Ngành nhựa lạc quan trước chính sách thương mại của Hoa Kỳ

Ngành nhựa lạc quan trước chính sách thương mại của Hoa Kỳ
10 giờ trướcBài gốc
Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của ngành nhựa Việt Nam.
Ngay khi thông tin áp thuế đối ứng 46% đối với hàng Việt Nam được Hoa Kỳ đưa ra, nhiều đơn hàng của doanh nghiệp Việt Nam bị đối tác Hoa Kỳ thông báo hủy hoặc tạm hoãn. Trong đó, nhựa là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng nhất.
Tình hình phần nào được cải thiện sau khi Hoa Kỳ thông báo hoãn áp dụng thuế đối ứng trong thời gian 90 ngày. Đây là khoảng thời gian gấp rút để Chính phủ Việt Nam đàm phán với Hoa Kỳ nhằm đưa ra giải pháp cân bằng thương mại theo hướng đảm bảo quyền lợi của cả hai bên.
Ông Hoàng Đức Vượng, Phó chủ tịch Hiệp hội Nhựa Việt Nam (VPA), tỏ ra lạc quan trước chính sách thuế quan của Hoa Kỳ. Ông Vượng tin tưởng, Chính phủ Việt Nam đang tích cực đàm phán và chắc chắn có thể đưa ra giải pháp giúp mức thuế áp cho Việt Nam thấp hơn so với nhiều đối thủ, đặc biệt là Trung Quốc.
Nếu điều này thành hiện thực, Việt Nam có thể tận dụng cơ hội để trở thành trung tâm sản xuất lớn của châu Á. Như vậy, không chỉ ngành nhựa mà nhiều ngành, lĩnh vực sản xuất khác cũng được hưởng lợi.
Tuy nhiên, trường hợp xấu, Hoa Kỳ có thể giữ nguyên hoặc đặt ra mức thuế đối ứng thấp hơn 46% nhưng vẫn ở mức cao. Theo một vị lãnh đạo khác của VPA, chính sách thuế quan của Hoa Kỳ có thể đem lại cơ hội minh bạch hóa chuỗi cung ứng.
Cụ thể, dù ngành nhựa có doanh thu đạt 31 tỷ USD nhưng chi phí nhập khẩu nguyên liệu, bán thành phầm cũng lên đến hơn 13 tỷ USD năm 2024.
Hoa Kỳ có chính sách sẽ miễn, giảm thuế đối với sản phẩm sử dụng ít nhất 20% nguyên liệu đến từ quốc gia này. Do đó, thời gian tới, ngành nhựa có thể tăng nhập khẩu nguyên liệu, bán thành phẩm từ Hoa Kỳ, vừa giúp cân bằng thương mại, vừa hưởng thuế thấp, lại có thể minh bạch hóa nguồn gốc xuất xứ.
Đặc biệt, nhằm cân bằng thương mại với nền kinh tế hàng đầu thế giới, thuế nhập khẩu từ Hoa Kỳ đang và sẽ được giảm mạnh, giúp doanh nghiệp nhựa giảm chi phí đầu vào nếu nhập khẩu từ Hoa Kỳ.
Ở chiều ngược lại, thương mại nhựa giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ tiếp tục bị gián đoạn nghiêm trọng cũng là cơ hội lớn cho nhựa Việt Nam tăng tốc xuất khẩu. Bởi, Trung Quốc là đối thủ xuất khẩu lớn nhất của ngành nhựa Việt Nam và cũng có đối tác nhập khẩu nguyên liệu nhựa hàng đầu của Hoa Kỳ trước thời điểm thương chiến leo thang.
Thực tế, trong ba tháng đầu năm 2025, nhập khẩu nguyên phụ liệu ngành nhựa từ thị trường Hoa Kỳ tăng mạnh hơn 50%. Giá bình quân nhập khẩu nguyên liệu nhựa từ Hoa Kỳ giảm 8,5% xuống còn 1,1 nghìn USD/tấn, thấp hơn rất nhiều so với giá bình quân hơn 1,4 nghìn USD/tấn khi nhập khẩu từ Trung Quốc.
Bên cạnh đó, một doanh nghiệp xuất khẩu vải nhựa kỹ thuật sang Hoa Kỳ tỏ ra tự tin sẽ duy trì doanh thu nhờ vào chất lượng và giá trị sản phẩm, trong trường hợp thuế đối ứng ở mức khoảng 20 – 25%. Ngoài ra, biên lợi nhuận tương đối cao sẽ là vùng đệm cho doanh nghiệp này giảm nhẹ thiệt hại do chính sách thương mại của Hoa Kỳ.
Hiện tại, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của ngành nhựa Việt Nam, chiếm khoảng trên dưới 30% kim ngạch xuất khẩu hàng năm. Sản phẩm nhựa chủ yếu được Việt Nam xuất sang Hoa Kỳ bao gồm nhựa xây lắp và nhựa gia dụng.
Trước thời điểm Hoa Kỳ công bố chính sách thuế quan, ngành nhựa được dự báo triển vọng tăng trưởng lạc quan, có biên lợi nhuận tăng bởi giá hạt nhựa đầu vào đang có chiều hướng giảm. Trong khi đó, nhu cầu nhiều sản phẩm nhựa ở cả thị trường trong nước và thế giới được dự báo tăng mạnh.
Đây cũng sẽ là cơ hội để ngành nhựa đẩy mạnh xuất khẩu sang nhiều thị trường lớn khác ngoài Hoa Kỳ nhằm đa dạng hóa, tránh được rủi ro do phụ thuộc nhiều vào một thị trường.
Phạm Sơn
Nguồn Nhà Quản Trị : https://theleader.vn/nganh-nhua-lac-quan-truoc-chinh-sach-thuong-mai-cua-hoa-ky-d39730.html