Sự việc xảy ra cách đây không lâu tại một toa tàu điện ngầm ở Thượng Hải (Trung Quốc). Theo hình ảnh từ video, một nam thanh niên mặc áo thun, quần short, đang đeo tai nghe và ngồi trên ghế ưu tiên dành cho người già, người khuyết tật.
Khi cụ ông tiến lại, thấy thanh niên không phản ứng, ông liền lên giọng: “Tôi 83 tuổi rồi, cậu đứng dậy đi!”. Không dừng lại ở đó, cụ còn kéo mạnh cánh tay thanh niên và quát lớn: “Cậu không có ông bà sao?”.
Trước hành vi này, thanh niên giữ bình tĩnh nhưng từ chối nhường ghế, đồng thời nhờ người đối diện quay lại toàn bộ sự việc. Anh nói rõ: “Ban đầu tôi định nhường nhưng thái độ của cụ ông như thế thì tôi không thể. Tôi đã báo cảnh sát rồi, xin quay hộ video làm bằng chứng”, thông tin từ 163.
Cụ ông yêu cầu thanh niên nhường chỗ trên tàu điện ngầm gây tranh cãi. Ảnh: 163
Vợ của cụ ông khi ấy cũng cố gắng kéo tay chồng và nhẹ giọng nhắc: “Thôi mà ông, phía trước còn chỗ trống kìa…”. Tuy nhiên, cụ ông vẫn cương quyết: “Tôi không giành ghế, tôi đang dạy dỗ cậu ta”.
Hai người giằng co khiến áo thanh niên bị rách. Chỉ đến khi nhân viên tàu điện xuất hiện can thiệp, hai bên mới chịu dừng lại nhưng không ai có dấu hiệu muốn nhượng bộ.
Đoạn video sau khi được đăng tải lên mạng xã hội đã nhận ý kiến trái chiều. Một bộ phận cho rằng thanh niên ngồi vào ghế dành cho người già, người khuyết tật là sai, vì đây là chỗ dành cho người cần được ưu tiên. Tuy nhiên, phần lớn ý kiến lại cho rằng cụ ông cư xử thiếu tôn trọng, dùng tuổi tác để áp đặt người khác là không phù hợp trong xã hội hiện đại.
Câu chuyện càng trở nên phức tạp khi nhiều cư dân mạng “đào” được thông tin cá nhân của cụ ông, bao gồm mức lương hưu trên 10.000 tệ/tháng (khoảng 35 triệu đồng), cùng hình ảnh cụ thường xuyên luyện thái cực quyền và đi dạo trong công viên.
Điều này khiến nhiều người thay đổi quan điểm, cho rằng một người có điều kiện kinh tế và sức khỏe như vậy không nên cố tình giành giật ghế với người khác trong không gian công cộng.
Hai người không ai chịu nhượng bộ ai. Ảnh: 163
Nhiều người còn quay video trước cửa nhà cụ, khiến cuộc sống của cả gia đình bị đảo lộn.
Người thân cụ chia sẻ rằng họ liên tục nhận được tin nhắn, cuộc gọi xúc phạm và nguyền rủa, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tinh thần của cả gia đình. Cụ ông cũng rơi vào trạng thái suy sụp, mất tinh thần, không dám bước ra khỏi nhà.
Sự việc đã được các cơ quan truyền thông Trung Quốc đăng tải rộng rãi. Đại diện phía tàu điện Thượng Hải cho biết, hệ thống tàu điện ngầm có bố trí ghế ưu tiên, tuy nhiên hành khách không có nghĩa vụ bắt buộc phải nhường chỗ. Mọi hành vi ứng xử nơi công cộng đều dựa trên tinh thần tự nguyện, văn minh và tôn trọng lẫn nhau.
Câu chuyện một lần nữa đặt ra vấn đề về chuyện ứng xử nơi công cộng. Đồng thời, nó cũng nhấn mạnh rằng việc "tấn công mạng", phát tán thông tin cá nhân là hành vi vi phạm pháp luật, có thể gây hậu quả nghiêm trọng không chỉ với người trong cuộc mà cả người thân của họ.
Như Ý