Cuộc cách mạng 'chậm trễ là có lỗi với nhân dân'

Cuộc cách mạng 'chậm trễ là có lỗi với nhân dân'
6 giờ trướcBài gốc
Cơ cấu tổ chức bộ máy Chính phủ - một trong những nội dung dư luận quan tâm đã được “chốt” tại kỳ họp bất thường lần thứ 9 của Quốc hội. Theo đó, Quốc hội đã biểu quyết thông qua nghị quyết về cơ cấu tổ chức của Chính phủ, nghị quyết về cơ cấu số lượng thành viên Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV (cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ khóa XV gồm 14 bộ và 3 cơ quan ngang bộ; trước khi sắp xếp, Chính phủ có 18 bộ và 4 cơ quan ngang bộ).
Như vậy, tính từ thời điểm Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, khóa XII (ngày 1/12/2024) đến nay, quãng thời gian mới chỉ hơn 2 tháng song “cuộc cách mạng” tinh gọn bộ máy đã đạt kết quả bước đầu rất cơ bản, quan trọng, tạo dấu ấn đậm nét về cách làm bài bản, khẩn trương, quyết liệt và khoa học. Những kế hoạch, chương trình, lộ trình được vạch ra và nêu tại Hội nghị trực tuyến ngày 1/12/2024 thì đến nay đã được triển khai đồng bộ, nhịp nhàng, đúng “barem” không để tạo ra các “điểm nghẽn” gây chậm trễ, đình trệ.
Với tính chất khó khăn, phức tạp của vấn đề tinh gọn tổ chức, bộ máy mà quá trình triển khai chỉ trong thời gian ngắn đảm bảo kết quả, hiệu quả rõ rệt như vậy thực sự là dấu ấn đột phá lớn. Dấu ấn đó có được là nhờ sự chung tay, đồng sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, trực tiếp là những thành viên trong ban chỉ đạo các cấp của Trung ương và các bộ, ngành, địa phương, sự ủng hộ, đồng thuận của xã hội. Dấu ấn đó có được từ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đặc biệt là sự chỉ đạo quyết liệt, rốt ráo, bài bản của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm. Đúng như tinh thần mà đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm đã quán triệt tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc ngày 1/12/2024 rằng: “Công việc phía trước rất bộn bề, khẩn trương. Thời gian không chờ đợi chúng ta. Đất nước đang đứng trước cánh cửa lịch sử bước vào kỷ nguyên vươn mình. Những công việc chúng ta làm hôm nay, sẽ quyết định tương lai. Chậm trễ là có lỗi với nhân dân. Tôi đề nghị các đồng chí từ Trung ương đến cơ sở có mặt tại hội nghị hôm nay phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và nhân dân, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo với quyết tâm cao nhất để hoàn thành sớm việc tinh gọn tổ chức, bộ máy hệ thống chính trị; góp phần tăng tốc, bứt phá vượt các mục tiêu, nhiệm vụ của năm 2024, 2025 và cả nhiệm kỳ Đại hội XIII; chuẩn bị thật tốt đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng”.
Tổng Bí thư Tô Lâm: "Những công việc chúng ta làm hôm nay, sẽ quyết định tương lai".
Với những thành công tại kỳ họp bất thường vừa rồi, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chia sẻ: Các dự thảo luật trình Quốc hội kỳ này có nhiều vấn đề mới, đúng và trúng, ngắn gọn, dễ hiểu, theo đúng tinh thần đổi mới tư duy xây dựng pháp luật từ Kỳ họp thứ 8 của Quốc hội khóa XV; khẳng định quyết sách kịp thời, tất yếu khách quan, đúng đắn, tầm nhìn xa, cơ sở thuyết phục của Đảng, Nhà nước; đã bắt được đúng mạch, không chần chừ, do dự để khẩn trương khắc phục những tồn tại, vướng mắc, những điểm nghẽn làm chậm sự phát triển của đất nước. “Thời điểm lịch sử trọng đại của dân tộc thì phải có những quyết định lịch sử, đột phá cho sự phát triển của đất nước” – Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá.
Câu hỏi đặt ra là: Vì sao cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy lần này diễn ra khẩn trương, quyết liệt với các mốc thời gian, tiến độ phải hoàn thành, dự kiến hoàn thành nhanh như vậy?
