang, Cần Thơ, Đồng Nai, Tây Ninh có một loại củ trước gắn với cuộc sống dân dã của người dân, nay thành đặc sản nổi tiếng khắp nơi, đó là củ lùn.
Cây khoai lùn (củ lùn) có tên khoa học là Calathea allouia, có nguồn gốc từ Nam Mỹ và được trồng nhiều ở các vùng nhiệt đới nóng ẩm.
Ở Việt Nam, chúng còn có tên gọi khác là củ năng tàu, củ sâm lùn. Củ lùn hình tròn hoặc hình trứng, có cuống dài liên kết với nhau thành từng chùm. Bên ngoài có vỏ mỏng, màu vàng nhạt, nhiều tua rễ phụ.
Bên trong ruột củ lùn có màu trắng, phần lõi đục hơn và có chứa nhiều tinh bột.
Củ lùn cả năm chỉ có một vụ duy nhất, thu hoạch vào tầm tháng 11, 12 âm lịch (khoảng tháng 1, 2 dương lịch) và ăn dần cho đến hết một, hai tháng năm sau.
Những người từng thưởng thức củ lùn cho biết loại củ này giòn, sần sật chứ không bở, có vị ngọt và bùi.
Từ củ lùn có thể làm thành các món củ lùn luộc, chè củ lùn, nấu canh xương, hay xay thành bột để pha nước uống như bột sắn… Đến mùa, củ lùn được nhiều địa chỉ rao bán với giá 35.000 – 40.000 đồng/kg.
Phương Anh