Nhiều người già Trung Quốc cô đơn tuổi xế chiều
Theo dữ liệu chính thức, trong số hơn 297 triệu người từ 60 tuổi trở lên ở Trung Quốc, hiện đang có 1/4 là người độc thân.
Đối mặt với những "tổ ấm" trống rỗng khi con, cháu lập nghiệp nơi xa và sự thay đổi cấu trúc xã hội khi dân số ngày một già đi, người cao tuổi Trung Quốc tự mình giải quyết vấn đề.
Một trong những địa điểm tập trung nhiều người cao tuổi nhất ở Thượng Hải (Trung Quốc) có lẽ là nhà hàng của Thương hiệu Nội thất nổi tiếng Ikea.
Hầu hết các ngày trong tuần, đặc biệt là thứ Ba, có tới hàng trăm người cao tuổi đến đây để thưởng thức tiệc trà, đồ ăn nhẹ và thậm chí cả rượu mang từ nhà đến.
Đối mặt với những “tổ ấm” trống rỗng khi con, cháu lập nghiệp nơi xa và sự thay đổi cấu trúc xã hội khi dân số ngày một già đi, người cao tuổi Trung Quốc đã tự mình giải quyết vấn đề.
"Không chỉ người trẻ, mà người cao tuổi cũng cần giao lưu" - một cựu Giám đốc Viện dưỡnglão xưng tên là Qingqing nói với phóng viên trong một buổi chiều mùa đông gần đây.
Trước đây, hộ gia đình nhiều thế hệ là tiêu chuẩn xã hội thì hiện tại, rất nhiều người cao tuổi sống một mình.
Một cuộc khảo sát năm gần đây của Đại học Nhân dân Bắc Kinh cho thấy, 1/4 số người trên 60 tuổi cho biết, họ đang độc thân và có nhiều lúc cảm thấy vô cùng cô đơn.
"Trong tôi lúc nào cũng ẩn chứa sự cô độc"- ông Gu Yijun, một tài xế xe khách đã nghỉ hưu chia sẻ - "Sau nhiều năm làm việc, đến tuổi nghỉ hưu, tôi cảm thấy cuộc sống hiện tại thật nhàm chán. Tôi luôn muốn có một người bạn đời bên cạnh".
Cô đơn - Không chỉ là cảm giác, mà là vấn đề xã hội
Cách đây không lâu, một vụ việc gây xôn xao ở Hà Bắc (Trung Quốc) một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về vấn đề mại dâm ở người cao tuổi.
Theo thông tin từ cảnh sát tỉnh Hà Bắc, lực lượng chức năng đã theo dõi và điều tra một đường dây mại dâm hoạt động ở vùng ven trong nhiều tuần.
Khi tiến hành theo dõi đối tượng tình nghi, cảnh sát bất ngờ phát hiện hiện trường lại nằm trên sườn núi, giữa một khu vực hẻo lánh và hoàn toàn không có dân cư sinh sống.
Hiện trường là một túp lều nhỏ được dựng sơ sài bằng gỗ và bạt nilon. Bên trong, cảnh sát bắt gặp một người phụ nữ trung niên và một cụ ông 77 tuổi trong tình trạng "khó xử".
Sau khi tiến hành xác minh nhân thân, cụ ông được xác định là một người sống độc thân, về hưu đã nhiều năm và không có con cái ở gần.
Ngay tại hiện trường, khi được hỏi lý do vì sao lại thực hiện hành vi phạm pháp ở tuổi xế chiều, cụ ông không ngần ngại thừa nhận: "Tôi biết điều này là vi phạm pháp luật, nhưng tôi thực sự rất cô đơn. Không ai ở bên cạnh, không ai để chia sẻ. Tôi có nhu cầu, nhưng lại chẳng biết tâm sự với ai…".
Cụ ông cũng khai thêm rằng ông đã cố ý chọn địa điểm trên núi vì nghĩ rằng đây là nơi không ai biết đến, tránh ánh mắt của hàng xóm và cộng đồng.
"Không ngờ rằng tôi đã tìm một nơi rất kín đáo rồi mà vẫn bị phát hiện", cụ ông giọng nghẹn ngào.
Hiện trường vụ việc. Ảnh: Baijiahao.
Ông cho biết, mình từng nhiều lần đấu tranh tư tưởng nhưng cảm giác cô đơn, trống rỗng vẫn luôn đè nặng lên tâm trí.
"Ở tuổi này rồi, không còn tham vọng gì nhiều. Tôi chỉ cần một chút quan tâm, một chút gần gũi, nhưng lại quá khó để mở lời…", ông nói.
Lời thú nhận chân thành ấy đã khiến nhiều người có mặt tại hiện trường,bao gồm cả các cán bộ điều tra không khỏi lặng người.
Theo các nghiên cứu tại Trung Quốc, tỷ lệ người cao tuổi mắc các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục, đặc biệt là HIV/AIDS, đang ngày một gia tăng. Một phần nguyên nhân xuất phát từ chính những hành vi mua bán dâm không an toàn, được thực hiện trong bí mật và thiếu hiểu biết về các biện pháp bảo vệ.
