Sáng 20/4, các địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đồng loạt tổ chức lấy ý kiến cử tri đại diện hộ gia đình về dự thảo Đề án sắp xếp tỉnh Quảng Ngãi và tỉnh Kon Tum và Đề án sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp xã của tỉnh Quảng Ngãi năm 2025. Đến 15h chiều cùng ngày, công tác lấy ý kiến cử tri đã cơ bản xong. Có trên 98% cử tri đồng ý với nội dung 2 đề án đưa ra lấy ý kiến. Về tên gọi các xã sau khi sắp xếp, cử tri cơ bản thống nhất với đề án. Tại một số địa phương, cử tri cũng đề xuất một số tên gọi khác đối với một số ĐVHC cấp xã và đang được các địa phương nghiên cứu tiếp thu nếu đảm bảo cơ sở.
*Cùng với các địa phương trong tỉnh, sáng 20/4, các thôn, tổ dân phố trên địa bàn TP.Quảng Ngãi đã đồng loạt tổ chức Hội nghị lấy ý kiến cử tri.
Đúng theo thời gian quy định trên giấy mời, sáng 20/4, đông đảo người dân tổ dân phố (TDP) 7, phường Trần Phú đã có mặt tại điểm sinh hoạt văn hóa của tổ để tham gia ý kiến đối với Đề án sắp xếp tỉnh Quảng Ngãi và Kon Tum, Đề án sắp xếp ĐVHC cấp xã của tỉnh Quảng Ngãi năm 2025.
Trong không khí dân chủ, cởi mở, đại diện tổ dân phố đã thông tin những nội dung cơ bản của đề án để cử tri cho ý kiến, trong đó nhấn mạnh mục tiêu của việc sắp xếp ĐVHC cấp tỉnh và cấp xã lần này là nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, xây dựng chính quyền gần dân, sát dân, phục vụ nhân dân được tốt hơn.
Cử tri TP.Quảng Ngãi trao đổi thông tin về các đề án sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh và cấp xã. Ảnh: T.HẬU
Sau đó, các cử tri trong TDP lần lượt thể hiện quan điểm “đồng ý” hoặc “không đồng ý” vào phiếu lấy ý kiến theo mẫu quy định đối với việc thành lập tỉnh Quảng Ngãi trên cơ sở hợp nhất tỉnh Quảng Ngãi và Kon Tum; thành lập phường Nghĩa Lộ trên cơ sở sáp nhập các phường, gồm: Lê Hồng Phong, Trần Phú, Quảng Phú và Nghĩa Lộ.
Cử tri Võ Minh Phụng (72 tuổi) bày tỏ sự đồng thuận với 2 đề án sắp xếp ĐVHC cấp tỉnh và cấp xã. Theo ông, đây là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước. Việc hợp nhất tỉnh Quảng Ngãi và tỉnh Kon Tum sẽ tạo sự liên kết vùng giữa miền núi và đồng bằng, mở ra cơ hội phát triển kinh tế, xã hội bền vững cho tỉnh Quảng Ngãi sau này.
Thành phố Quảng Ngãi thành lập 139 tổ lấy ý kiến tại 139 thôn, tổ dân phố và có trên 71 nghìn cử tri đại diện hộ gia đình tham gia đóng góp ý kiến.
Cử tri Trần Trọng Thu (59 tuổi) cũng đồng tình với chủ trương thành lập phường Nghĩa Lộ trên cơ sở sáp nhập các phường Lê Hồng Phong, Trần Phú, Quảng Phú và Nghĩa Lộ. Ông kỳ vọng, sau khi sáp nhập và tinh gọn bộ máy hành chính, ĐVHC mới, cùng bộ máy lãnh đạo mới sẽ phát huy hiệu quả hoạt động, phục vụ người dân tốt hơn, đồng thời, cắt giảm những thủ tục hành chính rườm rà; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước tại địa phương.
Bí thư Chi bộ TDP 7 Phạm Văn Bừng cho biết, việc lấy ý kiến của cử tri ở TDP đã diễn ra theo đúng quy định của pháp luật. Có trên 90% cử tri, đại diện cho 466 hộ gia đình tham gia đầy đủ. Đây là kết quả đáng ghi nhận của TDP, thể hiện tinh thần trách nhiệm và sự hưởng ứng tích cực của người dân, góp phần khẳng định tính dân chủ, công khai, minh bạch trong quá trình triển khai các đề án sắp xếp ĐVHC.
Rất đông cử tri ở TP.Quảng Ngãi đến các điểm sinh hoạt văn hóa của thôn, tổ dân phố để tham gia ý kiến đối với các đề án sắp xếp đơn vị hành chính. Ảnh: T.HẬU.
Thành phố Quảng Ngãi đã thành lập 139 tổ lấy ý kiến tại 139 thôn, tổ dân phố. Trong đợt này, có trên 71 nghìn cử tri đại diện hộ gia đình tham gia đóng góp ý kiến đối với Đề án sáp nhập tỉnh Quảng Ngãi và tỉnh Kon Tum; Đề án sắp xếp ĐVHC cấp xã của tỉnh Quảng Ngãi năm 2025.
Trưởng phòng Nội vụ TP.Quảng Ngãi Tạ Thị Thanh Bình cho biết, theo ghi nhận từ các xã, phường trên địa bàn thành phố, phần lớn người dân đều bày tỏ sự đồng thuận cao với việc thành lập tỉnh Quảng Ngãi trên cơ sở hợp nhất tỉnh Quảng Ngãi và Kon Tum; dự kiến thành lập 3 phường, gồm: Cẩm Thành, Nghĩa Lộ, Trương Quang Trọng, cùng 2 xã là Tịnh Khê và An Phú.
