Tác động trực tiếp, gián tiếp
Ngày 2/4 (giờ Mỹ, tức ngày 3/4 giờ Việt Nam), chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố mức thuế đối ứng đối với hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ lên tới 46%.
TS. Chu Thanh Tuấn - Phó Chủ nhiệm Nhóm ngành cử nhân kinh doanh, Trường Đại học RMIT Việt Nam - cho rằng, tác động trực tiếp đến Việt Nam là rất rõ nét. Các ngành xuất khẩu chủ lực, gồm: Dệt may, điện tử, da giày, thủy sản và đồ gỗ, đều phụ thuộc vào thị trường Mỹ. Gần 30% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam hướng đến người tiêu dùng Mỹ.
Việt Nam đang đối mặt với một bước ngoặt quan trọng, đòi hỏi sự phản ứng chiến lược và phối hợp để bảo vệ nền kinh tế. Ảnh: Pexels.
Việc áp thuế ở mức từ 10-40% có thể làm xói mòn lợi thế cạnh tranh về giá, dẫn đến nguy cơ bị hủy đơn hàng và buộc doanh nghiệp, phải chấp nhận giảm biên lợi nhuận hoặc phải chuyển hoạt động sản xuất sang khu vực khác. “Thuế quan nhắm vào hàng Việt Nam xuất đi Mỹ có thể gây gián đoạn toàn bộ chuỗi cung ứng, làm tăng chi phí đầu vào và giảm nhu cầu trên nhiều lĩnh vực trong nước”, ông Tuấn nói.
Tác động gián tiếp cũng không kém phần lo ngại, gồm gián đoạn chuỗi cung ứng khi người mua từ phía Mỹ cắt giảm đơn hàng hoặc yêu cầu đàm phán lại mức giá, sụt giảm vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, ảnh hưởng dây chuyền tới các lĩnh vực trong nước như logistics, tài chính, đóng gói và tuân thủ quy chuẩn và biến động tỷ giá, bắt nguồn từ tâm lý thị trường bất ổn và áp lực vĩ mô gia tăng.
Theo ông Tuấn, khi những thách thức này vẫn tiếp diễn, Việt Nam đang đối mặt với một bước ngoặt quan trọng, đòi hỏi sự phản ứng chiến lược và phối hợp để bảo vệ nền kinh tế, duy trì vị thế trong thương mại toàn cầu.
Cần làm gì ngay lúc này?
Trao đổi với Tiền Phong, ông Trương Tiến Sĩ - Phó Giám đốc Trung tâm sinh viên và quan hệ doanh nghiệp, Trường Đại học Ngân hàng TPHCM - cho biết, dưới áp lực mức thuế quan 46% từ Mỹ - thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam - nước ta cần thích ứng linh hoạt bằng chiến lược “đa hướng - đa tầng - dài hạn”.
Doanh nghiệp cần tăng tính linh hoạt cho cấu trúc, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Ảnh: Pexels.
Thứ nhất, cần chủ động đàm phán song phương, đưa ra “gói nhượng bộ chiến lược” vừa đủ sức hấp dẫn Mỹ, vừa giữ được lợi ích cốt lõi. Giảm thuế một số mặt hàng Mỹ, mở cửa thêm lĩnh vực công nghệ - quốc phòng, đồng thời tăng mua nông sản là bước đi cần thiết để hạ nhiệt.
Chẳng hạn, cho phép Starlink (SpaceX) hoạt động tại Việt Nam, tăng mua hàng quốc phòng công nghệ cao từ Mỹ, cam kết bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, không thao túng tiền tệ. Điều chỉnh thuế suất nhập khẩu đối với một số mặt hàng từ Mỹ như LNG, ô tô, ethanol… Tăng nhập khẩu nông sản Mỹ như đậu tương, bắp, thịt bò…
Thứ hai, phải nâng chất hàng hóa xuất khẩu, tránh phụ thuộc vào lao động giá rẻ và gia công. Đây là lúc tái cấu trúc lại ngành hàng xuất khẩu chủ lực, từ dệt may, da giày đến điện tử cần đẩy mạnh nội địa hóa, áp dụng tiêu chuẩn cao.
Thứ ba, cần đa dạng hóa thị trường và chuỗi cung ứng là chiến lược dài hạn. Tăng cường khai thác các hiệp định thương mại tự do (FTA) như: Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu ÂU (EVFTA), Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện Khu vực (RCEP), đồng thời củng cố liên kết với ASEAN, Ấn Độ, Trung Đông để giảm lệ thuộc vào Mỹ.
Cuối cùng, phải thúc đẩy mạnh mẽ khu vực kinh tế tư nhân, tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam phát triển công nghệ lõi, thương hiệu riêng và năng lực xuất khẩu bền vững.
Tổ hợp kho cảng LNG Thị Vải tại Bà Rịa - Vũng Tàu tiếp nhận thành công chuyến tàu đầu tiên chở LNG nhập khẩu vào tháng 7/2023. Nguồn: GAS.
Theo ông Sĩ, Mỹ và Việt Nam đã nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện, đây không chỉ là biểu tượng ngoại giao mà còn là cơ hội chiến lược nếu Việt Nam biết tận dụng đúng cách. Để hưởng lợi tối đa, Việt Nam cần hành động trên 4 trụ cột chính.
“Đối tác chiến lược toàn diện là cơ hội thế kỷ nhưng chỉ trở thành đòn bẩy phát triển nếu Việt Nam quyết liệt cải cách và chủ động hành động”, ông Sĩ nói.
Việc Mỹ áp thuế 46% là cú sốc lớn, nhưng ông Sĩ cho rằng nó cũng mở ra những cơ hội quan trọng để Việt Nam tháo gỡ khó khăn và nâng cấp nền kinh tế. Theo đó, Việt Nam có thể thương lượng các “gói nhượng bộ thông minh” để đổi lấy ưu đãi thuế với các ngành xuất khẩu chủ lực, đồng thời tái cơ cấu sản phẩm và nâng cấp chuỗi giá trị. Doanh nghiệp phải chuyển từ xuất thô sang chế biến sâu, tăng tỷ lệ nội địa hóa, áp dụng tiêu chuẩn lao động và môi trường quốc tế. Đây là cơ hội để chuyển mình, bớt phụ thuộc vào mô hình gia công và nâng tầm thương hiệu Việt.
Phải nhận diện đúng!
Để đưa ra phản ứng hiệu quả, ông Chu Thanh Tuấn cho rằng điều cốt yếu là Việt Nam cần nhìn nhận vấn đề này qua lăng kính chiến lược. Cách tiếp cận điển hình của Tổng thống Trump là bắt đầu bằng cú sốc, công bố các mức thuế cao, như 30%, 40% hay thậm chí 60% rồi dùng chính các mối đe dọa đó như công cụ đàm phán để đạt được những thỏa thuận có lợi hơn.
“Việc nhận diện rõ chiến thuật này là điều hết sức quan trọng. Thay vì phản ứng hoảng loạn, Việt Nam phải đáp trả bằng chiến lược sáng suốt và phối hợp”, ông Tuấn nói.
Duy Quang