Cử tri nêu ý kiến điều chỉnh các dự án luật phù hợp với thực tiễn

Cử tri nêu ý kiến điều chỉnh các dự án luật phù hợp với thực tiễn
2 giờ trướcBài gốc
Tây Ninh: Cử tri kiến nghị sớm giải quyết tình trạng thiếu giáo viên
Đại biểu Quốc hội Hoàng Thị Thanh Thúy, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Giang Phương/TTXVN
Chiều 10/10, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh tổ chức Hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề dự án Luật Nhà giáo trước Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV với trên 200 cử tri là cán bộ quản lý, giáo viên, Chủ tịch Công đoàn các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.
Tại hội nghị, đại diện Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh đã thông tin đến cử tri một số nội dung dự kiến làm việc tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV và giới thiệu về dự án Luật Nhà giáo.
Dự án Luật Nhà giáo (lần 5, bản chỉnh lý đến ngày 1/10/2024) gồm 9 chương, 45 điều, cụ thể hóa 5 chính sách trong đề nghị xây dựng Luật đã được Chính phủ thông qua bao gồm: Định danh nhà giáo; Tiêu chuẩn và chức danh nhà giáo; Tuyển dụng, sử dụng và chế độ làm việc của nhà giáo; Đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ và tôn vinh nhà giáo; Quản lý Nhà nước về nhà giáo.
Cử tri bày tỏ nhất trí với sự cần thiết xây dựng, ban hành Luật Nhà giáo, cũng như các nội dung quy định tại dự án Luật. Liên quan đến nội dung quy định về chính sách cho nhà giáo, cử tri mong muốn, cơ quan soạn thảo dự án Luật nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung một số nội dung như: Vấn đề tiền lương, phụ cấp đối với nhà giáo; các chính sách hỗ trợ nhà giáo; bảo lưu thâm niên đối với giáo viên; giảm tuổi nghỉ hưu với giáo viên trực tiếp đứng lớp, nhất là giáo viên mầm non…
Cử tri Bùi Minh Chánh, Phó trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tân Biên phát biểu. Ảnh: Giang Phương/TTXVN
Theo cử tri Bùi Minh Chánh, Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tân Biên băn khoăn về những vướng mắc trong quy định bổ nhiệm hiệu trưởng, phó hiệu trưởng khiến một số trường học gặp nhiều khó khăn. Ông Bùi Minh Chánh kiến nghị cần nâng mức lương đối với giáo viên, nhất là giáo viên mầm non. Bởi vì hiện nay, nhiều giáo viên mầm non, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, biên giới đã bỏ việc để vào làm tại các khu công nghiệp.
Cử tri Lê Thị Thu Hương, Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Họa Mi (thành phố Tây Ninh) đề xuất cần có những giải pháp để sớm giải quyết tình trạng thiếu giáo viên hiện nay, nhất là giáo viên mầm non; cần có chính sách phụ cấp thừa giờ cho giáo viên mầm non để đảm bảo hài hòa lợi ích cho giáo viên.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh Hoàng Thị Thanh Thúy tiếp thu ý kiến, kiến nghị của các cử tri tại buổi tiếp xúc. Theo bà Hoàng Thị Thanh Thúy, các ý kiến cử tri về dự án Luật Nhà giáo sẽ là cơ sở để Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tiếp thu, xem xét, tổng hợp ý kiến trình cơ quan soạn thảo, trình Quốc hội trong Kỳ họp tới.
Qua đó, tạo động lực xây dựng, phát triển đội ngũ nhà giáo chất lượng; tạo động lực để nhà giáo yên tâm, trách nhiệm gắn bó với nghề. Bà Hoàng Thị Thanh Thúy đề nghị, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Tây Ninh chỉ đạo các đơn vị liên quan tiếp tục tổng hợp ý kiến, kiến nghị gửi Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh trong thời gian tới.
Khẳng định sự cần thiết của các dự án luật do Bộ Công an chủ trì soạn thảo
Ngày 10/10, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh phối hợp Công an tỉnh Bến Tre tổ chức Hội thảo cung cấp thông tin và lấy ý kiến đóng góp đối với 3 dự án luật do Bộ Công an chủ trì soạn thảo, dự kiến trình Quốc hội khóa XV tại Kỳ họp thứ 8.