“Việc lấy ý kiến lần này không chỉ bảo đảm đúng quy định pháp luật, mà còn thể hiện rõ quyền làm chủ của nhân dân trong việc tham gia quyết định những vấn đề hệ trọng của đất nước, của tỉnh và của chính địa phương. Phòng sẽ tổng hợp phiếu và báo cáo UBND tỉnh tổng phiếu cử tri đồng ý, không đồng ý hay các ý kiến khác để trình các cấp thẩm quyền theo đúng thời gian quy định", Trưởng phòng Nội vụ TP.Quảng Ngãi Tạ Thị Thanh Bình nhấn mạnh.
*Tại TX.Đức Phổ, ngay từ sáng sớm, đại diện các hộ dân đã tập trung đầy đủ ở 83 nhà văn hóa các thôn, TDP để thực hiện quyền và nghĩa vụ của công dân. Các điểm bỏ phiếu đều được chuẩn bị chu đáo để người dân đến bỏ phiếu thuận lợi.
Tại Nhà văn hóa TDP 2, phường Nguyễn Nghiêm, các đại biểu và người dân có mặt tại khu vực bỏ phiếu từ rất sớm. Đúng 7 giờ, lễ khai mạc bắt đầu. Tại đây, các cử tri được nghe đại diện tổ lấy ý kiến phổ biến mục đích, ý nghĩa của về việc sắp xếp ĐVHC cấp xã và cấp tỉnh; nội quy bỏ phiếu, thể lệ ghi phiếu.
Tổ lấy ý kiến cử tri của TDP phân công thành viên đón tiếp, hướng dẫn cử tri vào bàn kiểm tra, đối chiếu danh sách, thực hiện bỏ phiếu. Sau lễ khai mạc, các cử tri thực hiện bỏ phiếu. Công tác bỏ phiếu diễn ra nhanh chóng, công khai, minh bạch.
Tổ lấy ý kiến cử tri hướng dẫn cử tri. Ảnh: N.ĐỨC
Các cử tri đánh giá cao chủ trương của trung ương và tỉnh trong việc tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước và thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội và liên kết vùng để phát triển. “Tôi thấy việc tổ chức lấy ý kiến cử tri đảm bảo dân chủ, công khai, minh bạch, tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Cùng với đó, tôi cũng rất đồng tình với hai đề án nêu trên. Bởi lẽ, tinh gọn bộ máy sẽ tiết kiệm ngân sách, tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước và tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế”, ông Trần Nguyên Anh ở phường Nguyễn Nghiêm (TX.Đức Phổ) chia sẻ.
Nhiều cử tri dù tuổi cao nhưng vẫn tích cục tham gia bỏ phiếu. Ảnh: N.ĐỨC
Bày tỏ kỳ vọng về công tác tinh gọn bộ máy hành chính, bà Nguyễn Thị Lan ở phường Phổ Vinh cho biết, bà hoàn toàn ủng hộ chủ trương sắp xếp lại các ĐVHC cấp xã và thực hiện việc sắp xếp tỉnh Quảng Ngãi và Kon Tum. Bà tin tưởng rằng, sau khi sắp xếp hoàn tất, bộ máy hành chính mới sẽ vận hành hiệu quả hơn, góp phần thúc đẩy sự phát triển toàn diện của địa phương.
Theo Đề án sắp xếp ĐVHC cấp xã của tỉnh Quảng Ngãi năm 2025, TX.Đức Phổ dự kiến thành lập 3 phường (Đức Phổ, Trà Câu, Sa Huỳnh) và 2 xã (Nguyễn Nghiêm, Khánh Cường) trên cơ sở sắp xếp, sáp nhập 15/15 ĐVHC cấp xã hiện có.
Cử tri Tổ dân phố 2, phường Nguyễn Nghiêm (TX.Đức Phổ) tham gia bỏ phiếu lấy ý kiến sắp xếp các đơn vị hành chính. Ảnh: N.ĐỨC
Thị xã Đức Phổ có hơn 39 nghìn cử tri đại diện cho các hộ dân bỏ phiếu lấy ý kiến về sắp xếp ĐVHC cấp xã, cấp tỉnh dịp này. Các cử tri đều phấn khởi, tin tưởng vào chủ trương của Đảng và Nhà nước về việc sắp xếp ĐVHC cấp xã và cấp tỉnh và đồng thuận với 2 đề án sắp xếp, ĐVHC cấp tỉnh, cấp xã. Riêng tên gọi xã Khánh Cường (nhập xã Phổ Khánh và xã Phổ Cường), một số cử tri kiến nghị nên xem xét đặt tên là xã Phạm Xuân Hòa.
*Tại huyện Bình Sơn, có hơn 54 nghìn cử tri đại diện cho các hộ gia đình tham gia ý kiến đối với 2 đề án sắp xếp, ĐVHC cấp tỉnh, cấp xã. Hội nghị lấy ý kiến được tổ chức ở tất cả 120 thôn, TDP trên địa bàn.
Sáng 20/4, nhiều cử tri ở TDP 4, thị trấn Châu Ổ đã tập trung về Nhà văn hóa của tổ để dự Hội nghị lấy ý kiến cử tri về 2 đề án sắp xếp, hợp nhất ĐVHC cấp xã, cấp tỉnh.
Việc lấy ý kiến cử tri là bước quan trọng trong quy trình thành lập, sáp nhập, chia tách, điều chỉnh địa giới ĐVHC các cấp theo quy định. Do đó, cử tri tham gia hội nghị khá đông. Trước khi điền tên và đưa ra ý kiến cá nhân, các cử tri đã thảo luận về 2 đề án trong không khí nghiêm túc, tập trung.
