Gameshow trong thời đại số

Gameshow trong thời đại số
3 giờ trướcBài gốc
Các nghệ sĩ tham gia gameshow “Em xinh say hi”. Ảnh: BTC.
Nhiều định dạng phong phú
Thị trường gameshow truyền hình hiện rất đa dạng, bao gồm nhiều thể loại từ ca nhạc, giải trí, thử thách, hẹn hò đến các chương trình thực tế với format độc đáo, thu hút đông đảo khán giả. Trong đó, "Bậc thầy săn thưởng", "Biệt đội siêu sao", "Tổ đội 1 không 2", “Em xinh say hi”... là những chương trình thực tế mới phát sóng trong năm 2025 và đang thu hút khán giả nhờ định dạng mới, lạ, có nét riêng.
Đơn cử như "Bậc thầy săn thưởng" - hành trình truy tìm kho báu đòi hỏi người chơi phải vận dụng kiến thức, các kỹ năng để vượt qua thử thách, truy tìm manh mối. Còn với “Em xinh say hi”, chương trình được đánh giá cao về chất lượng, hiện giữ thành tích khả quan về cả hiệu ứng và thứ hạng nhạc số.
Lấy chủ đề “Hào quang”, chương trình “Em xinh say hi" là sự xuất hiện của dàn tân binh gần như toàn năng khi hơn một nửa có khả năng sáng tác, vũ đạo và ngoại hình bắt mắt. So với "Chị đẹp", “Em xinh say hi" đánh trực tiếp vào đối tượng gen Z, người xem chính của show, vì thế sự cộng hưởng giữa khán giả và các thí sinh là điều dễ hiểu.
Ngoài ra, một số gameshow thực tế chuẩn bị lên sóng như "Về quê làm giàu", "Haha nông dân"… cũng có định dạng mới lạ. Các nghệ sĩ sẽ tham gia trải nghiệm cùng người nông dân, tổ chức quảng bá và livestream bán hàng, hỗ trợ người nông dân nâng cao thu nhập… Bên cạnh đó còn có các chương trình gameshow thực tế tìm kiếm tài năng như "Trạm phát sóng (+84)" hay "Show It All" đều đang chuẩn bị lên sóng, nhằm tìm kiếm tài năng trong mọi lĩnh vực: ca hát, nhảy múa, diễn hài, xiếc… không giới hạn độ tuổi.
Trước khi trở lại mạnh mẽ, gameshow truyền hình từng rơi vào bế tắc khi không có khán giả. Thế nhưng, với sự trở lại đầy ngoạn mục trong vài năm liên tiếp, gameshow đang chứng minh cho sức sống bền vững không chỉ về số lượng mà còn về chất lượng. Sự đa dạng này vừa là cơ hội để khán giả có nhiều lựa chọn, vừa là thách thức cho các nhà sản xuất trong việc tìm ra những format mới, hấp dẫn và cạnh tranh được với các chương trình khác.
Lý do nào cho sự trở lại?
Theo nhiều chuyên gia, sự trở lại mạnh mẽ của gameshow là hệ quả của nhu cầu giải trí "lành mạnh" từ khán giả, khi tìm kiếm những chương trình mang tính giáo dục, trí tuệ và gần gũi với gia đình. Gameshow, với cấu trúc rõ ràng, tính cạnh tranh và giải trí cao, đáp ứng đúng kỳ vọng đó.
Gameshow hiện nay không còn đơn thuần là hỏi - đáp hay thi đấu cá nhân, nhiều chương trình tích hợp yếu tố công nghệ, tương tác trực tuyến, thậm chí có cả yếu tố thực tế ảo (VR, AR), giúp nâng cao trải nghiệm người xem. Ngoài ra, nội dung được đầu tư kỹ lưỡng, gắn với đời sống và văn hóa đại chúng khiến gameshow trở nên gần gũi và hấp dẫn hơn.
Không dừng lại ở những format cũ, thị trường còn chứng kiến sự xuất hiện của nhiều gameshow sáng tạo hoàn toàn mới, như “Giải mã tri thức”, “Ký ức số” - kết hợp giữa thực tế ảo, trí tuệ nhân tạo và yếu tố giáo dục. Những chương trình này không chỉ gây tò mò mà còn tạo nên xu hướng mới cho thị trường giải trí.
