Đến ngày 1/6/2025, tất cả hộ và cá nhân kinh doanh phải xuất hóa đơn điện tử có mã số thuế theo Nghị định 70/2025/NĐ-CP
Theo dữ liệu từ Cục Thuế, tính đến nay số lượng hộ, cá nhân kinh doanh đã nộp tờ khai theo hình thức khoán là 1.975.373 hộ, 6.142 hộ nộp thuế theo hình thức kê khai và 61.329 cá nhân kinh doanh được đưa thêm vào quản lý thông qua triển khai bản đồ số hộ kinh doanh.
Đối với phương pháp khoán, mức thuế khoán bình quân trong tháng 3/2025 đạt 672,3 nghìn đồng/tháng/hộ và cá nhân kinh doanh nộp thuế. Đối với phương pháp kê khai, số thuế bình quân trong tháng 3/2025 đạt 4,6 triệu đồng/tháng/hộ và cá nhân kinh doanh nộp thuế. Trong khi đó, ước tổng lũy kế thu ngân sách nhà nước từ hộ, cá nhân kinh doanh trong 3 tháng đầu năm 2025 là 8.695 tỷ đồng, đạt 27,2% so với nhiệm vụ thu và đạt 25,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Cục Thuế đánh giá tỷ trọng thu từ hộ, cá nhân kinh doanh trong 3 tháng qua so với các năm gần đây vẫn duy trì tốc độ ổn định. Cụ thể, 3 tháng đầu các năm 2022, 2023, 2024 và 2025 đạt lần lượt 22,3%; 29,1%; 26,7% và 27,2% nhiệm vụ thu cả năm.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy số nộp ngân sách nhà nước từ hộ, cá nhân kinh doanh không tương xứng với tiềm năng, chỉ đạt từ 1,5 - 2% tổng thu ngân sách do cơ quan thuế quản lý. Con số trên chưa đạt được yêu cầu đặt ra, đặc biệt là so với yêu cầu của Đảng và Chính phủ.
Ông Mai Xuân Thành, Cục trưởng Cục Thuế cho biết hiện nay hoạt động quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh vẫn còn tồn tại một số bất cập như việc rà soát, cập nhật dữ liệu chưa đồng bộ, kịp thời; công tác phối hợp giữa các cấp, nhất là tại cấp đội thuế liên huyện chưa hiệu quả.
Mức tăng trưởng thấp nêu trên xuất phát từ một số những khó khăn trong công tác quản lý thuế đối với hộ kinh doanh như: thiếu sự kiểm tra đột xuất; việc phối hợp với chính quyền địa phương chưa thường xuyên, thiếu cơ sở dữ liệu đồng bộ với các cơ quan chức năng khác trên địa bàn quản lý...
Vì vậy, giải pháp đột phá về mặt chính sách trong phương thức quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trên nền tảng số, kinh doanh nhà hàng, khách sạn và dịch vụ là điều cần thiết hơn bao giờ hết, nhằm tránh tối đa thủ đoạn “lách luật”, gây thất thu cho ngân sách nhà nước.
Mặc dù tuân thủ theo nguyên tắc “người nộp thuế tự khai, tự nộp, tự chịu trách nhiệm”, nhưng người đại diện pháp luật của doanh nghiệp, đại diện của hộ kinh doanh cũng như cá nhân kinh doanh chưa nhận thức rõ được việc chấp hành pháp luật thuế và hóa đơn quan trọng như thế nào. Thậm chí, còn xuất hiện tình trạng phát sinh doanh thu nhưng không xuất hóa đơn, xuất hóa đơn nhưng không kê khai, kê khai nhưng không đầy đủ hoặc đã khai thuế nhưng không nộp thuế… ở một số doanh nghiệp, hộ kinh doanh và cá nhân kinh doanh, dẫn đến thất thu thuế ở nhiều khu vực.
“Đây là thời điểm toàn ngành cần chuyển đổi phương pháp quản lý hộ kinh doanh sang hình thức quản lý tự động hóa thông qua chuyển đổi số và dữ liệu lớn (Big Data) thay vì hình thức truyền thống. Để có thể áp dụng hình thức chuyển đổi số trong quản lý thuế, cơ quan thuế các cấp cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của người nộp thuế, đặc biệt là hộ kinh doanh nhỏ lẻ đang hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ ăn uống, nhà hàng, lưu trú”, đại diện Cục Thuế nhấn mạnh.
Cũng theo Cục Thuế, dựa trên báo cáo của chi cục thuế tại các khu vực, một số địa phương đã chủ động ứng dụng công nghệ vào phân tích dữ liệu nhằm phục vụ kiểm tra và giám sát đối tượng hộ khoán, từ đó góp phần giảm thiểu tình trạng thất thu thuế.
Để quản lý thuế hộ kinh doanh và cá nhân kinh doanh đạt hiệu quả, lãnh đạo Cục Thuế yêu cầu thủ trưởng các đơn vị trong toàn ngành cần xác định rõ đây là nhiệm vụ quan trọng, cần được tập trung chỉ đạo quyết liệt, có giải pháp cụ thể và thực hiện đồng bộ. Cùng với đó, các chỉ tiêu, kế hoạch giao phải gắn với trách nhiệm của người đứng đầu từng đơn vị cũng như từng bộ phận.
Phương Linh