Các cử tri huyện Bình Sơn kiểm tra danh sách cử tri được niêm yết tại khu vực tổ chức hội nghị lấy ý kiến. Ảnh: T.PHƯƠNG
Cử tri Lê Văn Kỳ, ở thị trấn Châu Ổ chia sẻ, tôi hoàn toàn đồng ý với chủ trương của trung ương về việc bỏ cấp huyện, sắp xếp lại tỉnh và xã. Vì cấp huyện là khâu trung gian, nên bỏ cấp huyện và tập trung về cấp xã để chính quyền, cán bộ thêm sát dân, gần dân, hiểu dân và giải quyết kịp thời được những vấn đề phát sinh trong đời sống nhân dân.
Qua khảo sát, phần lớn cử tri thị trấn Châu Ổ đều đồng tình với việc sáp nhập thị trấn Châu Ổ và một số xã lân cận để thành lập xã mới với tên gọi là xã Bình Sơn. Cử tri Bùi Quang Thịnh cho biết, việc hợp các địa phương lại với nhau sẽ tạo động lực để phát triển kinh tế. Hơn nữa, sẽ giúp tinh gọn tổ chức bộ máy nhà nước, từ đó hoạt động hiệu quả hơn.
Cử tri tham gia thảo luận tại Hội nghị lấy ý kiến cử tri về 2 đề án sắp xếp, hợp nhất đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã. Ảnh: T.PHƯƠNG
Hội nghị lấy ý kiến được tổ chức ở tất cả 120 thôn, TDP trên địa bàn huyện Bình Sơn. Cử tri Trương Thanh Trường cho biết, tôi tán thành với Đề án sắp xếp tỉnh Quảng Ngãi và tỉnh Kon Tum, lấy tên là tỉnh Quảng Ngãi. Việc này sẽ mở ra không gian rộng lớn hơn để phát triển kinh tế. Đồng thời, góp phần tinh gọn bộ máy trong hệ thống chính trị, tinh giản biên chế để lựa chọn ra những cán bộ ưu tú, có tài làm việc hiệu quả hơn, sát dân, gần dân hơn.
Sau khi hoàn tất việc lấy ý kiến của cử tri, các Tổ lấy ý kiến tiến hành kiểm tra, tổng hợp phiếu và báo cáo kết quả với cấp có thẩm quyền. Ảnh: T.PHƯƠNG
Sau khi hoàn tất việc lấy ý kiến của cử tri, các tổ lấy ý kiến tiến hành kiểm tra, tổng hợp phiếu và báo cáo kết quả với cấp có thẩm quyền.
* Tại huyện Tư Nghĩa, 79 thôn, TDP trên địa bàn huyện đã đồng loạt tổ chức Hội nghị lấy ý kiến đối với trên 36,5 nghìn cử tri đại diện hộ gia đình về Đề án sắp xếp tỉnh Quảng Ngãi và tỉnh Kon Tum và Đề án sắp xếp ĐVHC cấp xã tỉnh Quảng Ngãi năm 2025.
Đúng 7 giờ, 79 điểm bỏ phiếu ở 79 thôn, TDP trên địa bàn huyện Tư Nghĩa, đông đảo người dân đã đến dự lễ khai mạc lấy ý kiến cử tri về Đề án sắp xếp ĐVHC cấp tỉnh, cấp xã của tỉnh Quảng Ngãi năm 2025.
Tại điểm bỏ phiếu ở Nhà văn hóa TDP Sông Vệ, thị trấn Sông Vệ, các cử tri được phổ biến nội dung của Đề án sắp xếp ĐVHC cấp tỉnh, cấp xã, nội quy bỏ phiếu, thể lệ bỏ phiếu. Tổ lấy ý kiến cử tri kiểm tra và niêm phong hòm phiếu; đồng thời, phân công thành viên đón tiếp, hướng dẫn cử tri vào bàn kiểm tra, đối chiếu danh sách, hướng dẫn bỏ phiếu theo đúng quy định.
Hướng dẫn người dân ghi phiếu lấy ý kiến về sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã tại tổ dân phố Sông Vệ, thị trấn Sông Vệ (Tư Nghĩa). Ảnh: TRƯỜNG AN
Cử tri Hồ Văn Minh, TDP Sông Vệ, thị trấn Sông Vệ chia sẻ, sau khi nghe tuyên truyền, tôi nhất trí, đồng tình cao với chủ trương của Đảng và Nhà nước về sắp xếp tỉnh Quảng Ngãi và tỉnh Kon Tum thành tỉnh Quảng Ngãi; sắp xếp xã Nghĩa Phương, Nghĩa Hiệp, thị trấn Sông Vệ lấy tên là xã Tư Nghĩa 1. Tôi mong muốn việc sắp xếp ĐVHC cấp tỉnh, cấp xã này sẽ làm cho đất nước ngày càng phát triển và đời sống người dân được nâng cao.
Đến nhà văn hóa thôn từ rất sớm, cử tri Nguyễn Thị Đua, ở thôn An Hội Nam 2, xã Nghĩa Kỳ đọc kỹ lại Đề án sắp xếp ĐVHC cấp tỉnh và sắp xếp ĐVHC cấp xã tỉnh Quảng Ngãi được niêm yết phía trước sân của nhà văn hóa thôn. Bà Đua tán thành cao với chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Bà hy vọng sau khi hợp nhất ĐVHC cấp tỉnh và sắp xếp, sáp nhập ĐVHC cấp xã, tỉnh Quảng Ngãi sẽ xây dựng một bộ máy chính quyền tinh gọn, hiệu quả, phục vụ tốt hơn cho sự phát triển của địa phương và nâng cao đời sống nhân dân.
