'Cú nổ' của Phương Mỹ Chi tại cuộc đấu âm nhạc ở Trung Quốc

'Cú nổ' của Phương Mỹ Chi tại cuộc đấu âm nhạc ở Trung Quốc
6 giờ trướcBài gốc
Theo tờ Sinchew, Phương Mỹ Chi là một trong các vua trạm giành chiến thắng rồi lọt vào bán kết của Sing! Asia. Theo quy định của chương trình, 5 vua trạm đấu với 5 người giữ cửa. 4 người có bình chọn cao nhất trong 5 người chiến thắng vào thẳng bán kết. Người còn lại phải thi tứ kết 2 chiếu trong tập 7.
Phương Mỹ Chi chính là một trong 4 người chiến thắng đó. Phương Mỹ Chi có được cơ hội này sau khi giành điểm số áp đảo là 15-6 trước đối thủ mạnh: Hoàng Linh.
Phương Mỹ Chi áp đảo 'phù thủy âm nhạc'
Đối thủ của Phương Mỹ Chi - Hoàng Linh - sinh năm 1987 có bề dày hoạt động trên nhiều phương diện nghệ thuật, từ âm nhạc, nhạc kịch tới phim ảnh. Cô ra mắt năm 2004, từng được tờ Sohu gọi là “phù thủy âm nhạc” và giành chiến thắng ở vị trí thứ 7 tại Tỷ tỷ đạp gió rẽ sóng 2020. Tới 2023, cô giành được danh hiệu Nữ ca sĩ của năm tại Lễ hội thời trang Sohu. Điều đó đủ thấy Hoàng Linh là một đối thủ rất mạnh.
Trở lại với Phương Mỹ Chi, nữ ca sĩ quả thực đã có được một hành trình thành công ở Sing! Asia, dù tới đây, cô vào được chung kết hay không. Ngoại trừ phần thi đấu với đối thủ Vương Hoằng Hạo rồi nhận về tỷ số gây sốc là 3-20, Phương Mỹ Chi đã có những tiết mục đạt thành tích tốt lại hiệu quả trong việc truyền bá văn hóa Việt Nam.
Chẳng hạn, từ trạm Vịnh Hạ Long với tiết mục Buôn trăng (miền Trung) và Rock hạt gạo (miền Nam), tới Lý Bắc Bộ ở tập 3, Phương Mỹ Chi cùng ê-kíp của cô đã hoàn thiện bức tranh âm nhạc ba miền Việt Nam. Cùng âm nhạc, Phương Mỹ Chi còn trực tiếp diễn trống cơm trên sân khấu, truyền tải “hồn cốt” miền Bắc.
Phương Mỹ Chi tạo dấu ấn trên sân khấu Sing! Asia bằng âm nhạc, trang phục, trình diễn. Ảnh: FBNV.
Tới phần thi Bóng phù hoa lấy cảm hứng từ truyện Người con gái Nam Xương ở tứ kết 1, Phương Mỹ Chi khoe giọng hát nội lực, cao vót cảm xúc. Nhà sản xuất Bành Học Bân là một trong 15 người bỏ phiếu cho Phương Mỹ Chi nhận định nữ ca sĩ cùng ca khúc đã hòa làm một.
Trong khi đó, Trương Lương Dĩnh dành cho Phương Mỹ Chi nhiều lời khen ngợi về giọng hát, kỹ năng trình diễn, sự đầu tư về trang phục, vũ đạo, đạo cụ. Bên dưới video ghi lại tiết mục của Phương Mỹ Chi, rất nhiều bình luận được viết bằng tiếng Trung và hầu hết đều đánh giá tích cực về những gì nữ ca sĩ này đã bỏ ra.
Đến lúc này, thứ hạng không còn là thước đo duy nhất khi nói về thành công của Phương Mỹ Chi ở Sing! Asia. Quan trọng không kém việc thắng thua là cách truyền thông Trung Quốc lẫn khán giả nước này đón nhận Phương Mỹ Chi nói riêng và Vpop nói chung.
“Ca sĩ Việt Nam Phương Mỹ Chi kết hợp các chất liệu dân gian truyền thống với bản phối hiện đại, cùng cảnh tượng thị giác ấn tượng của võ thuật, sự đầu tư, thay đổi trang phục. Tất cả đã làm màu sắc văn hóa địa phương nở rộ”, tờ China Daily đánh giá về các phần trình diễn của Phương Mỹ Chi.
Vpop tạo ra xu hướng?
Từ tiền đề là sự xuất hiện của Phương Mỹ Chi tại Sing! Asia, QQ mới đây có bài viết dài phân tích về sự phát triển của Vpop. Bài viết với tiêu đề: “Việt Nam không chỉ là công xưởng của thế giới mà còn tạo ra xu hướng toàn cầu”.