Bên cạnh yếu tố pháp lý, sự cô đơn, thiếu chăm sóc tinh thần, và không có không gian để người cao tuổi chia sẻ nhu cầu cảm xúc là những nguyên nhân sâu xa đẩy họ vào tình huống dễ bị tổn thương, thậm chí vi phạm pháp luật.
Cảnh sát Hà Bắc sau khi xác minh vụ việc đã ra quyết định xử phạt đúng quy định đối với cả hai cá nhân liên quan.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia xã hội học đã lên tiếng cho rằng, chỉ xử phạt mà không giải quyết nguyên nhân gốc rễ thì những bi kịch tương tự vẫn có thể tiếp diễn.
"Người già có quyền được sống trọn vẹn về cả thể chất lẫn tinh thần. Việc họ có nhu cầu sinh lý là điều hoàn toàn tự nhiên. Tuy nhiên, khi xã hội né tránh, không cung cấp môi trường chia sẻ lành mạnh, thì những hành vi âm thầm, tiêu cực sẽ nảy sinh", một chuyên gia chia sẻ.
Lời giải cho bài toán "tuổi già cô đơn"
Vụ việc cụ ông 77 tuổi mua dâm trên núi có thể được coi là một "biểu tượng buồn" cho thực trạng nhiều người già hiện nay.
Họ sống một mình, cách biệt với con cháu, chưa được trang bị nhiều kiến thức về sức khỏe sinh lý – và trên hết, họ thiếu một xã hội biết lắng nghe và thấu hiểu.
So với những người có con cái bên cạnh, người già sống một mình thuộc nhóm người dễ bị tổn thương hơn.
Trong thời gian dài xa con cái, họ dễ bị ảnh hưởng bởi sự thiếu thốn về tài chính, thiếu sự chăm sóc về thể chất và hỗ trợ về mặt tinh thần.
So với những người có con cái bên cạnh, người già sống một mình thuộc nhóm người dễ bị tổn thương hơn. Ảnh minh họa
Các nghiên cứu cho thấy, trầm cảm phổ biến hơn ở người cao tuổi sống một mình ở vùng nông thôn Trung Quốc so với những người sống cùng con cái.
Ngoài ra, tỷ lệ tự tử ở người cao tuổi nông thôn cao nhất trong tất cả các nhóm tuổi ở Trung Quốc, theo một nghiên cứu được công bố bởi Nhà xuất bản Đại học Cambridge năm 2018.
Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng, mức độ cô đơn là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến việc phát triển các triệu chứng của bệnh trầm cảm. Huang Jisu, cựu nghiên cứu viên từ Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, cho biết: "Khi con người già đi, mối quan hệ xã hội cũng sẽ hạn chế hơn. Nhảy múa giúp những người cao tuổi này kết nối với mọi người xung quanh".
Những nghiên cứu khác cho thấy, lối sống hành vi là yếu tố ảnh hưởng mạnh mẽ nhất đến chất lượng cuộc sống của những người già sống một mình, tiếp theo là tình trạng kinh tế xã hội và các mối quan hệ gia đình.
Duy trì một lối sống lành mạnh là rất quan trọng để cải thiện chất lượng cuộc sống của người già.
Việc tạo ra các không gian sinh hoạt cộng đồng, chương trình tư vấn tâm lý, nâng cao nhận thức về giới tính và chăm sóc tinh thần cho người cao tuổi cần được thúc đẩy mạnh mẽ – nếu không muốn những bi kịch tương tự tái diễn.
Những người cao tuổi học nhảy trong làng Mao Dĩnh Tư, tỉnh An Huy, Trung Quốc.
Người già một số đô thị ở Trung Quốc đã tổ chức các buổi học nhảy tập thể để quên đi nỗi cô đơn này.
"Ngay cả những ngày mưa, miễn là mưa không quá lớn thì tôi vẫn đi nhảy. Nhạc disco nhanh khiến tôi cảm thấy tràn đầy năng lượng. Các con tôi khá vui vì điều đó", bà Wang Ruizhi, 84 tuổi, ở tỉnh An Huy, chia sẻ.
"Nhảy múa khuyến khích người cao tuổi tập thể dục thường xuyên và sống khỏe mạnh hơn. Ở một mức độ nào đó, nó giúp giảm tần suất đến bệnh viện", Huang, người đã theo học khiêu vũ kể từ khi nghỉ hưu cách đây 10 năm, cho biết.
Còn với ông Gu Yijun, việc tham gia cộng đồng người già cô đơn ở nhà hàng Ikea Thượng Hải đã mang đến cho ông những phút giây thư giãn, vui vẻ: "Như vậy tốt hơn nhiều so với việc một mình đối mặt với tấm gương ở nhà, chỉ nhìn thấy hình ảnh phản chiếu của chính mình".
Bách Hợp (t/h)