“Điểm sáng” trong cơn bão thương mại
Căng thẳng thương mại leo thang giữa các nền kinh tế hàng đầu thế giới đang tạo ra những biến động mạnh trên thị trường tài chính toàn cầu. Giữa bối cảnh này, thị trường tiền mã hóa, vốn được xem là có mức độ rủi ro cao, cho thấy những tín hiệu đáng chú ý về khả năng phục hồi và tiềm năng trở thành công cụ đa dạng hóa đầu tư hiệu quả.
Theo ông David Siemer, CEO Wave Digital Assets, thời điểm bất ổn kinh tế có thể trở thành cơ hội thúc đẩy sự quan tâm của các tổ chức đối với tài sản số.
“Lịch sử cho thấy, trong những giai đoạn bất ổn, các tổ chức tài chính và doanh nghiệp thường tìm kiếm các giải pháp đa dạng hóa danh mục đầu tư và tiền mã hóa ngày càng được xem là một lựa chọn trong chiến lược này”, ông Siemer cho biết.
Đáng chú ý, khi kênh thanh toán truyền thống là ngân hàng gặp khó khăn do căng thẳng địa chính trị, nhu cầu về các giải pháp thanh toán dựa trên blockchain hoạt động độc lập với mạng lưới ngân hàng đại lý thông thường dần gia tăng. Đây có thể là cơ hội cho các nền tảng tiền mã hóa định vị mình như một giải pháp thay thế.
Một phân khúc cụ thể của thị trường tài sản số đang được đánh giá cao về tiềm năng trong bối cảnh hiện tại là tài chính phi tập trung (DeFi).
Ông Nicholas Roberts-Huntley, CEO Concrete & Glow Finance cho hay, DeFi cung cấp một giải pháp thay thế trung lập, không biên giới để tiếp cận tín dụng, kiếm lợi nhuận và di chuyển vốn. Các giao thức DeFi có vị thế đặc biệt thuận lợi để hưởng lợi từ tình trạng hỗn loạn thương mại.
“Khi các kênh tài chính truyền thống bị ảnh hưởng bởi căng thẳng địa chính trị, khả năng tương tác và chống kiểm duyệt của DeFi trở nên giá trị hơn bao giờ hết”, ông Roberts-Huntley nhận xét.
Tài sản số tại Việt Nam có tiềm năng phát triển vượt trội, đến từ các yếu tố then chốt như nền tảng công nghệ thích hợp, thị trường năng động…
Thời gian gần đây, các nền tảng DeFi đã cho thấy khả năng hoạt động hiệu quả ngay cả khi các thị trường truyền thống gặp khó khăn. Các dịch vụ cho vay, trao đổi và quản lý tài sản phi tập trung tiếp tục vận hành không gián đoạn, mang lại tính ổn định và độ tin cậy trong môi trường đầy biến động.
Không chỉ vậy, trước viễn cảnh hệ thống tài chính và thương mại toàn cầu trở nên phân mảnh, nhiều nhà đầu tư tìm kiếm các lựa chọn thay thế cho các tài sản rủi ro hơn, bao gồm cả USD. Cùng với đó, các ngân hàng trung ương trên thế giới đang tìm cách giảm sự phụ thuộc vào đồng USD, điều mà theo ông Marc Ostwald, Chuyên gia kinh tế trưởng tại ADM Investor Services International, “từ lâu đã là một mối lo ngại”.
Hiện tại, vàng vẫn là “nơi trú ẩn an toàn” được lựa chọn hàng đầu, minh chứng là giá vàng đã tăng 18% kể từ đầu năm 2025 đến nay. Tuy nhiên, Bitcoin dần định vị như một dạng “vàng kỹ thuật số” - một tài sản trú ẩn an toàn trong kỷ nguyên số, nhất là khi một số quốc gia tính đến việc sử dụng tiền mã hóa như một công cụ để vượt qua các hạn chế trong hệ thống thanh toán quốc tế truyền thống. Chẳng hạn, Trung Quốc và Nga bắt đầu sử dụng Bitcoin và các tài sản số khác để thanh toán một số giao dịch năng lượng. Bolivia vừa công bố kế hoạch nhập khẩu năng lượng bằng tiền mã hóa.
Theo ông Matthew Sigel, Trưởng bộ phận nghiên cứu tài sản số tại VanEck, mặc dù tăng trưởng kinh tế chậm lại không phải là yếu tố tích cực cho Bitcoin, nhưng phản ứng chính sách từ các ngân hàng trung ương có thể là động lực tăng trưởng mới. Nếu thuế quan kéo giảm GDP mà không gây ra làn sóng lạm phát mới, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể sẽ cắt giảm lãi suất, tạo điều kiện thanh khoản dồi dào - môi trường mà Bitcoin đã từng phát triển mạnh trong quá khứ.
