Ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Xuân Thắng tiếp xúc cử tri tại Quảng Ninh sau kỳ họp Quốc hội thứ 9.
Đây là hội nghị tiếp xúc cử tri đầu tiên sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết về sắp xếp đơn vị hành chính và hàng loạt chính sách lớn có hiệu lực từ ngày 1/7/2025. Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh đã báo cáo kết quả Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV. Kỳ họp diễn ra 35 ngày, với khối lượng công việc lớn nhất từ trước đến nay, thể hiện tinh thần đổi mới, dân chủ, kỷ cương và trách nhiệm.
Tại kỳ họp, Quốc hội đã thông qua 34 luật, 34 nghị quyết và cho ý kiến về 6 dự án luật. Nhiều nội dung quan trọng được thông qua như: sửa đổi Hiến pháp năm 2013 nhằm tổ chức lại bộ máy chính quyền theo mô hình hai cấp (cấp tỉnh và cấp xã); xác định rõ vị trí pháp lý của Mặt trận Tổ quốc và Công đoàn Việt Nam; cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ kinh tế tư nhân, nâng cao hiệu lực pháp luật; Luật sửa đổi, bổ sung 1 số điều của Bộ luật Hình sự đã chính thức bãi bỏ hình phạt tử hình với 8 tội danh. Quốc hội cũng ấn định ngày bầu cử Quốc hội khóa XVI là ngày 15/3/2026.
Tại hội nghị, có trên 2.000 cử tri tham dự trực tiếp tại điểm cầu trung tâm và các xã, phường, đặc khu. Nhiều cử tri đã phát biểu ý kiến về các vấn đề thiết thực liên quan đến đời sống, an ninh, xã hội, chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, đồng thời mong muốn các ý kiến sớm được tiếp thu và chuyển tới cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết kịp thời.
Đặc biệt, cử tri đề nghị khi triển khai mô hình chính quyền hai cấp (tỉnh – xã), cần bổ sung nguồn lực, tổ chức tập huấn, nâng cao năng lực cán bộ cơ sở; đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất phục vụ công tác quản lý, điều hành, nhằm bảo đảm hiệu quả, tránh quá tải nhiệm vụ cho cấp xã.
Cử tri Nguyễn Bảo Phương, Phó giám đốc Trung tâm phục vụ Hành chính công phường Hòn Gai phát biểu.
Cử tri Nguyễn Bảo Phương, Phó giám đốc Trung tâm phục vụ Hành chính công phường Hòn Gai kiến nghị: Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh sớm có ý kiến với Chính phủ chỉ đạo Cổng dịch vụ công quốc gia và các nền tảng cập nhật đầy đủ biểu mẫu; thẩm quyền giải quyết thủ tục hành chính đã phân quyền cho cấp xã; với những biểu mẫu toàn trình để công dân có thể trực tiếp kê khai trên các biểu mẫu đó. Đề nghị, các cơ quan Trung ương sớm hoàn thiện, nâng cấp, kết nối, liên thông dữ liệu giữa các Bộ, ngành để đảm bảo việc vận hành đồng bộ; nhất là ở 2 nhóm dịch vụ công liên thông cho người dân. Hiện đã có chứng thực điện tử, cử tri đề nghị tăng cường công tác tuyên truyền để các cơ quan không yêu cầu công dân nộp chứng thực giấy, hạn chế việc công dân phải đi lại, chứng thực giấy tờ không cần thiết.
Ngoài ra cử tri trên địa bàn cũng đề xuất giải quyết các vấn đề tồn đọng nhiều năm như cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho một số hộ dân ở phường Yết Kiêu cũ.
Liên quan đến chủ trương sắp xếp lại các đơn vị hành chính, tổ chức lại chính quyền xã, chấm dứt hoạt động của cấp huyện, đại biểu Nguyễn Xuân Thắng thông tin: cấp xã bây giờ không phải như xưa, khi không tổ chức cấp huyện; khi phạm vi, tính chất, yêu cầu của công việc lớn thì tổ chức bộ máy của cấp xã cũng hết sức quan trọng; gần dân nhất, sát dân nhất, hiểu dân nhất. Cho nên đội ngũ cán bộ phải sắp xếp thế nào để đảm bảo.
Các đại biểu mong muốn tiếp tục nhận được những phản ánh, kiến nghị từ cử tri để Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh làm tốt hơn nữa vai trò cầu nối giữa nhân dân và Quốc hội, Chính phủ. Nhân dịp này, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh đến kiểm tra hoạt động của Trung tâm Phục vụ hành chính công phường Hòn Gai. Tại đây, các đại biểu đã nghe báo cáo nhanh về tình hình tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong cung cấp dịch vụ công và cải cách thủ tục hành chính phục vụ người dân. Đoàn đánh giá cao nỗ lực của chính quyền địa phương trong việc triển khai mô hình chính quyền 2 cấp, nhất là việc nâng cao chất lượng phục vụ, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.
Bài, ảnh: Thanh Vân (TTXVN)