Cú sốc thuế quan với quốc gia 'chưa ai từng nghe đến'

Cú sốc thuế quan với quốc gia 'chưa ai từng nghe đến'
một ngày trướcBài gốc
Công nhân dệt may ở Lesotho. Ảnh: peoplesdispatch
Đầu tháng 3, Tổng thống Donald Trump đã gọi Lesotho là một nơi "chưa ai từng nghe đến". Một tháng sau, quốc gia nhỏ bé ở phía nam châu Phi này trở thành tâm điểm chú ý của thế giới sau khi bị đánh thuế 50% đối với hàng xuất khẩu sang Mỹ, mức thuế cao nhất mà Washington công bố đối với một đất nước nhỏ bé, nơi sinh sống của 2,3 triệu người và có GDP chỉ hơn 2 tỷ USD mỗi năm.
Theo tờ El Pais, trong vài ngày qua, và nhờ ông Trump, giờ đây chúng ta biết rằng Maseru là thủ đô của Lesotho, rằng đói nghèo đang hoành hành một nửa dân số của quốc gia này, rằng hàng nghìn chiếc quần jeans Levi's được bán ở Mỹ được sản xuất tại các nhà máy dệt ở nước này và rằng tỷ lệ mắc HIV/AIDS tại đây là một trong những tỷ lệ cao nhất thế giới.
Nhưng tại sao lại là Lesotho?
Đó chính xác là điều mà Bộ trưởng Thương mại Lesotho, Mokhethi Shelile, đã tự hỏi, với sự kinh ngạc, trong lần xuất hiện ngắn ngủi trước giới truyền thông vào tối 10/4.
"Chúng ta cần phải khẩn trương đến Mỹ để trao đổi với chính quyền của họ và bảo vệ lợi ích của chúng ta", ông Shelile nói. Vị quan chức này dự đoán rằng một số trong 11 nhà máy dệt của Lesotho sẽ phải đóng cửa và một phần lực lượng lao động gồm 12.000 người của họ sẽ mất việc, mặc dù hiện tại hoạt động của họ vẫn không thay đổi trong khi chính phủ "tìm kiếm giải pháp", bao gồm "đa dạng hóa" các điểm đến xuất khẩu của mình.
"Mỹ là đối tác thương mại quan trọng đối với châu Phi, nhưng trong những năm gần đây, một số quốc gia trên lục địa này đã chuyển sang các điểm đến khác, chẳng hạn như Trung Quốc, điều này chắc chắn sẽ tăng cường sự hiện diện của họ trong khu vực của chúng tôi sau các quyết định của ông Trump", Kwami Ossadzifo Wonyra, nhà kinh tế học và giáo sư tại Đại học Kara, ở Togo, giải thích trong một cuộc phỏng vấn.
Lesotho, một vương quốc nhỏ vùng núi, phụ thuộc vào xuất khẩu kim cương, quần áo - đặc biệt là quần jean - và nước khoáng. Điều đặc biệt là Lesotho nằm lọt thỏm hoàn toàn trong lãnh thổ của một quốc gia khác là Nam Phi. Sau Nam Phi, Mỹ là đối tác thương mại lớn nhất của nước này, chiếm 21% kim ngạch xuất khẩu. Xuất khẩu sang Mỹ chiếm 10% GDP của Lesotho. Xét đến những con số này, thiệt hại mà mức thuế 50% gây ra rõ ràng nghiêm trọng hơn ở một quốc gia không gây ra mối đe dọa thương mại nào đối với Mỹ.
"Có lẽ quyết định của ông Trump là do người Mỹ muốn bảo vệ những người sản xuất bông của họ. Đó là lý do hợp lý duy nhất mà người ta có thể tìm thấy", Giáo sư Ossadzifo Wonyra nói.
Nhưng theo các nhà kinh tế khác, câu trả lời có thể khác.
Lesotho bất lực trong phản ứng
Liệu có phải Lesotho đã áp dụng mức thuế cắt cổ đối với các sản phẩm của Mỹ và Washington chỉ đơn giản là áp dụng nguyên tắc “có đi có lại”? Có vẻ như không phải vậy. Lesotho là thành viên của Liên minh Hải quan Nam Phi (SACU), bao gồm cả Nam Phi, Namibia, Eswatini và Botswana. Tất cả đều áp dụng một mức thuế quan chung đối với hàng xuất khẩu của họ, nhưng Washington sẽ áp dụng các mức thuế khác nhau: 30% cho Nam Phi, 37% cho Botswana, 21% cho Namibia và 10% cho Eswatini.
