Với tinh thần cải cách như vậy, chúng ta kỳ vọng thời gian tới sẽ thu hút được các nhà đầu tư trong những lĩnh vực công nghệ cao. Tuy nhiên, mong muốn này có trở thành hiện thực hay không còn phụ thuộc vào văn bản hướng dẫn chi tiết. Điều 36a Luật Đầu tư (sửa đổi) đã quy định cơ bản về quy trình thủ tục đầu tư đặc biệt. Dù vậy, với tính chất của văn bản hướng dẫn, dự thảo Nghị định quy định chi tiết về thủ tục đầu tư đặc biệt - đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư soạn thảo - cần cụ thể hóa và thể hiện được tinh thần cải cách, đột phá của quy định này, nhất là về quy trình thực hiện.
Nói vậy là bởi quá trình thực hiện dự án đầu tư liên quan đến rất nhiều quy định trong nhiều ngành, lĩnh vực. Ở từng giai đoạn của dự án, chủ đầu tư đều phải thực hiện các thủ tục, xin các loại giấy phép. Ví dụ, trong giai đoạn chuẩn bị, nhà đầu tư phải thực hiện các thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư nếu dự án thuộc trường hợp phải chấp thuận chủ trương. Nếu dự án có cấu phần xây dựng thì phải có báo cáo nghiên cứu khả thi được thẩm định. Nếu có công nghệ tác động xấu đến môi trường, phải được cơ quan quản lý về công nghệ thẩm định công nghệ. Nếu thuộc trường hợp phải đánh giá tác động môi trường, phải có Báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt. Rồi tới các thủ tục để được giao đất, chuyển mục đích sử dụng đất…
Trong giai đoạn thực hiện dự án, nếu có cấu phần xây dựng, chủ đầu tư phải thực hiện các thủ tục thẩm duyệt thiết kế sau cơ sở, xin giấy phép xây dựng, giấy phép về môi trường; giấy chứng nhận đăng ký chuyển giao công nghệ… Tại giai đoạn kết thúc dự án, đối với một số công trình xây dựng phải thực hiện thủ tục nghiệm thu công trình, nghiệm thu phòng cháy và chữa cháy…
Nhiều thủ tục trong số này - nhà đầu tư sẽ không phải thực hiện nếu dự án được áp dụng thủ tục đầu tư đặc biệt. Đó là, thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, thẩm định công nghệ, lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, lập quy hoạch chi tiết, cấp Giấy phép xây dựng và các thủ tục để được phê duyệt, chấp thuận, cho phép trong lĩnh vực xây dựng, phòng cháy, chữa cháy. Thay vào đó, nhà đầu tư sẽ cam kết thực hiện các tiêu chuẩn, điều kiện, quy chuẩn kỹ thuật theo quy định của pháp luật về xây dựng, bảo vệ môi trường, phòng cháy, chữa cháy.
Quá trình góp ý kiến vào dự thảo Nghị định quy định chi tiết về thủ tục đầu tư đặc biệt, cộng đồng doanh nghiệp mong muốn Nghị định này phải xây dựng được quy trình theo các bước, từ giai đoạn chuẩn bị dự án cho đến giai đoạn đưa dự án vào thực hiện. Trong mỗi giai đoạn, đối chiếu với dự án đầu tư thông thường, nhà đầu tư theo thủ tục đặc biệt không phải thực hiện thủ tục hoặc không phải xin giấy phép nào. Thiết kế được như vậy sẽ vừa bảo đảm tính minh bạch, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư dễ hình dung các bước thực hiện, vừa có căn cứ cho cơ quan quản lý giám sát, quản lý.
Bên cạnh đó, theo Luật Đầu tư và dự thảo Nghị định, dự án áp dụng thủ tục đặc biệt tuy không phải thực hiện thủ tục đánh giá tác động môi trường nhưng vẫn phải xin giấy phép môi trường. Vậy nhưng, pháp luật về môi trường hiện nay không có quy định cấp giấy phép môi trường cho dự án được miễn Báo cáo đánh giá tác động môi trường. Đây là vấn đề cần điều chỉnh để bảo đảm sự đồng bộ của pháp luật, từ đó bảo đảm sự thuận lợi trong áp dụng cũng như tính khả thi của thủ tục đầu tư đặc biệt.
Thủ tục đầu tư đặc biệt được áp dụng từ ngày 15.1 tới đây, khi Luật sửa đổi, bổ sung 4 luật thuộc lĩnh vực đầu tư chính thức có hiệu lực. Điều này hứa hẹn tạo ra bước ngoặt lớn, giúp thu hút các nhà đầu tư, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ cao. Để đạt được mục tiêu này, việc hoàn thiện các văn bản hướng dẫn bảo đảm cụ thể, minh bạch và đồng bộ đóng vai trò hết sức quan trọng.
Hà Lan