Những ứng dụng hiện tại cho thấy, tài sản số đang dần chuyển đổi từ công cụ đầu cơ thành công cụ thiết thực cho thương mại năng lượng và thanh toán xuyên biên giới.
Tiềm năng phát triển tại Việt Nam
Tại Việt Nam, tài sản số có tiềm năng phát triển vượt trội, đến từ các yếu tố then chốt như nền tảng công nghệ thích hợp và thị trường năng động: tỷ lệ sử dụng Internet đạt 80% dân số, chủ yếu là giới trẻ; tốc độ phát triển 5G thuộc tốp đầu Đông Nam Á; thị trường tiền mã hóa sôi động, đứng Top 5 thế giới về việc áp dụng tiền mã hóa, với hàng triệu người dùng. Không chỉ vậy, Việt Nam có một cộng đồng blockchain mạnh với các dự án như Axie Infinity (game NFT), Kyber Network (DeFi), thu hút đầu tư toàn cầu và theo thống kê của Chainalysis, trong năm 2023, nhà đầu tư Việt Nam đã kiếm lời gần 1,2 tỷ USD từ thị trường tiền mã hóa.
Thời điểm hiện tại, Bộ Tài chính đã được Chính phủ giao nhiệm vụ xây dựng khung khổ pháp lý về tài sản mã hóa, tiền mã hóa. Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Thành Trung cho biết, Bộ đang kiến nghị với Chính phủ thừa nhận sự tồn tại, tiềm năng của tài sản số. Việc này hứa hẹn sẽ mở ra kênh huy động mới cho doanh nghiệp, nhưng việc triển khai thí điểm trên thị trường cần tuân thủ pháp luật Việt Nam và các quốc gia mà nhà đầu tư nước ngoài tham gia.
Theo TS. Vũ Văn Tính, Cố vấn cao cấp Công ty Luật Salus
Theo TS. Vũ Văn Tính, Cố vấn cao cấp Công ty Luật Salus, Việt Nam có thể học hỏi một số kinh nghiệm từ các quốc gia đã ban hành khung khổ pháp lý công nhận và quản lý tài sản số.
Thứ nhất, xây dựng khung pháp lý linh hoạt nhưng đủ chặt chẽ. Việt Nam có thể tham khảo mô hình PSA của Singapore, trong đó phân loại rõ các loại tài sản số (tiền mã hóa, NFT, token tiện ích), từ đó có thể áp dụng các mức thuế suất khác nhau.
Thứ hai, thiết kế cơ chế thuế, phí tối ưu áp dụng cho sàn giao dịch thử nghiệm. Giai đoạn đầu nên áp dụng cơ chế thí điểm (sandbox), cho phép sàn hoạt động trong thời gian khoảng 1 - 2 năm dưới sự giám sát của Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính.
Về phí giao dịch, có thể áp dụng mức phí từ 0,1 - 0,2%/giao dịch để thu hút nhà đầu tư (thấp hơn Thái Lan - 0,3%); miễn, giảm phí cho các giao dịch nhỏ lẻ (dưới 10 triệu đồng/ngày); phí rút lợi nhuận 1 - 5% từ giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài (tương tự như áp dụng với rút lợi nhuận từ đầu tư chứng khoán).
Về thuế, có thể áp dụng các mức thuế ưu đãi như thuế thu nhập doanh nghiệp ở mức 10% trong 5 năm đầu (như ưu đãi đối với nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao), thuế giá trị gia tăng 0% cho các giao dịch chuyển nhượng tài sản số để khuyến khích thanh khoản, thuế thu nhập cá nhân 5 - 10% từ lợi nhuận bán NFT/token (tương tự thuế đầu tư vốn hiện nay). Bên cạnh đó, cơ quan quản lý cần yêu cầu các sàn giao dịch nộp báo cáo tài chính tự động để chống trốn thuế.
Thứ ba, đảm bảo cạnh tranh với thị trường quốc tế. Để thực hiện được điều này cần có sự kết nối liên thông với sàn giao dịch nước ngoài như cho phép niêm yết song song token giữa sàn Việt Nam và sàn quốc tế (ví dụ Binance, Coinbase).
Thứ tư, có cơ chế quản trị rủi ro phù hợp để bảo vệ nhà đầu tư. Về mặt kỹ thuật, cần triển khai hệ thống nhận dạng và chống rửa tiền (KYC/AML) mạnh như yêu cầu xác thực 2 lớp (eKYC và sinh trắc học) giống Hàn Quốc, hoặc tích hợp hệ thống cảnh báo giao dịch đáng ngờ (theo tiêu chuẩn FATF). Ngoài ra, có thể xem xét thành lập Quỹ bảo hiểm rủi ro, mỗi sàn sẽ trích 1% doanh thu để bồi thường nếu xảy ra sự cố hack/lừa đảo (mô hình Nhật Bản).
Anh Quý