Cử tri huyện Tư Nghĩa bỏ phiếu. Ảnh: HÀ MY
Cử tri huyện Tư Nghĩa còn gửi gắm niềm tin của mình với mong muốn việc sắp xếp lại các ĐVHC sẽ giúp tăng cường tính linh hoạt trong quản lý nhà nước, từ đó có thể quy hoạch hợp lý các vùng, phát huy tối đa tiềm năng và thế mạnh của mỗi khu vực. Đồng thời, mô hình hành chính mới sẽ giúp chính quyền các cấp tiếp cận gần dân, giải quyết công việc nhanh chóng và chính xác hơn, phục vụ người dân tốt hơn.
Kết thúc thời gian lấy ý kiến, huyện Tư Nghĩa có 99,76% cử tri tán thành đồng ý sắp xếp tỉnh Quảng Ngãi và tỉnh Kon Tum lấy tên tỉnh Quảng Ngãi; 99% cử tri tán đồng sắp xếp 13 xã, thị trấn huyện Tư Nghĩa thành 4 xã gồm: Xã Tư Nghĩa (thị trấn La Hà, xã Nghĩa Trung, Nghĩa Thương và xã Nghĩa Hòa); xã Tư Nghĩa 1 (thị trấn Sông Vệ, xã Nghĩa Hiệp, Nghĩa Phương); xã Tư Nghĩa 2 (xã Nghĩa Điền, Nghĩa Kỳ, Nghĩa Thuận); xã Tư Nghĩa 3 (xã Nghĩa Sơn, Nghĩa Lâm, Nghĩa Thắng).
*Huyện Mộ Đức cũng tổ chức chu đáo việc lấy ý kiến cử tri về Đề án sắp xếp ĐVHC cấp tỉnh và Đề án sắp xếp ĐVHC cấp xã của tỉnh Quảng Ngãi năm 2025.
Theo Đề án sắp xếp ĐVHC cấp xã của tỉnh Quảng Ngãi năm 2025, trên địa bàn huyện Mộ Đức thành lập xã Mộ Đức 1 trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của 3 ĐVHC cấp xã gồm xã Thắng Lợi, xã Đức Nhuận và xã Đức Hiệp. Xã Mộ Đức 1 có diện tích 36,102km2, dân số 39.973 người. Nơi đặt trụ sở làm việc của xã Mộ Đức 1 tại xã Đức Nhuận hiện nay.
Bí thư Huyện ủy Mộ Đức Nguyễn Minh Đạo kiểm tra công tác lấy phiếu ý kiến cử tri tại Nhà văn hóa Tổ dân phố 2, thị trấn Mộ Đức. Ảnh: HÒA SƯƠNG
Thành lập xã Mộ Đức 2 trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của 3 ĐVHC cấp xã gồm xã Đức Chánh, xã Đức Thạnh, xã Đức Minh. Xã Mộ Đức 2 diện tích 44,797 km2 , dân số 38.587 người. Nơi đặt trụ sở làm việc của xã Mộ Đức 2 tại xã Đức Thạnh hiện nay.
Thành lập xã Đức Tân trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của 4 ĐVHC cấp xã gồm xã Đức Hòa, xã Đức Phú, xã Đức Tân và thị trấn Mộ Đức. Sau sắp xếp, xã Đức Tân có diện tích 76,168km2, dân số 35.895 người. Nơi đặt trụ sở làm việc của xã Đức Tân mới tại Trung tâm Chính trị - Hành chính huyện (thị trấn Mộ Đức hiện nay).
Thành lập xã Mộ Đức 3 trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của 2 ĐVHC cấp xã gồm xã Đức Phong và xã Đức Lân. Xã Mộ Đức 3 có 57,012km2, quy mô dân số 36.123 người. Nơi đặt trụ sở làm việc của ĐVHC xã Mộ Đức tại xã Đức Phong hiện nay.
Cử tri thôn Đôn Lương, xã Đức Thạnh (Mộ Đức) bỏ phiếu lấy ý kiến cử tri về sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, sắp xếp ĐVHC cấp xã tỉnh Quảng Ngãi năm 2025. Ảnh: HÒA SƯƠNG
Huyện Mộ Đức cũng xây dựng phương án 2 để lấy ý kiến cử tri về tên gọi các xã sau khi sắp xếp. Theo đó, lấy ý kiến cử tri về phương án 2 về dự kiến đặt tên xã Mộ Đức sau khi nhập xã Thắng Lợi, xã Đức Nhuận và xã Đức Hiệp; xã Thi Phổ sau khi nhập các xã Đức Chánh, xã Đức Thạnh, xã Đức Minh; xã Đức Tân gồm xã Đức Hòa, xã Đức Phú, xã Đức Tân và thị trấn Mộ Đức; xã Thạch Trụ gồm các xã Đức Lân, Đức Phong.
Bí thư Đảng ủy Thị trấn Mộ Đức (Mộ Đức) Phạm Thị Lệ Nguyên cho biết, trên địa bàn thị trấn Mộ Đức, các cử tri đến đông đủ để thực hiện lấy ý kiến. Cử tri thị trấn Mộ Đức cơ bản thống nhất với chủ trương hợp nhất ĐVHC cấp tỉnh và sắp xếp ĐVHC cấp xã. Trong đó, cử tri thị trấn Mộ Đức cơ bản thống nhất với việc nhập các xã Đức Hòa, xã Đức Phú, xã Đức Tân và thị trấn Mộ Đức, với tên gọi sau khi sắp xếp là xã Đức Tân.
Trưởng thôn Văn Hà, xã Đức Phong (Mộ Đức) Phạm Thanh Bình cho biết, cử tri thôn Văn Hà rất thống nhất với việc hợp nhất cấp tỉnh và thống nhất với phương án nhập hai xã Đức Phong và xã Đức Lân thành ĐVHC mới.
