Cụ ông 80 tuổi vẫn là điển hình phát triển kinh tế

Cụ ông 80 tuổi vẫn là điển hình phát triển kinh tế
7 giờ trướcBài gốc
Cụ Lê Văn Hồng (thứ 3 từ trái sang) bên những đàn ong mỗi ngày. Ảnh: Lê Đồng
Nhà cụ ở ven con đường liên huyện nối liền xã Phú Nhuận lên thị trấn Bến Sung. Đó cũng chính là điều kiện để nhiều người biết đến mô hình vườn cây ăn quả kết hợp nuôi ong điển hình mà đến học tập kinh nghiệm, thu mua mật ong. Ngày chúng tôi tìm đến, cụ giới thiệu căn nhà cấp 4 ven đường với kiến trúc hiện đại được xây cất hoàn toàn từ thành quả nuôi ong. Dẫn những vị khách xuống những bậc thang ra sau nhà, cụ giới thiệu một khu vườn với mặt bằng thấp tụt với mặt đường kiểu bậc thang với nhiều cây ăn quả xanh mướt. Hàng chục cây bưởi và nhãn nhiều năm tuổi, những luống thanh long trồng xen, rồi những hàng cau tứ quý với những buồng trĩu quả. Theo cụ, thu nhập chính của khu vườn là mật ong, còn cây cối chỉ để che mát chứ trái cây thường cho tặng những người thân là chính. Dưới tán cây, nhiều đàn ong được khéo léo đặt ngang dọc trên các giá đỡ. Thời điểm hiện tại, trong vườn chỉ còn 70 đàn do cụ mới tách và bán đi hơn 50 đàn ong giống. Tuy nhiên, theo cụ, khi cao điểm trong vườn có tới 200 đàn, thu tiền mật có năm hơn 300 triệu đồng.
Với cụ Hồng, công việc làm vườn, nuôi ong ở đất Như Thanh đến nay đã gần nửa thế kỷ. Quê gốc xã Hoằng Đại (TP Thanh Hóa), từ nhỏ cụ đã theo bố mẹ lên núi rừng Như Thanh định cư theo chương trình xây dựng kinh tế mới. Năm 1966, cụ hăng hái tham gia nghĩa vụ quân sự rồi chiến đấu ở chiến trường Bình Trị Thiên. Năm 1968, cụ bị thương nặng trong một trận đánh ở Quảng Trị, phải ra quân rồi trở về địa phương lập gia đình và xây dựng kinh tế. Với thương tật không làm được những việc nặng, đến đầu những năm 1970, cụ xác định trồng cây, nuôi ong làm hướng phát triển kinh tế phù hợp, rồi theo nghề đến nay. Đồng hành với cụ là cụ bà Nguyễn Thị Bầu năm nay cũng ở tuổi 75 nhưng còn khá dẻo dai. Hàng ngày, hai cụ vẫn vui với vườn rau, những đàn gà thả vườn và nuôi ong.
Đến nay, chuẩn bị ở tuổi bát tuần, nhưng cụ vẫn vận hành máy cưa điện để chẻ ván ghép bọng, đóng các cầu ong bằng gỗ keo mà không phải đi mua. Tất cả các khâu chăm sóc đàn ong, lấy mật đều do hai cụ đảm nhiệm, lấy công làm lãi. Với cụ, nghề nuôi ong vừa làm vừa chơi, không những phát triển kinh tế mà quá trình lao động còn giúp dẻo dai, duy trì sức khỏe. Sản phẩm chính là mật ong cũng không chịu áp lực tiêu thụ ngay, có thể cất trữ nhiều ngày mà chất lượng vẫn còn nguyên vẹn.
Theo hạch toán của chủ vườn, 3 năm gần đây trong vườn duy trì từ 120 đến 180 đàn, thu hoạch cả nghìn lít một mỗi năm. Cộng với hơn 1ha bưởi, mít và các cây ăn quả, tổng lợi nhuận thu về hàng năm cũng trên dưới 200 triệu đồng.
“Không chạy theo lợi nhuận, ong của tôi thường cả tháng mới quay mật nên đặc sánh, chất lượng tốt hơn hẳn những mô hình quay mật hàng tuần. Đó cũng là lý do từ hàng chục năm qua, mật của gia đình luôn có đầu ra ổn định, được thương lái đưa đi nhiều tỉnh tiêu thụ”, cụ Hồng chia sẻ.
Nói về hiệu quả của nghề mình lựa chọn, ông tự hào: “Các con tôi đã thoát ly, nhưng mỗi khi làm nhà, mua xe, ông bà đều chu cấp phần lớn. Đó chính là thành quả tích lũy của hơn nửa đời gắn với con ong, với vườn cây nơi núi đồi Như Thanh. Cái hay là tất cả các khâu đều do tôi tích lũy kinh nghiệm, tự triển khai sản xuất. Những mô hình trang trại, vườn đồi khác có khi báo lợi nhuận hàng tỷ đồng, song phải đi thuê lao động, nhiều chi phí khác cũng không ít”.
Chủ tịch Hội Làm vườn và Trang trại huyện Như Thanh Lê Văn Liệu cho hay: “Mô hình làm vườn, nuôi ong của ông Lê Văn Hồng tạo sự lan tỏa lớn trong huyện. Ông là người có nhiều kinh nghiệm, sẵn sàng chia sẻ, tạo thành cộng đồng nuôi ong mật trong huyện phát triển mạnh như hôm nay. Từ nhiều năm qua, đây là mô hình kinh tế điển hình của xã Phú Nhuận cũng như toàn huyện Như Thanh, được các cấp chính quyền đánh giá cao. Tuy cao tuổi nhưng ông Hồng vẫn hàng ngày cố gắng, chưa định nghỉ ngơi, rất đáng khâm phục”.
Lê Đồng
Nguồn Thanh Hóa : https://vhds.baothanhhoa.vn/cu-ong-80-tuoi-van-la-dien-hinh-phat-trien-kinh-te-34513.htm