Cúng tất niên là một trong những nghi lễ quan trọng trong dịp cuối năm. Đây là dịp để gia đình sum vầy, cảm tạ tổ tiên và các vị thần linh đã phù hộ cho một năm qua, đồng thời cầu mong một năm mới đầy may mắn, an lành.
Theo truyền thống, vào cuối năm, các vị thần linh sẽ bàn giao công việc cho thần mới. Do đó, việc cúng tất niên không chỉ là dịp để gia đình gửi lời cảm tạ đến các vị thần linh, tổ tiên mà còn là nghi thức tiễn đưa thần cũ. Đây cũng là thời điểm để các thành viên trong gia đình quây quần bên nhau, cùng nhìn lại một năm qua.
Nên cúng tất niên trong nhà hay ngoài trời?
Lễ cúng tất niên chủ yếu hướng đến việc tạ ơn các vị gia thần và gia tiên, mời tổ tiên về ăn Tết với con cháu, vì vậy phần lớn các gia đình thực hiện trong nhà, nghi lễ được tiến hành tại bàn thờ gia tiên.
Cúng tất niên trong nhà mang lại sự trang nghiêm nhất.(Ảnh: Hòa Bùi)
Cúng tất niên trong nhà là lựa chọn phổ biến vì nó mang đến không khí ấm cúng, sum vầy cho các thành viên trong gia đình. Đặc biệt, việc cúng trong nhà giúp gia đình dễ dàng thực hiện nghi lễ một cách trang trọng hơn, đồng thời tránh khỏi ảnh hưởng của thời tiết.
Một số gia đình, đặc biệt là những gia đình có sân vườn rộng rãi hoặc không gian ngoài trời thoáng đãng, thường có thêm nghi thức cúng tất niên ngoài trời, dành cho trời đất, âm linh, cô hồn. Mâm cỗ được đặt ở sân hoặc khoảng không gian trước nhà, nơi thoáng khí và sạch sẽ.
Mâm cúng tất niên cần có những gì?
Dù cúng trong nhà hay ngoài trời, mâm cúng tất niên cần phải đầy đủ lễ vật và được chuẩn bị chu đáo. Các lễ vật chính và cách bày trí mâm cúng có thể khác nhau tùy vào điều kiện và truyền thống gia đình, nhưng nhìn chung sẽ bao gồm các yếu tố sau:
Hương và đèn: Hương tượng trưng cho tinh tú, là sự kết nối giữa âm và dương. Đèn là biểu tượng của Mặt trời, Mặt trăng, mang lại ánh sáng, sự soi sáng cho gia đình. Đảm bảo có hai cây đèn ở hai bên ban thờ.
Trầu cau: Là vật phẩm không thể thiếu trong mâm cúng, thể hiện sự tôn trọng và lòng thành.
Hoa tươi: Thường dùng hoa ly, lay ơn, hoa cúc, hoặc cành đào nhỏ để dâng lên bàn thờ, tạo không khí Tết.
Mâm ngũ quả: Gồm 5 loại khác nhau, mỗi loại tượng trưng cho một ước nguyện của gia chủ, thông qua tên gọi và màu sắc. Mâm này không được dùng quả giả; các loại quả đều phải ăn được và thông dụng, đẹp mắt, không bị sâu hoặc dập.
Mâm cỗ cúng: Đảm bảo có các món mặn và chay, thể hiện sự phong phú của cuộc sống và tấm lòng cầu tài, cầu lộc của gia đình.
Mâm cỗ cúng là phần quan trọng nhất trong mâm cỗ cúng tất niên. Tùy theo từng vùng miền, mâm cỗ cúng tất niên có sự khác biệt nhất định, nhưng vẫn giữ được các yếu tố cơ bản.
Miền Bắc: Người miền Bắc, đặc biệt là Hà Nội, chuẩn bị mâm cơm chu đáo với các món truyền thống như gà luộc, canh măng, miến xào, bánh chưng. Mâm cúng có thể chuẩn bị với số lượng 4 bát – 4 đĩa, 6 bát – 6 đĩa, hoặc 8 bát – 8 đĩa tùy theo quy mô. Mâm cỗ lớn có thể được xếp thành 2 – 3 tầng, với các món nóng, có nước đặt ở vị trí trung tâm.
Miền Trung: Mâm cỗ đơn giản hơn, có giò lụa, thịt gà, thịt heo, bánh chưng, bánh tét và các món đặc sản khác tùy theo vùng.
Miền Nam: Do khí hậu nóng, mâm cỗ cúng ở miền Nam thường có canh khổ qua, chả giò, thịt kho trứng và bánh tét ăn kèm củ kiệu
Nếu cúng chay, mâm cỗ tất niên có thể gồm các món sau: Rau củ xào chay, canh rau củ nấu chay, đậu phụ chiên xào nấm tươi, miến xào chay, giò - chả chay, xôi gấc, đậu hũ kho, củ sen kho, nấm kho ngũ vị, các món cuốn...
Mâm cỗ chay cúng tất niên. (Ảnh: Linh Ruby)
Lễ cúng tất niên thường được thực hiện vào ngày cuối năm, trước giao thừa. Tuy nhiên, một số gia đình có thể cúng trước vài ngày, tùy điều kiện thời gian và các yếu tố khác. Điều quan trọng nhất là cúng vào thời gian phù hợp và đảm bảo sự trang nghiêm, thành kính.
Hạ Vy