Chủ tịch UBND huyện Mộ Đức Phạm Ngọc Lân cho biết, lãnh đạo huyện tổ chức các đoàn kiểm tra công tác lấy ý kiến của cư tri. Cử tri huyện Mộ Đức thống nhất với Đề án hợp nhất ĐVHC cấp tỉnh. Các cử tri cũng thống nhất với phương án nhập ĐVHC các xã theo Đề án sắp xếp ĐVHC cấp xã của tỉnh Quảng Ngãi năm 2025. Đối với tên gọi ĐVHC mới, một số cử tri thống nhất với tên gọi theo số thứ tự, một số cử tri có nguyện vọng mong muốn đặt tên mới gắn liền với địa danh, văn hóa truyền thống của vùng quê.
*Trong sáng 20/4, huyện Sơn Tịnh tổ chức 58 điểm hội nghị lấy ý kiến cử tri.
Từ 7 giờ 30 sáng 20/4, tại Nhà văn hóa thôn Thọ Trung, xã Tịnh Thọ, hàng chục người dân đã có mặt tham gia Hội nghị lấy ý kiến về sáp nhập tỉnh và sắp xếp ĐVHC cấp xã, do UBND xã Tịnh Thọ tổ chức.
Trưởng thôn Thọ Trung Phạm Văn Bình cho biết, toàn thôn có gần 1.000 hộ dân, Ban công tác thôn và các Xóm trưởng đã tổ chức đến từng nhà để phát giấy mời và thông tin cho người dân đại diện hộ gia đình cho ý kiến về đề án sáp nhập.
Người dân thôn Thọ Trung, xã Tịnh Thọ bỏ phiếu cho ý kiến về sáp nhập tỉnh, sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã. Ảnh: X.THIÊN
Qua tổng hợp, toàn thôn có 679/793 phiếu đại diện hộ gia đình bỏ phiếu, đạt tỷ lệ 81%. Trong đó, có 100% ý kiến đồng ý việc hợp nhất tỉnh Kon Tum vào tỉnh Quảng Ngãi và sáp nhập xã Tịnh Thọ và Tịnh Phong. Về tên xã mới là Sơn Tịnh 4, có một số ý kiến còn băn khoăn.
Bí thư Huyện ủy Sơn Tịnh Nguyễn Công Hoàng tham dự Hội nghị lấy ý kiến người dân tại thôn An Thọ, xã Tịnh Sơn. Ảnh: X.THIÊN
Theo Tờ trình về việc sắp xếp, sáp nhập ĐVHC cấp xã tỉnh Quảng Ngãi do UBND huyện Sơn Tịnh ban hành để lấy ý kiến nhân dân, thì nhập xã Tịnh Thọ và xã Tịnh Phong thành xã mới là Sơn Tịnh 4.
Theo Trưởng phòng Nội vụ huyện Sơn Tịnh Nguyễn Hải Kiên, qua tổng hợp phiếu ý kiến, tỷ lệ người dân tham gia bỏ phiếu là 24.324/25.684 hộ, đạt 94,7%. Tỷ lệ phiếu đồng ý sáp nhập tỉnh Kon Tum và tỉnh Quảng Ngãi đạt 99,8%; kết quả đồng ý sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã đạt 96,82%.
*Tại huyện Nghĩa Hành, từ sáng sớm ngày 20/4, đông đảo người dân các địa phương hồ hởi tham gia lấy ý kiến cử tri về sắp xếp ĐVHC cấp tỉnh và tên gọi các xã sau sắp xếp.
Đúng 7 giờ sáng 20/4, tại Nhà văn hóa thôn Hiệp Phổ Tây (Hành Trung), rất đông người dân đã có mặt tại đây để nghe Bí thư chi bộ, kiêm Trưởng thôn Hiệp Phổ Tây phổ biến một số thông tin liên quan đến việc sắp xếp ĐVHC cấp tỉnh và tên gọi các xã sau sắp xếp trên địa bàn huyện Nghĩa Hành.
Ông Nguyễn Thanh Chí (86 tuổi), cho biết, qua báo, đài, tôi đã tìm hiểu và nắm bắt đầy đủ các thông tin liên quan đến việc sắp xếp các ĐVHC của tỉnh, tên gọi các xã sau sắp xếp trên địa bàn huyện Nghĩa Hành. Bản thân tôi ủng hộ, thống nhất với chủ trương, phương án sắp xếp ĐVHC cấp tỉnh, cũng như tên gọi các xã sau sắp xếp của huyện. Tôi mong sau khi sắp xếp, tinh gọn thì kinh tế, xã hội địa phương sẽ phát triển hơn, đời sống người dân cũng sẽ tốt hơn.
Người dân thôn Xuân Đình, xã Hành Thịnh tìm hiểu các thông tin liên quan, trước khi tham gia bỏ phiếu. Ảnh: MỸ HOA
Còn tại thôn Kim Thành Thượng (Hành Nhân), từ sáng sớm, người dân đã tập trung về nhà văn hóa thôn để tham gia ý kiến đối với 2 đề án. Chủ tịch UBND xã Hành Nhân Trịnh Xuân Dũng cho biết, người dân phấn khởi, đồng thuận và ủng hộ chủ trương sắp xếp các ĐVHC cấp xã, nên tỷ lệ tham gia lấy ý kiến khá đông. Đến 8 giờ 30 phút, tại một số thôn như Kim Thành Thượng, Nghĩa Lâm, Trúc Lâm có tỷ lệ người dân tham gia lấy ý kiến đạt trên 90%.
