Mỹ áp thuế đối ứng 46% với hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam: Đánh giá kỹ lưỡng tác động, hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó

Mỹ áp thuế đối ứng 46% với hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam: Đánh giá kỹ lưỡng tác động, hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó
8 giờ trướcBài gốc
Việt Nam là một trong những quốc gia bị đánh thuế đối ứng cao, tới 46% đối với 90% mặt hàng nhập khẩu vào Mỹ. Ảnh: Quang Vinh.
Doanh nghiệp lo ngại
Ngày 2/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ban hành Sắc lệnh về thuế đối ứng áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu vào nước này. Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ áp thuế 10% đối với tất cả các mặt hàng nhập khẩu vào Mỹ. Việt Nam là một trong những quốc gia bị đánh thuế đối ứng cao, tới 46% đối với 90% mặt hàng nhập khẩu vào Mỹ.
Việc đánh thuế của Mỹ đối với hàng hóa nhập khẩu vào nước này sẽ khiến khoảng 60 quốc gia bị ảnh hưởng. Các mức thuế quan đối ứng này sẽ có hiệu lực từ ngày 9/4. Tính ra các nước sẽ còn khoảng gần 1 tuần nữa để đàm phán với phía Mỹ về các mức thuế đối ứng mà Mỹ xây dựng trước khi nước này thực hiện chính thức vào ngày 9/4.
Theo giới chuyên gia kinh tế, mặc dù việc áp dụng thuế bổ sung này đã được dự đoán trước, thời điểm ông Donald Trump đắc cử Tổng thống, nhưng mức thuế mà Tổng thống Mỹ đưa ra vẫn gây sốc cho nhiều doanh nghiệp (DN) xuất khẩu Việt Nam; đặc biệt là DN thuộc ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn vào Mỹ như dệt may, gỗ, thủy sản...
Ông Đỗ Ngọc Hưng - Tham tán Thương mại Việt Nam tại Mỹ cho biết các nhóm hàng chịu tác động từ chính sách thuế vừa công bố của Mỹ gồm: thủy sản, nhựa, cao su, gỗ, giấy bột giấy, dệt may, giày dép, máy móc, thiết bị, linh kiện, máy móc thiết bị, điện tử...
Nhiều DN cũng lo ngại hàng hóa sẽ chịu tác động mạnh khi Mỹ áp thuế đối ứng với Việt Nam lên tới 46%. Điều này sẽ làm giảm sức cạnh tranh của hàng Việt so với sản phẩm từ các nước khác.
Ở ngành dệt may, ông Phạm Văn Việt - Chủ tịch HĐQT - Tổng giám đốc Công ty TNHH Việt Thắng Jeans, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Dệt may thêu đan TPHCM cho rằng, hàng dệt may Việt Nam đang có mức thuế trung bình khoảng 15%. Thêm thuế đối ứng 46%, hàng Việt Nam chịu mức thuế tới 61%, Trung Quốc 84% nhưng nhiều nước thấp hơn như Mexico. Đây là mức thuế cao, gây ra nhiều khó khăn cho DN ngành dệt may. “Thị trường Mỹ chiếm 34-35% tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam. Mỹ đánh vào minh bạch xuất xứ vì 60% nguyên liệu từ Trung Quốc. Trong bối cảnh đó, chúng ta cần đa dạng chuỗi cung ứng, chuyển đổi vùng nguyên liệu khác. Với ngành dệt may có lẽ phải mất 2-3 năm mới được thị trường mới đón nhận” - ông Việt nói.
Nêu lên giải pháp, ông Việt cho rằng, DN sẽ gặp khó khăn trong khoảng quý II, bước sang quý III, sau khi đàm phán, mức thuế có thể giảm nhưng các DN cần chuẩn bị tư thế mở rộng thêm thị trường khác, khai thác tốt 17 FTA đã ký. Hiệp hội Dệt may Việt Nam có giải pháp phát triển thêm thị trường ngách, xây dựng chuỗi phục vụ ngành dệt may Việt Nam. Đồng thời, cần mở rộng thị trường, đẩy mạnh công nghệ để giảm giá, phát triển thị trường ngách như thị trường Trung Đông.
Ông Nguyễn Đình Tùng - Chủ tịch Vina T&T Group, một công ty xuất trái cây tươi vào Mỹ từ 2008 bày tỏ, DN lo ngại nhất là sức cạnh tranh của hàng Việt với các nước giảm sút khi bị áp thuế đối ứng. Theo đó, đối tác Mỹ nhập hàng của Việt Nam mà không cạnh tranh được thì họ sẽ quay ra mua từ Thái Lan hoặc các nước khác.
Còn ông Dương Nghĩa Quốc - Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam thì cho biết, giá cá tra xuất sang Mỹ khoảng 3,4 USD một kg, sẽ tăng lên 150% khi chịu thêm thuế đối ứng, rất khó cạnh tranh với các đối thủ khác.