TS Lưu Hồng Minh - nguyên Trưởng khoa Xã hội học (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) nhận định, gameshow đã thật sự trỗi dậy sau khoảng thời gian im ắng là do sự thay đổi trong cách tiếp cận nội dung.
“Các gameshow hiện nay không còn chỉ dừng lại ở giải trí đơn thuần, mà đã biết lắng nghe, thấu hiểu tâm lý người xem. Nhiều chương trình đã mạnh dạn đưa vào những giá trị nhân văn sâu sắc, những câu chuyện cảm động, truyền cảm hứng sống đẹp, sống tích cực. Đó là sự trở lại của tính chân thực, của cảm xúc thật - điều mà công chúng đang rất khát khao trong một thế giới ảo hóa và xô bồ thông tin” - TS Minh chia sẻ.
Ngoài ra, đó còn là sự đổi mới về hình thức thể hiện, nhờ công nghệ và sự sáng tạo không ngừng của các nhà sản xuất. Từ sân khấu, âm thanh, ánh sáng đến cách dựng hình, biên tập đều được chăm chút hơn, bắt kịp thị hiếu giới trẻ. Chính sự dung hòa giữa cổ điển và hiện đại này đã giúp gameshow trở nên hấp dẫn với nhiều thế hệ khán giả.
Cuối cùng, không thể không kể đến sự góp mặt của những nhân vật truyền cảm hứng - những nghệ sĩ luôn trong mình câu chuyện riêng đầy cảm xúc. Họ không chỉ đến để thi, để chơi, mà còn để kể lại hành trình sống, gieo hy vọng và khơi gợi những điều tốt đẹp trong lòng người xem.
Nói cách khác, chính sự kết hợp giữa giải trí và giá trị, giữa hình thức và nội dung, giữa truyền thống và đổi mới đã làm nên làn sóng mới của gameshow truyền hình - một làn sóng không ồn ào nhưng đủ sâu lắng để níu giữ khán giả.
Dưới góc nhìn của một người làm truyền hình, MC Ngọc Thụy (Đài Truyền hình Việt Nam) cho rằng, thành công của các gameshow hiện nay là sự tổng hòa từ nhiều yếu tố. Trước tiên đến từ việc, khán giả thực sự có nhu cầu tìm kiếm một món ăn tinh thần có giá trị. Chương trình gameshow hội tụ đủ các yếu tố: thú vị, hấp dẫn, nhân văn, kết nối. Tiếp đến, sự thu hút đến từ người nổi tiếng. Bản thân những người sản xuất chương trình cũng sẽ ưu tiên mời những khách mời đang nhận được sự quan tâm từ khán giả.
“Chúng ta có thể thấy, các KOLs, TikToker, diễn viên, ca sĩ trẻ hiện nay có lượng fan hùng hậu, khi tham gia gameshow, họ kéo theo view và tương tác rất lớn. Chính yếu tố “người thật - phản ứng thật” khiến gameshow dễ lan tỏa mạnh. Hơn nữa, gameshow thường là phiên bản Việt hóa từ các format gameshow đình đám thế giới. Hiệu ứng này mang đến sự tò mò cho khán giả, và khi được Việt hóa, khán giả cảm nhận được sự gần gũi và yêu thích chương trình hơn.
Sự hồi sinh mạnh mẽ của gameshow không chỉ là tín hiệu tích cực cho ngành truyền hình, mà còn là một minh chứng rõ ràng: giá trị thật sẽ luôn có chỗ đứng, dù ở bất kỳ thời đại nào.
Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, làn sóng trở lại của các gameshow truyền hình gần đây không chỉ là một hiện tượng giải trí, mà còn là dấu hiệu cho thấy truyền hình vẫn đang thích nghi, chuyển mình để giữ một chỗ đứng vững chắc trong trái tim khán giả. Sau một thời gian dài tưởng chừng như đã bị lấn át bởi các nền tảng số, gameshow truyền hình như được “tái sinh” với diện mạo mới mẻ, đa dạng, gần gũi hơn, chạm đến cảm xúc thật của khán giả. Có thể nói, đây là minh chứng cho sức sống mạnh mẽ của văn hóa truyền hình - một phần không thể thiếu trong bức tranh văn hóa đương đại.
Hoàng Vân
Nguồn Đại Đoàn Kết : https://daidoanket.vn/gameshow-trong-thoi-dai-so-10309603.html