Chúng tôi thấy rằng, đây là cách triển khai mới, khác với những cách làm trước đây. Nghị quyết số 18 ngày 25/10/2017 ghi rõ: “Tiếp tục nghiên cứu làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn về phạm vi quản lý đa ngành, đa lĩnh vực của một số bộ, ngành, nhất là những bộ, ngành có chức năng, nhiệm vụ tương đồng, trùng lắp để có giải pháp phù hợp”... Tuy nhiên, Nghị quyết 18 chưa ấn định thời gian thực hiện cụ thể và mới chỉ thí điểm sáp nhập tại một số địa phương, lĩnh vực. Nay, việc thực hiện không còn là “nghiên cứu, thí điểm, từng bước” mà ấn định các mốc thời gian, tiến độ rất rõ ràng, phạm vi bao quát, đồng bộ.
Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, Hội nghị Trung ương Đảng khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 56-NQ/TW ngày 25/11/2024, xác định quyết tâm chính trị cao nhất trong triển khai tổng kết Nghị quyết 18; giao Bộ Chính trị, Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết Nghị quyết 18 xem xét, quyết định sắp xếp theo thẩm quyền đối với những cơ quan, tổ chức đã có phương án chuẩn bị kỹ lưỡng. Ngay sau đó, ngày 1/12/2024, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18, tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt về thể chế. Trước yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ phát triển mới, đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, Bộ Chính trị xác định, việc tổng kết Nghị quyết 18 và sắp xếp, hoàn thiện tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, là cuộc “cách mạng” về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, cần thống nhất rất cao về nhận thức và hành động.
Ngày 5/12/2024, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng thay mặt Ban Chỉ đạo Trung ương ký công văn về triển khai nhiệm vụ tổng kết Nghị quyết 18. Theo đó, tiến độ thực hiện được đề ra rất khẩn trương. Theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo Trung ương, các bộ, ngành có trách nhiệm xây dựng báo cáo tổng kết và gửi về Ban Chỉ đạo Trung ương trước ngày 31/12/2024. Bộ Nội vụ chủ động xây dựng báo cáo của Ban Cán sự đảng Chính phủ trên cơ sở Báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW và cập nhật kết quả của 7 năm thực hiện. Sau khi nhận được báo cáo của các bộ, ngành, Bộ Nội vụ tổng hợp, rà soát và hoàn thiện báo cáo, trình Ban Cán sự đảng Chính phủ để gửi Ban Chỉ đạo Trung ương vào ngày 31/12/2024. Những công việc này đã được thực hiện khẩn trương để tổ chức Hội nghị Trung ương và kỳ họp Quốc hội bất thường (tháng 2/2025).
Tại sao cần đề ra mốc thời gian thực hiện với tiến độ khẩn trương như vậy? Thực tế cho thấy, trong công tác sắp xếp bộ máy, nếu không rõ ràng về tiến độ, mốc thời gian thì các cấp, các ngành dễ kéo dài. Trong khi chúng ta đã có 7 năm để nghiên cứu, đánh giá, kể từ khi Nghị quyết 18 của Trung ương Khóa XII được ban hành năm 2017. Đó đã là một quá trình dài, giờ là lúc không thể để chậm trễ thêm. Đặc biệt, năm 2025 sẽ diễn ra đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV, điều này đòi hỏi việc sắp xếp bộ máy phải hoàn thành trước để việc đại hội thuận tiện, nhất là liên quan công tác nhân sự.
Chúng ta thấy rằng, dù chính sách tinh gọn bộ máy là công việc rất khó, đụng chạm đến lợi ích của nhiều người, nhiều nhóm khác nhau song dư luận xã hội rất đồng thuận và ủng hộ Đảng, Nhà nước quyết tâm thực hiện. Theo dõi mạng xã hội, chúng ta nhận thấy rõ sự đồng thuận này, từ các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, cơ quan quản lý, từ công, nông, trí thức, các bậc lão thành cách mạng đến thế hệ trẻ, hầu hết đều tích cực hưởng ứng cuộc “cách mạng” lớn trong cải cách bộ máy...
Có được điều đó là do cách làm bài bản, khoa học dưới sự chỉ đạo mạnh mẽ, quyết liệt của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là Tổng Bí thư Tô Lâm. Tổng Bí thư đã có các bài viết, bài phát biểu quan trọng định hướng, chỉ đạo việc thực hiện một cách rốt ráo, đề ra các lộ trình cụ thể, đảm bảo tính khoa học, bài bản, tập trung, tạo sự nhất quán “trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt”.
Đăng Trường
Nguồn CAND : https://cand.com.vn/van-de-hom-nay-thoi-su/cuoc-cach-mang-cham-tre-la-co-loi-voi-nhan-dan-i759799/