Mở đầu bài viết, tác giả chỉ ra trong tưởng tượng của nhiều khán giả quốc tế, nhạc Việt dường như luôn là một "vùng đất hoang dã". Mọi người có thể biết Singapore có Tôn Yến Tư, Lâm Tuấn Kiệt, Thái Kiện Nhã, Malaysia có Michael Wong, Phẩm Quán… nhưng ít nghe thấy ca sĩ ở Việt Nam.
“Bỏ qua âm nhạc Trung Quốc, nhìn vào châu Á, ngoài các đế chế khổng lồ Kpop, Jpop, Thái Lan có Tpop đang trỗi dậy, hay ngay cả các ca sĩ ở Philippines cũng dần hiện diện nhiều hơn. Việt Nam ở đâu trên bản đồ âm nhạc này?”, tác giả bài viết đặt câu hỏi.
Và câu trả lời là: “Sự thật là nhạc Việt đang dần mở rộng lãnh thổ thông qua loạt ‘vụ nổ’ trong vài năm trở lại đây”. "Vụ nổ" ở đây là See tình (Hoàng Thùy Linh), là Cắt đôi nỗi sầu (Tăng Duy Tân) hay dấu ấn hiện tại của Phương Mỹ Chi với khán giả Trung Quốc.
Cắt đôi nỗi sầu của Tăng Duy Tân được biết đến rộng rãi ở Trung Quốc. Ảnh: FBNV.
Theo QQ, vào năm 2023, Cắt đôi nỗi sầu của Tăng Duy Tân không chỉ càn quét Đông Nam Á mà còn đứng đầu nhiều BXH âm nhạc Trung Quốc. Quy mô lan truyền của nó được mô tả là rộng lớn. Bài hát được nhiều ca sĩ nước bạn cover bằng tiếng Trung và mới đây cũng xuất hiện trong Sing! Asia do Đan Trường, Trương Lương Dĩnh thể hiện.
Cắt đôi nỗi sầu có thể được coi là bước tiến đầu tiên trong hành trình Vpop xâm nhập hoàn toàn vào thị trường Trung Quốc trong hai năm qua”, QQ viết.
Với See tình, QQ nhận định: “Ngoài việc là một ca khúc tiêu biểu của Vpop, đây còn là đỉnh cao của Vina House, sử dụng synthesizer, thêm các đoạn hook và chất liệu độc đáo của Việt Nam. Bài hát nghe có vẻ mộc mạc mà vẫn hợp thời và bí ẩn. Họ sử dụng kết cấu điện tử và trực giác âm nhạc Đông Nam Á để thiết lập một hệ thống tọa độ thẩm mỹ âm nhạc riêng cho Vpop”.
Tờ này tiếp tục đánh giá nếu Đan Trường đại diện cho "thời kỳ hoàng kim" của dòng nhạc pop chính thống tại Việt Nam, thì Phương Mỹ Chi đại diện cho cách thế hệ gen Z tái hiện truyền thống.
Tác giả bài viết nhận định: “Nữ ca sĩ này đã kết hợp những bản tình ca truyền thống với âm nhạc điện tử để tái hiện lại nền văn hóa truyền thống Việt Nam. Đây thực sự là một kiệt tác trong tâm trí tôi”.
Tác giả tiếp tục đánh giá cao tiết mục Buôn trăng của Phương Mỹ Chi khi có sự giao thoa thẩm mỹ giữa chất liệu dân gian Việt Nam và âm thanh điện tử đang phổ biến trên toàn cầu. Phần đầu của bài hát vẫn giữ được hương vị địa phương mạnh mẽ, như thể đang bước vào chợ đêm với những quầy bánh nếp và cửa hàng đèn lồng của Việt Nam. Sau đó, điệp khúc chuyển sang một bản phối điện tử. Phương Mỹ Chi tràn đầy tự tin.
“Đây là thế hệ mới”, tác giả nhận xét.
“Phần trình diễn trên sân khấu của Phương Mỹ Chi hy vọng truyền cảm hứng cho các nhạc sĩ trẻ Trung Quốc, những người cũng thuộc thế hệ Z. Trong làn sóng toàn cầu hóa, làm thế nào để chúng ta xây dựng lại bản sắc của chính mình?
Trong thế giới ngày nay, nơi chủ nghĩa đa văn hóa từ lâu đã là khẩu hiệu, Sing! Asia làm một điều gì đó lặng lẽ nhưng thực tế hơn: Không vội vàng xuất khẩu một câu chuyện lớn về "sự thống nhất châu Á", mà để các nhạc sĩ ở mỗi vùng đất đưa giọng hát của riêng họ lên sân khấu. Cũng giống trạm Việt Nam, để truyền bá văn hóa địa phương, họ chỉ cần nắm bắt âm thanh thực sự và tiềm năng của Vpop, để mọi người có thể cảm nhận qua âm nhạc”, tác giả nhấn mạnh trước khi kết thúc bài viết.
Minh Hạo
Nguồn Znews : https://znews.vn/cu-no-cua-phuong-my-chi-tai-cuoc-dau-am-nhac-o-trung-quoc-post1566148.html