Tại hội thảo, các đại biểu đã tham gia nhiều ý kiến khẳng định sự cần thiết phải xây dựng, ban hành cũng như góp ý, đánh giá, dự báo tác động thực tiễn của các nội dung, chính sách của 3 dự án Luật, gồm: Dự án Luật Phòng Cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ; dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi); dự án Luật Dữ liệu.
Lãnh đạo các sở, ngành, địa phương tham dự góp ý kiến đối với 3 Dự án Luật do Bộ Công an chủ trì soạn thảo, dự kiến trình Quốc hội khóa XV tại kỳ họp thứ 8. Ảnh: Chương Đài/TTXVN
Các đại biểu cho rằng, việc ban hành dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ là cần thiết và cấp bách; sẽ tạo cơ sở pháp lý đầy đủ trong hoạt động phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật; khắc phục hạn chế, vướng mắc, bất cập của pháp luật hiện hành và bổ sung quy định đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong tình hình mới.
Đối với dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi), nhiều ý kiến đồng thuận cao khi luật nhằm hoàn thiện pháp luật phòng, chống mua bán người, tạo nhận thức thống nhất và đầy đủ về công tác phòng, chống mua bán người trong thời gian tới. Qua đó, nâng cao trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức và của toàn xã hội trong công tác phòng, chống mua bán người; hoàn thiện cơ sở pháp lý trong thực hiện việc hỗ trợ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội...
Việc xây dựng dự án Luật Dữ liệu là hết sức quan trọng, cần thiết, cấp thiết để hoàn thiện cơ sở pháp lý, bảo đảm bao quát đầy đủ các nội dung, nhiệm vụ mà Chính phủ đã xác định trong công tác chuyển đổi số; tăng cường sử dụng hiệu quả thông tin trong các cơ sở dữ liệu để phục vụ công tác quản lý nhà nước, vừa khai thác, ứng dụng dữ liệu trong phát triển kinh tế - xã hội, vừa thắt chặt quản lý dữ liệu cá nhân và dữ liệu phi cá nhân, bảo đảm an ninh, an toàn thông tin.
Đối với dự án Luật này, đại diện Sở Thông tin và Truyền thông tin tỉnh Bến Tre kiến nghị cần giải thích từ ngữ rõ hơn về dữ liệu và cơ sở dữ liệu; tại Khoản 3, Điều 10 cần quy định rõ vị trí lưu trữ đối với dữ liệu dùng riêng khi được sự đồng ý của chủ quản dữ liệu. Ngoài ra, nên có sự thống nhất về quy định kết nối, chia sẻ dữ liệu với trung tâm dữ liệu Quốc gia tại Điều 14, 30 và 32 của dự án.
Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Trúc Sơn phát biểu ý kiến tại hội thảo. Ảnh: Chương Đài/TTXVN
Kết luận hội thảo, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Trúc Sơn đánh giá cao sự chủ động của Đảng ủy, lãnh đạo Công an tỉnh trong việc tổ chức Hội nghị để cung cấp thông tin và lấy ý kiến đóng góp đối với 3 dự án Luật do Bộ Công an chủ trì soạn thảo.
Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre thông tin, dự án Luật Phòng Cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ và Dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) đã được các đại biểu Quốc hội thảo luận cho ý kiến ở tổ và ở Hội trường tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV. Trên cơ sở ý kiến tham gia của các đại biểu Quốc hội, Ban Soạn thảo đã chỉnh sửa, bổ sung. Đến nay, hồ sơ các dự án luật đã được chỉnh lý, bổ sung. Với tinh thần chung là nhất trí, đồng tình, ủng hộ sự cần thiết phải ban hành 3 dự án Luật nêu trên
Các ý kiến tại hội thảo sẽ được Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh tiếp thu, tổng hợp để trình tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV; đồng thời đề nghị Công an tổng hợp những ý kiến để báo cáo Bộ Công an nghiên cứu, chỉnh lý, bổ sung, hoàn thiện các dự án Luật để trình Quốc hội.
Giang Phương - Chương Đài (TTXVN)
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/thoi-su/cu-tri-neu-y-kien-dieu-chinh-cac-du-an-luat-phu-hop-voi-thuc-tien-20241010174518664.htm