Thôn Kim Thành Thượng, xã Hành Nhân tiến hành kiểm tra phiếu lấy ý kiến cử tri. Ảnh: MỸ HOA
Phó Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hành Nguyễn Ngọc Tuấn thông tin, tỷ lệ người dân trên địa bàn huyện tham gia lấy ý kiến về sắp xếp ĐVHC cấp tỉnh và xã đạt cao. Tỷ lệ cử tri đồng ý sắp xếp ĐVHC cấp tỉnh và cấp xã trên 99%. Với những trường hợp không thể đến nhà văn hóa thôn, xã cử cán bộ đến tận nhà để người dân được trực tiếp tham gia bỏ phiếu, thực hiện đầy đủ quyền và trách nhiệm của mình.
Theo đề án, dự kiến sau sắp xếp, huyện Nghĩa Hành còn 4 xã, gồm xã: Nghĩa Hành 1, Nghĩa Hành 2, Nghĩa Hành 3 và Nghĩa Hành 4.
*Ngày 20/4, hơn 17,5 nghìn cử tri huyện Ba Tơ đại diện hộ gia đình toàn huyện đã đến 93 nhà văn hóa thôn, TDP trên địa bàn huyện để thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân đối với việc sắp xếp ĐVHC cấp xã, cấp tỉnh.
Mới 6 giờ sáng, nhiều cử tri của thôn Hóc Kè, Suối Loa, Trường An, xã Ba Động đã có mặt tại nơi lấy ý kiến. Bí thư Đảng ủy xã Ba Động Nguyễn Hữu Tuyến cho biết, để việc tổ chức lấy ý kiến cử tri được thành công, ngày 19/4, xã đã họp triển khai đầy đủ các công việc; đồng thời phân công cụ thể cho từng đồng chí trong ban chấp hành để theo dõi, đôn đốc thực hiện nhiệm vụ.
“Do đang vào thời điểm thu hoạch lúa nên cử tri kiến nghỉ tổ chức lấy ý kiến sớm, nên xã đã phân công cán bộ đến các nhà văn hóa thôn trước 6 giờ để chuẩn bị các bước cho cử tri đến bỏ phiếu. Vì vậy, nhiều thôn mới hơn 6 giờ sáng đã có trên 50% cử tri đi bỏ phiếu”, ông Tuyến cho biết thêm.
Cử tri thôn Hóc Kè, xã Ba Động (Ba Tơ) bỏ phiếu chọn phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh và cấp xã. Ảnh: B.SƠN
Cũng như các thôn khác trên địa bàn huyện Ba Tơ, dù mới hơn 6 giờ sáng, nhưng đã có rất đông cử tri thôn Làng Giấy - Dốc Mốc, xã Ba Cung đến nhà văn hóa thôn để bỏ phiếu, cho ý kiến về việc chọn phương án sắp xếp ĐVHC cấp xã và tỉnh.
Tại TDP Tài Năng, thị trấn Ba Tơ, để các cử tri nắm rõ Đề án sắp xếp ĐVHC cấp tỉnh và cấp xã, cán bộ thôn đã trình bày những nội dung chủ yếu của đề án trước khi cử tri ghi phiếu.
Cử tri Tổ dân phố Tài Năng, thị trấn Ba Tơ (Ba Tơ) xem danh sách cử tri. Ảnh: B.SƠN
Cử tri trên địa bàn huyện Ba Tơ đồng thuận cao với Đề án sắp xếp ĐVHC cấp tỉnh và cấp xã. Theo dự thảo Đề án sắp xếp ĐVHC cấp xã, huyện Ba Tơ thành lập 8 xã mới gồm: Ba Vì, Ba Dinh, Ba Tô, Ba Tơ, Ba Vinh, Ba Động, xã Đặng Thùy Trâm và xã Ba Xa hiện nay, vì xã Ba Xa đủ tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên, quy mô dân số.
*Tại huyện Minh Long, từ sáng sớm, cử tri thôn 2, xã Long Hiệp đã có mặt tại Nhà văn hóa thôn 2 để thực hiện quyền và nghĩa vụ của công dân. Toàn thôn 2, xã Long Hiệp có 245 của tri đại diện hộ gia đình.
Theo Bí thư Chi bộ, kiêm Trưởng ban công tác Mặt trận thôn, Tổ trưởng Tổ lấy ý kiến cử tri thôn 2, xã Long Hiệp Nguyễn Thị Phương Hoa, sau khi có Quyết định thành lập Tổ lấy ý kiến cử tri thôn 2, các thành viên trong tổ tham gia họp vào chiều 19/4. Đồng thời phân bổ 4 nhóm tới tận nhà từng người dân để vừa vận động, tuyên truyền, triển khai cho cử tri hiểu chủ trương về việc sáp nhập tỉnh và xã để người dân nghiên cứu trước khi lấy ý kiến.
“Chúng tôi tập trung tuyên truyền để người dân hiểu được chủ trương sắp xếp ĐVHC cấp tỉnh, xã theo mô hình chính quyền địa phương 2 cấp”, bà Nguyễn Thị Phương Hoa nhấn mạnh.
Cử tri Đinh Thị Biểu, thôn 2, xã Long Hiệp cùng các cử tri đại diện hộ gia đình tham gia bỏ phiếu. Ảnh: TRỊNH PHƯƠNG
Theo nhiều cử tri, tên gọi xã Minh Long 1 và 2 là phù hợp, dễ nhận diện, dễ nhớ và được người dân đồng tình. “Cán bộ và nhân dân huyện Minh Long đồng tình với phương án do UBND tỉnh đưa ra. Bản thân tôi cũng đồng tình với chủ trương của Đảng và Nhà nước. Riêng Minh Long sẽ được thành lập 2 xã mới gồm xã Minh Long 1 và Minh Long 2. Tên gọi như vậy phù hợp với ý nghĩa và lịch sử, góp phần giữ gìn lại lịch sử truyền thống của huyện Minh Long. Vì vậy, cá nhân tôi rất đồng tình với phương án đưa ra”, bà Đinh Thị Biểu (63 tuổi), thôn 2, xã Long Hiệp - nguyên Phó Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy (cũ), nguyên Bí thư Huyện ủy Minh Long chia sẻ.
