Cúi mặt khỏa nước sông Bến Hải

Cúi mặt khỏa nước sông Bến Hải
8 giờ trướcBài gốc
Hòa chung niềm vui trong ngày hội Thống nhất non sông -Ảnh: NÔNG VĂN DÂN
Tượng đài Chiến sĩ công an nhân dân vũ trang bảo vệ giới tuyến đứng sừng sững bên bờ Bắc. Người chiến sĩ ôm khẩu súng AK, mắt nhìn về phía Nam, dưới chân là những họa tiết sóng nước như lời nhắc nhớ về thời điểm mỗi con sóng của sông Bến Hải đều có thể là nơi khởi nguồn của một bi kịch, hay một huyền thoại. Cầu Hiền Lương, giờ đây không chỉ là cây cầu thép bắc qua một dòng sông, mà còn là cây cầu tâm thức, nối liền quá khứ và hiện tại, chiến tranh và hòa bình, máu và nước mắt, với khát vọng thống nhất và tương lai.
Thật tình cờ, tại đây, bên tượng đài ấy, chúng tôi gặp ông Nguyễn Hữu Thắng - nguyên Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Trị - cùng các cựu chiến binh, văn nghệ sĩ, thành viên Câu lạc bộ dân ca Sông Hiền, đang chuẩn bị một nghi lễ đặc biệt. Trong không gian linh thiêng của đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải, những người con Vĩnh Linh tụ hội về đây để thực hiện một nghi lễ lấy nước sông Bến Hải - dòng sông lịch sử từng nhuốm máu và nước mắt - để mang về Nghệ An, hòa vào dòng nước của sông Con tại Tân Kỳ - mảnh đất nghĩa tình từng chở che biết bao con dân Vĩnh Linh trong những năm tháng khốc liệt của chiến tranh.
Không phải là một lễ nghi truyền thống, nhưng đây lại là một hành động biểu tượng thấm đẫm tinh thần tri ân, kết nối. Một nắm đất, một giọt nước, một tấm quốc kỳ, tất cả giờ đây mang trong mình linh hồn của quá khứ, của tình nghĩa sâu nặng giữa hai miền quê cách xa về địa lý nhưng luôn gần nhau trong tâm khảm, trong dòng chảy văn hóa và lịch sử dân tộc.
Nước sông Bến Hải - dòng nước từng chứng kiến bao lần chia ly nghẹn ngào, bao cuộc tiễn đưa không hẹn ngày về - hôm nay được nâng niu như một biểu tượng thiêng liêng của khát vọng hòa bình. Dòng nước ấy sẽ được đưa về Tân Kỳ, nơi từng là chốn nương náu của những đứa trẻ, người già, phụ nữ Vĩnh Linh trong chiến dịch sơ tán mang mật danh K8 và K10 - một cuộc thiên di lịch sử nhằm gìn giữ hạt giống tương lai cho đất nước.
Thắp hương tại tượng đài Chiến sĩ công an nhân dân vũ trang bảo vệ giới tuyến trước khi làm lễ -Ảnh: TRẦN MINH TÚ
Những năm 1965-1968, khi cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ bước vào giai đoạn ác liệt, Quảng Trị và Quảng Bình - những vùng đất gần giới tuyến - trở thành rốn bão lửa. Để bảo toàn lực lượng, giảm thiểu thương vong, Trung ương Đảng đã chỉ đạo thực hiện hai kế hoạch sơ tán chiến lược: K8 và K10.
Mục tiêu của các kế hoạch này là di chuyển phụ nữ, người già, trẻ nhỏ khỏi vùng chiến sự để bảo vệ thế hệ tương lai, đồng thời giúp những người ở lại yên tâm chiến đấu, giữ vững tuyến đầu của Tổ quốc. Hành trình sơ tán kéo dài hàng tháng, dưới bom đạn, đói khát, bệnh tật. Nhưng cũng chính từ đó, những nghĩa tình bất diệt giữa Vĩnh Linh và Tân Kỳ, giữa Quảng Bình và xứ Nghệ, giữa đất lửa và đất học, đã được hun đúc nên.