Xuất khẩu dệt may của Việt Nam chịu tác động từ chính sách thuế mới của Mỹ. Ảnh: Quang Vinh.
Cân bằng thương mại là mục tiêu quan trọng
Gần đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 73/2025/NĐ-CP ngày 31/3/2025, trong đó điều chỉnh giảm đáng kể mức thuế suất nhập khẩu đối với nhiều mặt hàng. Việc điều chỉnh này nhằm cân bằng cán cân thương mại với các đối tác lớn, đồng thời giúp DN Việt Nam tiếp cận thị trường đa dạng hơn.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi khẳng định, cân bằng thương mại là mục tiêu quan trọng, nhưng cần được thực hiện theo hướng phát triển bền vững. Các biện pháp ứng phó không chỉ tập trung vào việc điều chỉnh thuế mà còn phải cân nhắc các giải pháp lâu dài nhằm duy trì quan hệ thương mại ổn định giữa Việt Nam và Mỹ. Do đó, cần kiên trì tìm kiếm giải pháp phù hợp, vừa thúc đẩy kim ngạch xuất nhập khẩu mà không gia tăng thuế, đảm bảo lợi ích cho người tiêu dùng của cả hai nước.
Hiện, Bộ Tài chính đã phối hợp với các cơ quan chức năng để đánh giá kỹ lưỡng các tác động và đề xuất những chính sách hỗ trợ DN. Một số giải pháp có thể bao gồm đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường, tối ưu hóa chuỗi cung ứng và tìm kiếm cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết.
Giới chuyên gia nhận định, Việt Nam thặng dư thương mại với Mỹ đến 123 tỷ USD, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam. Ngoài các DN Việt xuất khẩu sang Mỹ còn có các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Mức thuế 46% ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng và DN sản xuất tại Việt Nam nằm trong chuỗi cung ứng đó. Điều này sẽ tác động tiêu cực và phản ứng ngược liên quan đến các đơn hàng Việt Nam sẽ xuất khẩu ra sang Mỹ.
Để ứng phó với mức thuế mới, DN phải đàm phán lại để hài hòa lợi ích giữa các bên. DN phải thay đổi lộ trình, thay vì xuất 100% sang Mỹ thì sẽ đi qua nước thứ ba mà nước đó có mức thuế quan đối ứng với Mỹ thấp hơn.
Còn theo ông Đỗ Ngọc Hưng - Tham tán Thương mại Việt Nam tại Mỹ, Việt Nam cần triển khai hiệu quả các cơ chế hợp tác, thỏa thuận song phương với Mỹ như Hiệp định khung về thương mại và đầu tư Việt Nam - Mỹ (TIFA), Hiệp định thương mại song phương Việt - Mỹ (BTA). Việt Nam cũng cần cụ thể việc tăng nhập khẩu một số sản phẩm thế mạnh của Mỹ phù hợp với nhu cầu trong nước.
Cùng với đó, tăng thu hút DN Mỹ đầu tư vào các lĩnh vực, sản phẩm chiến lược mà họ có lợi thế và hai nước có nhu cầu. Việc này theo hướng tăng hàm lượng và tỷ lệ nguồn gốc thành phần Mỹ trong sản phẩm.
Bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy - Tham tán thương mại Việt Nam tại Thụy Điển, kiêm nhiệm Na Uy, Iceland và Latvia nêu quan điểm, chính sách thuế mới của Mỹ thực sự mang lại những thách thức song cũng là cơ hội để Việt Nam đa dạng hóa thị trường, giảm phụ thuộc vào thị trường Mỹ và giảm các đơn hàng ngắn hạn. “Trong bối cảnh toàn cầu đang tái định hình chuỗi cung ứng, các DN Việt Nam cần đánh giá lại chiến lược xuất khẩu vào EU – Bắc Âu, khu vực vừa có tiềm năng tiêu dùng, vừa có khung thương mại hợp tác thuận lợi qua EVFTA” – bà Thúy nhấn mạnh.
Thúc đẩy đàm phán để có kết quả tốt hơn
Nhiều DN xuất khẩu nông sản, dệt may, thủy sản lo ngại tình hình sẽ căng thẳng khi mức thuế đối ứng 46% như tuyên bố của Tổng thống Trump có hiệu lực.
Ông Tạ Hoàng Linh - Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường nước ngoài (Bộ Công thương) cho rằng trường hợp Việt Nam - Mỹ không tìm được giải pháp tích cực, sẽ ảnh hưởng tới mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu. Song theo ông Linh, vấn đề này đã được Bộ Công thương dự báo trước và đã chuẩn bị kế hoạch ứng phó.
Giới chuyên gia khuyến cáo, thời điểm này các DN xuất khẩu nên tận dụng thế mạnh sẵn có từ 17 FTA với trên 60 quốc gia, vùng lãnh thổ cùng 70 cơ chế hợp tác song phương. Song song đó, các DN cần đa dạng thị trường xuất khẩu.