Cử tri huyện Minh Long phấn khởi đi bỏ phiếu. Ảnh: TRỊNH PHƯƠNG
Toàn huyện Minh Long có 5 xã, 30 thôn với 5.100 cử tri đại diện hộ gia đình. Theo Đề án sắp xếp ĐVHC cấp xã của tỉnh Quảng Ngãi năm 2025, Minh Long được thành lập 2 xã mới. Cụ thể, thành lập xã Minh Long 1 trên cở sáp nhập nguyên trạng 3 xã Long Hiệp, Thanh An, Long Môn và trụ sở đặt tại Trung tâm hành chính của huyện Minh Long (tại xã Long Hiệp hiện nay); thành lập xã Minh Long 2 trên cơ sở sáp nhập nguyên trạng 2 xã Long Mai và Long Sơn, trụ sở làm việc của ĐVHC tại xã Long Sơn hiện nay.
*Sáng 20/4, đông đảo cử tri trên địa bàn huyện Trà Bồng đã tập trung về các điểm bỏ phiếu tại các thôn, TDP để bỏ phiếu lấy ý kiến cử tri về Đề án hợp nhất ĐVHC cấp tỉnh và sắp xếp, sáp nhập ĐVHC cấp xã tỉnh Quảng Ngãi.
Theo thời gian thông báo, đúng 7 giờ sẽ bỏ phiếu, nhưng tại nhiều điểm bỏ phiếu ở huyện Trà Bồng, người dân gác lại công việc gia đình, đồng áng để đi bỏ phiếu sớm hơn thời gian quy định. Tại các điểm lấy ý kiến, cử tri được cán bộ thôn, công chức xã phụ trách địa bàn phát phiếu, hướng dẫn người dân điền thông tin, cho ý kiến để ghi phiếu đúng quy định.
Người dân Tổ dân phố 2, thị trấn Trà Xuân (Trà Bồng) tham gia bỏ phiếu. Ảnh: K.NGÂN
Toàn huyện Trà Bồng có hơn 14 nghìn cử tri, đại diện cho 14 nghìn hộ gia đình ở 79 thôn, TDP. Qua ghi nhận của phóng viên, phần lớn cử tri huyện Trà Bồng đều tán thành với Đề án hợp nhất ĐVHC cấp tỉnh và sắp xếp, sáp nhập ĐVHC cấp xã tỉnh Quảng Ngãi.
Tại điểm bỏ phiếu ở TDP 2, thị trấn Trà Xuân có 322 cử tri, đại diện cho các hộ gia đình trong thôn đã đến điểm bỏ phiếu cho ý kiến về đề án sắp xếp ĐVHC các cấp.
Ông Hồ Văn Hiếu (71 tuổi) ở TDP 2, cẩn thận ghi ý kiến vào ô “đồng ý” tán thành chủ trương của cấp trên. Ông Hiếu cho biết, tôi rất đồng tình với chủ trương sắp xếp ĐVHC các cấp. Việc sáp nhập tỉnh Kon Tum và tỉnh Quảng Ngãi thành một, tôi rất phấn khởi, bởi sáp nhập hai tỉnh sẽ tận dụng được lợi thế một bên có biển đảo, một bên có tài nguyên rừng để tương hỗ, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội địa phương. Các xã của huyện Trà Bồng được sáp nhập tôi cũng rất hài lòng, toàn huyện sáp nhập thành 6 xã, giúp công tác quản lý được tốt hơn.
Người dân tổ dân phố 2, thị trấn Trà Xuân (Trà Bồng) tham gia bỏ phiếu. Ảnh: K.NGÂN
Còn tại điểm bỏ phiếu của thôn Trung, xã Trà Sơn (Trà Bồng), đúng 7 giờ sáng, 254 cử tri tại đây cũng đã có mặt để bỏ phiếu cho ý kiến về chủ trương sáp nhập ĐVHC các cấp. Bí thư Chi bộ, kiêm trưởng thôn Trung Trịnh Đình Nguyên cho biết, chúng tôi đã hướng dẫn và đẩy mạnh tuyên truyền để giúp người dân hiểu được chủ trương. Người dân trong thôn đi bỏ phiếu rất đầy đủ, đa số đều đồng tình và cho ý kiến “đồng ý”.
Căn cứ các nguyên tắc và định hướng về tiêu chuẩn của ĐVHC cấp xã hình thành sau sắp xếp, huyện Trà Bồng sắp xếp lại còn 6 xã, gồm xã: Trà Bồng, Trà Bồng 1, Trà Bồng 2, Trà Bồng 3, Trà Bồng 4 và Trà Bồng 5. Việc lấy ý kiến cử tri về Đề án hợp nhất ĐVHC cấp tỉnh và sắp xếp, sáp nhập ĐVHC cấp xã tại huyện Trà Bồng diễn ra thuận lợi, nhanh chóng và đúng quy định đề ra.
*Cùng với người dân các địa phương trong tỉnh, sáng 20/4, người dân huyện Sơn Hà cũng hân hoan đi bỏ phiếu lấy ý kiến về sắp xếp ĐVHC cấp tỉnh, cấp xã.