Anh Đỗ Hữu Thiện, sinh năm 1967, là một trong những đứa trẻ ngày ấy. Khi chỉ mới ba tháng tuổi, mẹ anh đặt anh vào một đầu quang gánh, ròng rã vượt núi băng đèo đi sơ tán. Cuộc hành trình sinh tử ấy dẫn họ tới vùng đất Tân Kỳ, Nghệ An. Nơi ấy, anh có một “người mẹ thứ hai” - mệ Sơn - người đã chăm sóc, cho anh bú mỗi khi mẹ anh phải đi làm nương, làm rẫy. Chính tình yêu thương ấy, sự cưu mang ấy, đã nuôi dưỡng một tấm lòng nhân ái.
Sau này, anh trở thành doanh nhân thành đạt trong lĩnh vực tài chính - thuế, và khi trở về quê hương sau 35 năm xa cách, anh đã thành lập Trung tâm Tri thức Thiện Nhân Văn - một tổ chức phi lợi nhuận mang ánh sáng tri thức, văn hóa đến với học sinh vùng đất từng chịu bao tổn thương vì chiến tranh.
Anh Thiện không phải là trường hợp duy nhất. Cùng với anh, hơn ba vạn người từ Vĩnh Linh, Quảng Trị, Quảng Bình đã được bà con miền Bắc đùm bọc trong chiến tranh. Những người con ấy giờ đây đã trưởng thành, nhiều người là nhà khoa học, giáo viên, cán bộ, doanh nhân... nhưng trong lòng họ, mảnh đất Tân Kỳ vẫn là một phần máu thịt, là nơi lưu giữ những tháng ngày thơ ấu giữa tình người thấm đẫm.
Lấy nước sông Bến Hải để hòa vào nước sông Con, Tân Kỳ, Nghệ An-Ảnh: TRẦN MINH TÚ
Dòng nước sông Con - lặng lẽ mà kiêu hãnh - chảy qua Tân Kỳ không chỉ tưới mát đồng ruộng mà còn chuyên chở những ký ức không thể phai. Trong lễ nghi lấy nước từ dòng sông Con, trên một con thuyền nhỏ, ông Nguyễn Hữu Thắng đã đọc bài văn tế xúc động. Những câu chữ được đọc lên như gọi về hồn sông, gọi về những ký ức sống động thuở nào:
Dòng sông Con hiền hòa uốn khúc
Nơi man mát giọng hò, điệu ví dặm ngân nga...
Những cụ già, em thơ
Những thiếu phụ chờ ngày vượt cạn
Khăn tang còn trắng trên đầu
Đói no khoai sắn nhường nhau
Bầu sữa mẹ chia hai, nuôi cháu nhỏ K10...”
Những câu văn tế như một bản trầm ca của nghĩa tình đồng bào, gợi nhắc một thời kỳ cả dân tộc nắm tay nhau vượt qua gian khổ. Tân Kỳ, Vĩnh Linh - hai vùng đất xa mà gần, bởi đã từng nối nhau qua từng miếng cơm sẻ nửa, từng bát cháo nhường nhau, từng giọt nước mưa hứng trên mái nhà rách nát để nuôi sống đàn trẻ nhỏ sơ tán.
Ông Nguyễn Hữu Thắng chia sẻ: “Sau nửa thế kỷ đất nước hòa bình, hôm nay những người con Vĩnh Linh lại trở về bên dòng sông Con ân nghĩa, đem theo giọt nước Bến Hải. Bầu nước ấy không chỉ là lễ vật mà là lời thề thủy chung son sắt - là minh chứng rằng dù thời thế có đổi thay, nghĩa tình hai quê vẫn không hề lay chuyển”.
Sau lễ thắp hương tưởng niệm tại tượng đài, Trần Minh Tú, phóng viên Báo Quân đội nhân dân cùng các thành viên lên thuyền ra giữa dòng Hiền Lương, thực hiện nghi thức lấy nước và thả hoa tưởng niệm những người đã ngã xuống vì độc lập, tự do. Anh ghi lại hình ảnh chiếc cầu Hiền Lương vươn cao giữa trời xanh tháng Tư và anh nhớ đến hai phóng viên Báo Quân đội nhân dân - Lê Đình Dư và Nguyễn Ngọc Nhu đã vượt qua sông này vào chiến trường năm 1968 và mãi mãi nằm lại nơi chiến hào Gio Linh, Quảng Trị.