“Mỹ chiếm 13% lượng hàng nhập khẩu toàn cầu, tức là Việt Nam còn nhiều cơ hội để khai thác 87% thị trường còn lại của thế giới. Bộ Công thương tiếp tục nỗ lực mở đường xuất khẩu sang các thị trường mới còn dư địa” – đại diện Bộ Công thương cho biết.
Cụ thể, nhà điều hành thúc đẩy đàm phán FTA với thị trường mới như Trung Đông, Mỹ La tinh, Trung Á và các thị trường mới nổi khác. Họ cũng tăng xúc tiến thương mại và cải thiện cơ sở hạ tầng logistics nhằm giảm chi phí vận chuyển, nâng khả năng cạnh tranh của hàng Việt Nam.
Hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài cũng tăng hoạt động, mở rộng để hỗ trợ DN kết nối giao thương, xúc tiến xuất khẩu. Về dài hạn, theo các chuyên gia, Việt Nam cần tái cơ cấu kinh tế, đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng, đảm bảo phát triển nhanh và bền vững.
Chính phủ đề nghị Hoa Kỳ tạm hoãn áp thuế để đàm phán
Chiều 4/4, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc cùng lãnh đạo các bộ, ngành đã họp với các hiệp hội, doanh nghiệp, các cơ quan ngoại giao để bàn về các giải pháp xử lý vấn đề thuế quan với Hoa Kỳ.
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc nêu rõ, Việt Nam luôn luôn chủ động, cầu thị, phối hợp mạnh mẽ với phía Hoa Kỳ để đàm phán thuế một cách công bằng; chống vấn đề trung chuyển hàng hóa, đẩy mạnh thương mại hai chiều theo hướng cả hai cùng có lợi.
Khẳng định thiện chí đàm phán để sớm tìm được tiếng nói chung, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc nêu rõ: Chính phủ Việt Nam đề nghị phía Hoa Kỳ cân nhắc tạm hoãn áp thuế từ 1-3 tháng để đàm phán, hướng tới đảm bảo công bằng về thuế.
Việt Nam cũng sẽ triển khai các giải pháp để tăng cường nhập khẩu hàng hóa xuất xứ từ Hoa Kỳ; mong muốn đẩy mạnh hợp tác với Hoa Kỳ trong các lĩnh vực phát triển khoa học, công nghệ, chuyển đổi số…
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc cũng đề nghị các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Mỹ giữ nguyên giá để chờ kết quả đàm phán; đồng thời chủ động triển khai các giải pháp phù hợp, hiệu quả để "giữ thị trường" Hoa Kỳ.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam và Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN chuyển thông điệp thiện chí từ Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam tới Chính quyền Tổng thống Donald Trump để việc đàm phán hiệu quả, đạt kết quả tốt đẹp, góp phần thúc đẩy quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện giữa hai nước.
C.V.
Vượt qua thách thức, tìm kiếm các cơ hội
Ngày 4/4, tại buổi họp báo thường ký quý I/2025 của Bộ Công thương, liên quan đến vấn đề Hoa Kỳ vừa áp mức thuế lên tới 46% đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết: “Cùng với việc Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên gửi Công hàm đề nghị phía Hoa Kỳ tạm hoãn quyết định áp thuế để dành thời gian trao đổi, tìm giải pháp hợp lý giữa hai bên; Bộ đã liên hệ với cơ quan ngoại giao, các kênh khác để thu xếp điện đàm giữa hai Bộ trưởng ở cấp kỹ thuật với các đồng nghiệp tại Cơ quan đại diện thương mại Hoa Kỳ (USTR). Bộ đã chuẩn bị nhiều nội dung phía Hoa Kỳ quan tâm như chính sách nhập khẩu, quản lý xuất nhập khẩu, thuế...".
Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân nhấn mạnh: Doanh nghiệp trong nước có thể gặp thách thức trong ngắn hạn, nhưng về dài hạn có thể sẽ tích cực. Chủ trương xuyên suốt của Việt Nam là phải đa dạng hóa thị trường theo phương châm “trứng không để chung một rọ”... Về việc có điều chỉnh mục tiêu xuất khẩu của Việt Nam trước động thái đánh thuế của Hoa Kỳ, lãnh đạo Bộ Công thương cho rằng, điều này “chưa vội bàn tới”, cần bình tĩnh xử lý tổng thể và toàn diện. Các giải pháp đặt ra hiện nay là vượt qua thách thức, tìm các cơ hội mới...
T.Xuân
H.Hương – P.Vân
Nguồn Đại Đoàn Kết : https://daidoanket.vn/my-ap-thue-doi-ung-46-voi-hang-hoa-xuat-khau-tu-viet-nam-danh-gia-ky-luong-tac-dong-ho-tro-doanh-nghiep-vuot-kho-10303031.html