Nền kinh tế Lesotho phụ thuộc vào xuất khẩu kim cương và quần áo. Ảnh: peoplesdispatch
Các tính toán của chính quyền Tổng thống Trump đối với một quốc gia như Lesotho chủ yếu dựa trên sự bất bình đẳng trong thương mại của quốc gia này, cụ thể hơn là sự mất cân bằng so với Washington. Do đó, các quốc gia nhỏ, nghèo tài nguyên không đủ khả năng nhập khẩu từ Mỹ đã bị phạt nặng hơn. Vào năm 2024, trong khi Mỹ chỉ xuất khẩu 2,8 triệu USD hàng hóa sang quốc gia châu Phi nhỏ bé này, thì lượng hàng nhập khẩu của họ từ Lesotho lên tới 237,3 triệu USD.
“Lesotho không thể làm gì về vấn đề này: họ không thể thay đổi mức thuế mà họ bị cáo buộc áp dụng đối với Mỹ để giảm mức thuế mà Mỹ ‘đáp lại’ vì mức thuế này cũng không dựa trên bất kỳ mức thuế nào mà họ áp dụng. Tương tự như vậy, Lesotho không thể làm được gì nhiều để giảm thâm hụt thương mại với Mỹ vì, một lần nữa, họ đơn giản là không có đủ tiền để mua hàng hóa Mỹ”, nhà phân tích kinh tế Arnaud Bertrand nói, nhấn mạnh rằng đây là ví dụ điển hình nhất về “sự bất nhất về kinh tế” của những thông báo của từ Washington, rằng “thay vì giải quyết các rào cản thương mại thực tế, lại trừng phạt các quốc gia dựa trên thâm hụt thương mại”.
Một số loại quần bò Levi’s mà người Mỹ mặc được sản xuất tại Lesotho và được xuất khẩu nhờ Đạo luật Tăng trưởng và Cơ hội của châu Phi (AGOA), cho phép một số quốc gia châu Phi xuất sản phẩm đến Mỹ mà không phải chịu thuế. AGOA, được cựu Tổng thống Bill Clinton ký thành luật vào năm 2000, nhằm mục đích kích thích nền kinh tế của các quốc gia này và dự kiến sẽ được gia hạn vào tháng 9 năm sau, nhưng các quyết định của chính quyền Tổng thống Trump dường như đánh dấu sự kết thúc của nó.
Nhà kinh tế Kwami Ossadzifo Wonyra cho rằng: “Có lẽ đã đến lúc các nước châu Phi tập trung vào việc thúc đẩy một khu vực thương mại tự do cho lục địa của chúng ta. Chúng ta cần phát triển theo khu vực để đáp ứng nhu cầu của mình. Đây có thể là cơ hội để định hướng lại hoạt động thương mại của chúng ta hướng tới các nước láng giềng và cả thị trường châu Á”.
Thực tế là cả Lesotho và hầu hết các quốc gia châu Phi đều không quan trọng đối với nền kinh tế Mỹ. Năm 2024, tổng kim ngạch nhập khẩu của Mỹ từ các quốc gia châu Phi đạt 39,5 tỷ đô la (trong đó 50% thuộc về Nam Phi và Nigeria), chỉ gần bằng số lượng mà Mỹ mua từ một quốc gia như Mexico trong một tháng. Kim ngạch xuất khẩu của Mỹ sang châu Phi đạt 32,1 tỷ USD, theo số liệu chính thức.
Bệnh nhân AIDS bị bỏ rơi?
Mức thuế quan nặng nề có hiệu lực vào thời điểm nhiều quốc gia châu Phi đang phải đối mặt với những tác động từ việc cắt giảm viện trợ nước ngoài của Mỹ, đặc biệt là trong lĩnh vực y tế. Trong số này có Lesotho, nơi có khoảng 260.000 người được chẩn đoán mắc HIV. Loại virus này đã cướp đi sinh mạng của 4.000 người vào năm 2023, khiến nó trở thành nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở Lesotho.
Kể từ khi ông Trump tuyên bố rằng hầu hết các chương trình của USAID sẽ bị đình chỉ trong 90 ngày để đánh giá tính phù hợp của chúng, 72% hỗ trợ mà Lesotho nhận được từ Kế hoạch cứu trợ khẩn cấp của Tổng thống Mỹ về AIDS (PEPFAR) đã biến mất. Vào năm 2024, USAID đã đầu tư 44 triệu USD vào cuộc chiến chống lại HIV/AIDS tại Lesotho.
Thu Hằng/Báo Tin tức
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/the-gioi/cu-soc-thue-quan-voi-quoc-gia-chua-ai-tung-nghe-den-20250414171130996.htm