Bộ LĐ-TB&XH vừa có văn bản trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Bình Phước liên quan đến việc chi trả trợ cấp xã hội không dùng tiền mặt.
Theo đó, cử tri phản ánh, việc chi trả trợ cấp xã hội cho người cao tuổi, trợ cấp ưu đãi người có công qua thẻ ngân hàng ở các khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số là chưa phù hợp vì nhiều xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số chưa bố trí máy rút tiền (ATM) nên người cao tuổi, người có công đi lại khó khăn, muốn rút tiền phải nhờ con cháu hoặc thuê phương tiện dịch vụ chở đến các khu vực đặt ATM.
Trong quá trình chi trả, các cơ quan còn yêu cầu người thụ hưởng phải mở tài khoản ngân hàng mới để nhận tiền, việc sử dụng nhiều tài khoản với mật khẩu và các bước xác thực khá phức tạp gây khó khăn cho đối tượng được thụ hưởng.
Cử tri đề nghị Chính phủ xem xét, quy định cho phù hợp.
Trả lời kiến nghị nêu trên, Bộ LĐ-TB&XH cho biết, thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng trong an sinh xã hội, nhằm chi trả trợ cấp đến các đối tượng đúng, đủ, kịp thời, ưu tiên đối với đối tượng hưởng trợ cấp hàng tháng, lâu dài đối với đối tượng hưởng trợ cấp đột xuất do ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh, Thủ tướng đã ban hành Quyết định số 1813/QĐ-TTg, Chỉ thị số 21/CT-TTg.
Bộ LĐ-TB&XH cũng đã có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố hướng dẫn chi trả không dùng tiền mặt để các địa phương lựa chọn phương án phù hợp, đảm bảo việc triển khai chi trả không dùng tiền mặt đến các đối tượng thụ hưởng kịp thời, không phát sinh thủ tục hành chính, không làm thay đổi quy trình xử lý nghiệp vụ.
Đồng thời, Bộ LĐ-TB&XH cũng đã phối hợp với Bộ Công an xây dựng quy trình rà soát, cập nhật tài khoản trong chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt trên nền cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Trên cơ sở báo cáo của các địa phương, Bộ LĐ-TB&XH cũng cho biết, các đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội đã có tài khoản ngân hàng tại tỉnh Bình Phước đều được chi trả trợ cấp thuận tiện, không vướng mắc.
Về hạ tầng công nghệ, cơ sở vật chất phục vụ việc thanh toán không dùng tiền mặt tại vùng sâu, vùng xa, Bộ LĐ-TB&XH thường xuyên đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo Ngân hàng thương mại đảm bảo mỗi xã/phường/thị trấn có ít nhất một điểm giao dịch, tăng cường lắp đặt hệ thống ATM, đầu tư hạ tầng kỹ thuật, nâng cấp chất lượng, dịch vụ thanh toán, tạo điều kiện thuận lợi cho người hưởng chính sách an sinh xã hội nhận tiền qua hình thức không dùng tiền mặt.
Cũng theo Bộ LĐ-TB&XH, một số ngân hàng như: Chính sách xã hội, TMCP Công thương Việt Nam đã gửi văn bản đến Cục quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an) cam kết đồng hành triển khai chi trả không dùng tiền mặt cho các đối tượng chính sách an sinh xã hội; miễn phí duy trì tài khoản; miễn phí duy trì ứng dụng ngân hàng điện tử; miễn phí duy trì dịch vụ biến động thông tin tài khoản qua ứng dụng ngân hàng điện tử; miễn phí giao dịch chuyển khoản trong/ngoài hệ thống ngân hàng; không yêu cầu duy trì số dư tối thiểu.
Việc chi trả trợ cấp không dùng tiền mặt đối với đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội phải đảm bảo phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội cụ thể tại địa phương, bảo đảm đối tượng được nhận trợ cấp đầy đủ, kịp thời và đúng quy định.