Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh tư liệu: THX/TTXVN
Trang Global Times (Trung Quốc) nhận định, “nền kinh tế khoai lang” là cụm từ để miêu tả các khoản đầu tư địa phương lan tỏa ra toàn cầu, như cây khoai lang, từ đó đẩy mạnh sự hiện diện trên thị trường quốc tế và củng cố nền kinh tế địa phương.
Lý thuyết đổi mới này không chỉ giúp Chiết Giang liên tục tạo đột phá và đạt được thành tựu phát triển lớn hơn mà còn nâng lên thành một phần quan trọng của triết lý phát triển trong thời đại mới, giúp Trung Quốc dung hòa giữa phát triển nội địa và hội nhập quốc tế, đồng thời tạo ra lợi thế mới của nền kinh tế mở ở cấp độ cao hơn.
Với lý thuyết "nền kinh tế khoai lang", nhiều doanh nghiệp tư nhân ở Chiết Giang đã đạt được thành tựu đáng chú ý ở nước ngoài. Ví dụ, công ty con CHINT New Energy Technology của Tập đoàn CHINT gần đây công bố rằng họ sẽ xây dựng một nhà máy mới tại Thổ Nhĩ Kỳ. Xuất phát điểm từ một nhà máy sản xuất công tắc vào năm 1984 tại Chiết Giang, công ty đã mở rộng từ tỉnh này sang thị trường toàn cầu, với hoạt động kinh doanh tại hơn 140 quốc gia và khu vực.
Đến nay, trên toàn Trung Quốc có hơn 6 triệu doanh nhân Chiết Giang và trên toàn thế giới là hơn 2 triệu người. Trong danh sách 500 doanh nghiệp tư nhân hàng đầu Trung Quốc, số lượng các công ty Chiết Giang đứng đầu trong 26 năm liên tiếp. Kinh tế tư nhân đã trở thành đặc điểm nổi bật nhất, nguồn lực quan trọng nhất và lợi thế lớn nhất của nền kinh tế Chiết Giang.
Theo China Daily (Trung Quốc), lý thuyết "nền kinh tế khoai lang" thể hiện sức mạnh trí tuệ mạnh mẽ vì nó tuân thủ cách tiếp cận hướng đến vấn đề, tập trung vào những rào cản gặp phải trong thực tế và đề xuất các ý tưởng, phương pháp để giải quyết.
Từ "nền kinh tế khoai lang", giới lãnh đạo Trung Quốc đã rút được bài học quý giá về thực tiễn phát triển kinh tế tư nhân.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng chia sẻ: “Tôi luôn ủng hộ các doanh nghiệp tư nhân”. Bản thân ông Tập Cận Bình đã có thâm niên hơn 20 năm làm việc tại Phúc Kiến và Chiết Giang. Theo China Daily (Trung Quốc), cả 2 tỉnh này đều nổi tiếng bởi kinh tế tư nhân sôi động.
Quang cảnh cảng hàng hóa tại tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN
Trong hơn 40 năm cải cách và mở cửa, nền kinh tế tư nhân đã mở rộng và mạnh mẽ trở thành lực lượng không thể thiếu trong sự phát triển của Trung Quốc đồng thời là lực lượng mới thúc đẩy hiện đại hóa nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này. Đến cuối tháng 3, số lượng doanh nghiệp tư nhân đã đăng ký tại Trung Quốc là hơn 57 triệu, chiếm 92,3% tổng số doanh nghiệp trên toàn quốc. Số lượng doanh nghiệp nhỏ lẻ đã đăng ký tại Trung Quốc cũng đạt 125 triệu.
Ngày 30/4, kỳ họp thứ 15 của Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc khóa XIV đã bỏ phiếu thông qua Luật khuyến khích kinh tế tư nhân. Luật này có hiệu lực từ ngày 20/5 đồng thời là bộ luật cơ bản đầu tiên của Trung Quốc liên quan cụ thể đến phát triển kinh tế tư nhân.
Doanh nghiệp tư nhân đóng góp hơn 50% thuế, hơn 60% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), hơn 70% thành quả đổi mới sáng tạo khoa học công nghệ, tạo hơn 80% việc làm ở thành thị, chiếm hơn 90% tổng số doanh nghiệp của Trung Quốc.
Chủ tịch Tập Cận Bình trong một phát biểu vào tháng 2 đã nhấn mạnh: “Trong thời đại mới, trên chặng đường phát triển mới, khu vực tư nhân có triển vọng to lớn và dư địa phát triển mạnh mẽ. Đây chính là thời điểm lý tưởng để các doanh nghiệp tư nhân và doanh nhân thể hiện năng lực, vai trò của mình”.
Hà Linh/Báo Tin tức và Dân tộc