Để có ngày 30/4/1975 và 30/4/2025, đã có bao người như họ - vượt qua Bến Hải, không bao giờ trở lại. Máu và nước mắt của họ đã hòa vào sông. Nhưng cũng từ dòng sông ấy, những dòng nước được mang đi khắp nơi trên đất nước, như lời thề không lời rằng dân tộc này sẽ mãi là một, rằng vết chia cắt ngày nào giờ đã liền lại bằng tình yêu thương, bằng lòng biết ơn và bằng ý chí không gì khuất phục.
Từ Bến Hải, dòng nước mang theo hồn thiêng sông núi sẽ hòa vào sông Con, sông Lam, sông Mã, sông Lô, sông Hồng, sông Đồng Nai, sông Cửu Long... Những dòng sông Việt Nam - như mạch máu - mải miết chảy về biển lớn, chảy qua lòng người, chảy qua quá khứ đau thương và hiện tại hòa bình, để đưa dân tộc tiến về một tương lai rạng ngời.
Giữa chiều tháng Tư lịch sử, trên bờ sông Bến Hải, chúng tôi nghe tiếng gió cuốn vào lá Quốc kỳ rộng 75 m2 ào ạt như tiếng sóng. Dòng sông Bến Hải giờ đây không còn là ranh giới chia cắt, mà là biểu tượng của thống nhất, của nối kết, của lòng biết ơn. Và qua Bến Hải, chúng tôi đã gặp những dòng sông khác, không chỉ là dòng nước mà là những dòng chảy tâm thức, dòng chảy ân tình giữa những vùng quê, giữa những con người từng chia sẻ miếng cơm manh áo trong những tháng năm bi hùng nhất của lịch sử dân tộc.
Tôi cúi mình khỏa nước dòng Bến Hải, mát rượi. Cỏ bên bờ sông xanh ngăn ngắt. Gió lộng từ phía biển thổi đến. Những bụi hoa mua tím lặng lẽ mọc sát mép nước, mỏng manh mà bền bỉ như chính những phận người đã từng neo mình nơi đây, trong bom đạn và khát vọng.
Tôi nhắm mắt lại, lặng nghe tiếng sóng thì thầm dưới lòng bàn tay, như thể dòng sông đang kể lại câu chuyện của nó về những ngày tháng mà mỗi bước chân qua cầu Hiền Lương là một lần rưng rưng nước mắt; khi mà người cha không thể vượt sông để gặp con, người vợ không thể ôm chồng sau bao năm biệt ly, tiếng gọi nhau từ hai bờ chỉ có thể là những âm thanh hụt hẫng giữa gió trời.
Một bà cụ lặng lẽ đặt bó hoa cúc trắng bên chân tượng đài Chiến sĩ bảo vệ giới tuyến. Gió thổi bay những sợi tóc bạc của cụ, chạm nhẹ vào vầng trán đã hằn sâu năm tháng. Không ai hỏi cụ là ai, vì trong không gian ấy, tất cả chúng tôi đều hiểu đã có ai đó, là chồng, con, người thân của cụ từng ra đi mà không trở lại. Cụ là người của một thế hệ đã chịu mất mát, đau thương nhiều lắm để có được một ngày như hôm nay, ngày mà người ở hai bờ sông Bến Hải không còn gọi nhau là kẻ thù.
Và tôi nghĩ đến những dòng sông khác mà mình từng qua, sông Lam, sông Mã, sông Hồng, sông Tiền Giang, Hậu Giang... Gió vẫn thổi ào ạt trên cánh đồng Hiền Lương. Dòng sông Bến Hải lặng lẽ trôi, đi tiếp cuộc hành trình muôn đời của nó: Hành trình của ký ức, của khát vọng, và của tương lai.
Cúi mặt khỏa nước dòng Bến Hải
Hai mươi năm chờ đợi chuyến đò
Cúi tìm gương mặt người thương nhớ
Đã qua sông chưa thấy quay về...
Trần Hoài
Nguồn Quảng Trị : http://www.baoquangtri.vn/cui-mat-khoa-nuoc-song-ben-hai-193334.htm