Cửa mở cho các dự án tiếp cận nguồn vốn xanh

Cửa mở cho các dự án tiếp cận nguồn vốn xanh
một ngày trướcBài gốc
Theo đó, nếu đáp ứng các tiêu chí môi trường cũng như đạt điều kiện xác nhận tương ứng, những dự án đầu tư hứa hẹn sẽ được tiếp cận nguồn tín dụng xanh và phát hành trái phiếu xanh.
Điều kiện tiếp cận
Việc xác nhận tiêu chí môi trường sẽ do tổ chức độc lập thực hiện theo các tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế. Những văn bản xác nhận này là cơ sở để hưởng chính sách ưu đãi trong cấp tín dụng xanh và phát hành trái phiếu xanh. Đồng thời, hoạt động thanh tra, giám sát cũng được quy định để đảm bảo minh bạch, tránh lợi dụng chính sách. Và bên cạnh đó, quy trình xác nhận dự án đáp ứng tiêu chí môi trường sẽ giúp đảm bảo tính minh bạch, khách quan và là điều kiện tiên quyết để các chủ dự án được hưởng các chính sách ưu đãi của Nhà nước.
Phát triển giao thông xanh để thu hút nguồn tín dụng xanh. Ảnh: Lê Minh
Nội dung dự thảo nêu, tổ chức xác nhận độc lập sẽ đóng vai trò trung gian, kiểm tra hồ sơ và đưa ra kết luận về việc dự án có đáp ứng tiêu chí môi trường hay không. Yêu cầu đặt ra với tổ chức xác nhận là phải có tư cách pháp nhân, hoạt động trong lĩnh vực đánh giá sự phù hợp hoặc kiểm toán và đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế về dịch vụ chứng nhận sự phù hợp. Sau khi dự án được xác nhận, văn bản xác nhận sẽ là căn cứ quan trọng để các cơ quan có thẩm quyền xem xét cấp tín dụng xanh hoặc cho phép phát hành trái phiếu xanh.
Trong khi đó, đối với trái phiếu xanh, văn bản xác nhận giúp đảm bảo nguồn vốn huy động được sử dụng đúng mục đích, góp phần vào phát triển kinh tế xanh, giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên. Còn đối với tín dụng xanh, văn bản xác nhận là căn cứ để các tổ chức tín dụng xem xét cấp vốn với lãi suất ưu đãi, thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi mô hình sản xuất theo hướng thân thiện với môi trường. Sau khi được xác nhận, chủ dự án có nghĩa vụ duy trì các tiêu chí môi trường đã cam kết và phối hợp với tổ chức xác nhận độc lập trong quá trình giám sát, kiểm tra việc thực hiện.
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Lê Công Thành, những bất cập hiện nay trong hệ thống tiêu chí xanh tại Việt Nam là nhiều danh mục dự án xanh mới chỉ mang tính chất tham khảo, thiếu cơ sở phân loại theo các tiêu chí sàng lọc hoặc chuẩn mực quốc tế. Các ngân hàng cũng gặp khó khăn khi cấp vốn cho các dự án thân thiện với môi trường vì chưa có bộ tiêu chí rõ ràng. Trước thực tế đó, Thứ trưởng Lê Công Thành cho biết, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã trình Thủ tướng Chính phủ Dự thảo Quyết định ban hành tiêu chí môi trường đối với dự án đầu tư được cấp tín dụng xanh và phát hành trái phiếu xanh, làm cơ sở pháp lý để đánh giá, xác nhận và thúc đẩy phát triển các dự án có lợi ích môi trường rõ ràng, minh bạch. Bên cạnh đó, các bộ, ngành liên quan đang khẩn trương hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để triển khai thí điểm sàn giao dịch carbon trước tháng 6/2025 đồng thời nâng cao năng lực quản lý nhà nước, năng lực tham gia thị trường của doanh nghiệp và cộng đồng.
Dư nợ tín dụng xanh đã tăng
Hiện tốc độ phát triển thị trường tín dụng xanh đã nhanh hơn tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế, trong đó ghi nhận một số trái phiếu xanh do chính quyền địa phương, doanh nghiệp phát hành thí điểm, đặc biệt là trái phiếu cho các dự án xanh có quy mô lớn như năng lượng tái tạo, điện gió và điện mặt trời.
Số liệu công bố của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cho thấy, tính đến 31/12/2024, dư nợ tín dụng xanh của hệ thống ngân hàng cả nước đạt 679.000 tỉ đồng, tăng 9,37% so với cuối năm 2023, chiếm tỷ trọng trên 4,3% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. Tín dụng xanh của các tổ chức tín dụng hiện chủ yếu tập trung vào các ngành năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (chiếm hơn 41%) và nông nghiệp xanh (chiếm gần 30% tổng dư nợ tín dụng xanh)… Hiện NHNN cũng đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục mở rộng tín dụng xanh để hướng đến xây dựng ngân hàng xanh, hỗ trợ cho tăng trưởng xanh.
Tính đến năm 2024, một số ngân hàng đã cấp tín dụng xanh cho các dự án đầu tư như: Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) với 98 dự án; Nam Á Bank với một số khách hàng đầu tư hệ thống pin mặt trời; VietinBank, Sacombank, Techcombank với tổng cộng 20 dự án năng lượng tái tạo; TPBank với 3 dự án điện mặt trời tập trung và Eximbank với 2 dự án điện gió và điện mặt trời.
Các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu còn nhiều bất định, buộc các nền kinh tế phải tăng cường các giải pháp để hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, nâng cao năng lực chống chịu trước các rủi ro, thách thức. Việc huy động tài chính xanh trở nên cấp thiết hơn để chuyển hướng các ưu tiên đầu tư cho hạ tầng xanh, năng lượng xanh. Tín dụng từ ngân hàng là nguồn lực rất quan trọng cho các mục tiêu tăng trưởng xanh, giai đoạn 2017-2023, tốc độ tăng trưởng tín dụng xanh đạt khoảng 22% mỗi năm, riêng năm 2023, tốc độ này tăng 24%. Hiện có khoảng 50 tổ chức tín dụng tham gia cấp tín dụng xanh.
Minh Quân
Nguồn Đại Đoàn Kết : https://daidoanket.vn/cua-mo-cho-cac-du-an-tiep-can-nguon-von-xanh-10302678.html