Cục Thống kê: GDP quý II tăng 7,96%, CPI quý II tăng 3,31% so với cùng kỳ năm trước

Cục Thống kê: GDP quý II tăng 7,96%, CPI quý II tăng 3,31% so với cùng kỳ năm trước
5 giờ trướcBài gốc
Bà Nguyễn Thị Hương, Cục trưởng Cục Thống kê chủ trì họp báo sáng 5/7. (Ảnh: N.H)
Tính chung 6 tháng đầu năm 2025, GDP nước ta tăng 7,52%, mức cao nhất của 6 tháng đầu năm trong giai đoạn 2011-2025.
Khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất, là "lực đỡ" cho nền kinh tế.
Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp duy trì đà tăng trưởng, một số sản phẩm chủ lực tăng khá, đáp ứng nhu cầu đơn hàng mới của doanh nghiệp. Giá trị tăng thêm toàn ngành 6 tháng tăng 8,07% so với cùng kỳ năm trước, chỉ thấp hơn mức tăng 8,89% của cùng kỳ năm 2022 trong giai đoạn 2020-2025.
Khu vực dịch vụ, hoạt động ngoại thương, vận tải, du lịch tăng cao đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của khu vực và thế giới, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế. Giá trị tăng thêm khu vực này là 8,14%, là mức tăng cao nhất so với cùng kỳ các năm trong giai đoạn 2011-2025.
Trong khi đó, với khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, ngành nông nghiệp duy trì tăng trưởng ổn định, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và phục vụ xuất khẩu, tăng 3,51% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 0,29 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.
6 tháng đầu năm, Việt Nam ước tính xuất siêu 7,63 tỷ USD, thấp hơn so với cùng kỳ năm trước (12,15 tỷ USD). Tổng kim ngạch thương mại là 432 tỷ USD, trong đó, xuất khẩu và nhập khẩu đều tăng 14,4-17,9% so với cùng kỳ năm trước.
Đặc biệt, nửa đầu năm 2025, 152.700 doanh nghiệp cũng được thành lập mới, quay lại thị trường, trung bình 25.500 đơn vị mỗi tháng. Ngoài ra, khoảng 114.800 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh và rút lui khỏi thị trường, tức bình quân 21.200 đơn vị.
Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý II cũng cho thấy số doanh nghiệp lạc quan chiếm 35,7%. Số doanh nghiệp đánh giá xu hướng kinh doanh tốt hơn trong quý III dự kiến tăng lên 43%.
Bên cạnh đó, theo số liệu của Cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 6 tăng 0,48% so với tháng trước, còn CPI quý II tăng 3,31% so với cùng kỳ năm 2024.
Cụ thể, so với tháng 5/2025, CPI tháng 6 tăng 0,48% (khu vực thành thị tăng 0,5%; khu vực nông thôn tăng 0,45%). Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 10 nhóm hàng tăng giá và chỉ riêng nhóm bưu chính, viễn thông giảm giá.
So với cùng kỳ năm trước, CPI tháng 6 tăng 3,57%, với 9 nhóm tăng giá và 2 nhóm giảm giá. Tính chung cả quý II, CPI tăng 3,31% so với cùng kỳ năm 2024. Điều này là do nhu cầu tiêu dùng trong dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 và Tết Đoan ngọ tác động đến nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống; chỉ số giá điện tăng; một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện tăng học phí năm học mới 2024-2025; giá nhóm đồ trang sức tăng theo giá vàng trong nước và thế giới...
Ở chiều ngược lại, chỉ số giá nhóm giao thông giảm 4,83%, tác động làm CPI giảm 0,47 điểm phần trăm, trong đó giá xăng dầu giảm 15,31% theo giá thế giới; chỉ số giá nhóm bưu chính, viễn thông giảm do giá điện thoại thế hệ cũ đi xuống.
Do đó, sau 6 tháng đầu năm, CPI bình quân tăng 3,27% so với cùng kỳ năm 2024.
Ngọc Anh
Nguồn TG&VN : https://baoquocte.vn/cuc-thong-ke-gdp-quy-ii-tang-796-cpi-quy-ii-tang-331-so-voi-cung-ky-nam-truoc-319973.html