Ngay từ sáng sớm, rất đông người dân là đại diện các hộ gia đình ở thôn Hà Bắc, xã Sơn Hạ (Sơn Hà) đã hân hoan tập trung về nhà văn hóa thôn để bỏ phiếu lấy ý kiến về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh và cấp xã.
Bà Đinh Thị Hú (70 tuổi), ở xóm Cà Tu, thôn Hà Bắc, người có mặt sớm nhất tại nhà văn hóa thôn để bỏ phiếu. Bà chia sẻ, hôm nay nhà mình có việc nên 5 giờ sáng mình đã đến nhà văn hóa thôn để bỏ phiếu và đồng tình với chủ trương của Đảng, Nhà nước.
Người dân ở tổ dân phố Hàng Gòn, thị trấn Di Lăng ghi phiếu lấy ý kiến về việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã. Ảnh: HỒNG HOA
Thôn Hà Bắc có dân cư đông với 681 hộ, 2.694 khẩu. Phần lớn người dân trên địa bàn theo đạo Tin lành, cuối tuần thường đi lễ. Bên cạnh đó, thời điểm này đang là ngày mùa, người dân bận việc đồng án. Tuy nhiên, để đảm bảo việc bỏ phiếu lấy ý kiến, đa số người dân đã sắp xếp công việc gia đình, đến từ rất sớm để bỏ phiếu. Đối với những hộ già yếu, đau ốm không đến được, cán bộ thôn sẽ đến tận nhà để lấy ý kiến.
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Hạ Nguyễn Thị Thúy Viên, để công tác lấy ý kiến của người dân về việc sắp xếp ĐVHC cấp xã được diễn ra suông sẻ và theo đúng quy định, UBND xã đã phân công cán bộ xã là đảng viên phụ trách từng thôn tập trung tuyên truyền, hỗ trợ. Các thôn đã chỉ đạo các xóm trưởng tổ chức cuộc họp, thông tin đến người dân về việc sáp nhập, đảm bảo 100% hộ dân trên địa bàn nắm được chủ trương và đi tham gia bỏ phiếu đầy đủ.
Còn tại thị trấn Di Lăng (Sơn Hà), trong sáng 20/4, người dân cũng tập trung về nhà các văn hóa tổ dân để bỏ phiếu lấy ý kiến. Ông Đinh Như Tro (75 tuổi), ở TDP Hàng Gòn bày tỏ, tôi thấy việc sáp nhập thị trấn Di Lăng với xã Sơn Bao và xã Sơn Thượng, lấy tên là xã Sơn Hà là phù hợp, bởi vẫn giữ được tên gốc của huyện (trước sắp xếp).
Toàn huyện Sơn Hà có hơn 22 nghìn hộ dân, trong đó, hộ đồng bào dân tộc thiếu số chiếm trên 83%. Cử tri huyện Sơn Hà đã cơ bản thống nhất việc thành lập 5 xã mới, gồm xã: Sơn Hạ, Sơn Linh, Sơn Hà, Sơn Thủy và Sơn Kỳ; nhập tỉnh Kon Tum và tỉnh Quảng Ngãi lấy tên tỉnh Quảng Ngãi.
*Đúng 7 giờ sáng ngày 20/4, đông đảo người dân huyện Sơn Tây đã tập trung về nhà văn hóa các thôn để tham dự hội nghị lấy ý kiến người dân về việc sắp xếp ĐVHC cấp xã, cấp tỉnh.
Buổi lấy ý kiến nhanh gọn, vì hầu hết người dân đều đồng tình với phương án đưa ra. Theo đó, sau sắp xếp, Sơn Tây còn 3 xã là Sơn Tây 1, Sơn Tây 2 và Sơn Tây.
Đồng bào Ca Dong thôn Huy Em, xã Sơn Mùa (Sơn Tây) cho ý kiến sắp sếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã bằng hình thức bỏ phiếu. Ảnh: THANH NHỊ
Cụ thể, xã Sơn Tây 1 được hình thành từ việc nhập nguyên trạng các xã Sơn Mùa, Sơn Liên, Sơn Bua, trung tâm hành chính đặt tại Sơn Mùa; có diện tích tự nhiên 122,429km2; quy mô dân số 7.248 người. Nhập nguyên trạng các xã Sơn Long, Sơn Tân, Sơn Dung thành xã Sơn Tây, trung tâm hành chính đặt tại Sơn Dung; có diện tích tự nhiên 127,061km2; quy mô dân số 9.574 người. Nhập nguyên trạng các xã Sơn Tinh, Sơn Lập, Sơn Màu thành xã Sơn Tây 2, trung tâm hành chính đặt ở Sơn Tinh; có diện tích tự nhiên 136km2, quy mô dân số 5.543 người.
Huyện Sơn Tây có tổng diện tích tự nhiện hơn 385km2; có 9 xã đều là xã đặc biệt khó khăn, chưa có xã được công nhận xã nông thôn mới. Tổng số cán bộ huyện, xã là 210 người; trong đó cấp huyện 45 người, cấp xã 165 người.
* Tại huyện Lý Sơn, địa phương đã tổ chức 6 điểm Hội nghị lấy phiếu ý kiến người dân về sáp nhập tỉnh và đổi tên Đặc khu Lý Sơn. Kết quả tổng hợp, có 5.029/5.302 cử tri đại diện hộ gia đình tham gia bỏ phiếu. Tỷ lệ cử tri đồng ý sáp nhập tỉnh Quảng Ngãi và tỉnh Kon Tum đạt 99,92%; 99,4% đồng ý chuyển nguyên trạng huyện Lý Sơn thành đơn vị hành chính cấp xã với tên Đặc khu Lý Sơn.
Thực hiện: NHÓM PV - CTV