Tiếp tục Kỳ họp thứ Chín, chiều nay, 8/5, Quốc hội thảo luận tại tổ về: dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân và dự án Luật Thanh tra (sửa đổi).
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tham gia phiên thảo luận tại Tổ 13. Ảnh: Lâm Hiển
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tham gia phiên họp tại Tổ 13 (gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh Bắc Ninh, Hậu Giang, Đắk Lắk và Lào Cai).
Hệ thống thanh tra như vậy là cực kỳ tối giản rồi
Các đại biểu Quốc hội đánh giá cao việc sửa đổi 3 Luật về Tổ chức Tòa án nhân dân, Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân và Luật Thanh tra.
Vừa qua, chúng ta đã sửa đổi các luật về tổ chức bộ máy của hệ thống cơ quan hành pháp, của cơ quan lập pháp và đây là bước tiếp theo để hoàn thiện bộ máy của các cơ quan tư pháp, cơ quan thanh tra.
"Đây là bước đi hết sức cần thiết, hoàn tất về mặt thể chế, bảo đảm cho việc thực hiện cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy để bước vào kỷ nguyên mới", ĐBQH Ngô Trung Thành (Đắk Lắk) nhấn mạnh.
Chỉ ra điểm rất mới của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) là thành lập Tòa án khu vực, đại biểu nêu rõ, đây là chủ trương đã được đề ra từ Nghị quyết số 49 năm 2005 của Bộ Chính trị.
Quang cảnh phiên thảo luận tại Tổ 13. Ảnh: Lâm Hiển
"Như vậy, sau 20 năm chúng ta mới hiện thực hóa được chủ trương này. Đây là sự nỗ lực rất cao của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các cơ quan trong nhiệm kỳ này để hoàn tất công cuộc cải cách tổ chức bộ máy nhà nước", đại biểu Ngô Trung Thành nhấn mạnh.
Tập trung góp ý kiến đối với dự án Luật Thanh tra (sửa đổi), đại biểu Ngô Trung Thành đánh giá, đây là cuộc cách mạng đối với hệ thống thanh tra. Bởi lẽ, ngoài Thanh tra Chính phủ ra thì hiện nay chúng ta có thanh tra ở các bộ, thanh tra ở một số đơn vị thuộc bộ. Bên cạnh đó còn có các cơ quan được giao chức năng thanh tra chuyên ngành, rồi hệ thống các cơ quan thanh tra ở địa phương.
Bây giờ thu gọn chỉ còn Thanh tra Chính phủ và thanh tra đặc thù của bộ (Thanh tra Bộ Quốc phòng, Thanh tra Bộ Công an và Thanh tra Ngân hàng Nhà nước) và một số cơ quan thực hiện chức năng thanh tra theo quy định của Điều ước quốc tế.
ĐBQH Nguyễn Thi Thu Nguyệt (Đắk Lắk) phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: Lâm Hiển
"Như vậy, các cơ quan thanh tra khác là không còn nữa. Thanh tra ở địa phương thì chỉ còn thanh tra tỉnh. Hệ thống thanh tra như vậy là cực kỳ tối giản rồi. Đây là cuộc cách mạng rất lớn của hệ thống thanh tra".
Nhấn mạnh như vậy, đại biểu Ngô Trung Thành cũng đặt vấn đề: một hệ thống tối giản như vậy rồi thì làm thế nào để bảo đảm sự vận hành của cơ quan thanh tra, bảo đảm bao quát đối tượng thanh tra và bảo đảm hiệu quả của quản lý nhà nước. "Đây là vấn đề phải tính toán".
Trên tinh thần đó, đại biểu Ngô Trung Thành đề nghị cần phải làm rõ một số vấn đề:
Một là, hoạt động thanh tra có hai loại: thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành. Bây giờ, không phân định hai hoạt động này thì cơ quan thanh tra sẽ thực hiện cả hai hoạt động.
Khi chuyển toàn bộ hoạt động thanh tra chuyên ngành của các bộ, ngành thì vai trò, trách nhiệm của Thanh tra Chính phủ và các cơ quan thanh tra là rất lớn.
ĐBQH Ngô Trung Thành (Đắk Lắk) phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: Lâm Hiển
Làm thế nào để bao quát tất cả các hoạt động trước đây phải thanh tra để bảo đảm hoạt động quản lý nhà nước được hiệu quả? Chúng ta chuyển một phần hoạt động thanh tra sang cơ quan thanh tra, nhưng phần cơ bản là chuyển thành kiểm tra chuyên ngành.
"Điều quan trọng nhất ở đây là phân định giữa trách nhiệm, phạm vi thanh tra với trách nhiệm, phạm vi kiểm tra chuyên ngành như thế nào? Nếu không phân định được thì không rõ trách nhiệm".
Nhấn mạnh như vậy, đại biểu Ngô Trung Thành nêu ví dụ, Thanh tra Chính phủ sẽ có trách nhiệm thanh tra toàn bộ đối với việc thực hiện chính sách, pháp luật, việc chấp hành chính sách, pháp luật trong các lĩnh vực mà ở các bộ, ngành không có thanh tra.
Như vậy, trách nhiệm của Thanh tra Chính phủ là thanh tra hết. Còn các bộ có trách nhiệm bộ nào kiểm tra bộ đấy.
"Nếu xảy ra những vi phạm trong cơ quan đó thì trách nhiệm Thanh tra Chính phủ đến đâu, trách nhiệm của các bộ, ngành đến đâu? Cơ quan soạn thảo phải có nghiên cứu, làm rõ.
Nếu không làm rõ được thì sau này có vấn đề gì xảy ra rất khó xác định trách nhiệm, khi không rành mạch trách nhiệm thì hiệu quả quản lý nhà nước cũng sẽ khó khăn", đại biểu Ngô Trung Thành chỉ rõ.
Mặt khác, hoạt động thanh tra, đặc biệt là thanh tra chuyên ngành thì hiện nay có quy trình, thủ tục rất chặt chẽ, hết sức bài bản, phải xây dựng kế hoạch, tổ chức đoàn như thế nào cũng phải rất chặt chẽ để bảo đảm cuộc thanh tra khách quan, chính xác. Thế nhưng, quy trình, quy định, thể chế liên quan đến hoạt động kiểm tra thì hiện chúng ta đang rất thiếu vắng.
Do đó, đại biểu Ngô Trung Thành đề nghị Chính phủ sớm nghiên cứu để có quy định hoặc luật về hoạt động kiểm tra chuyên ngành hoặc Chính phủ phải ban hành các văn bản, nghị định quy định về hoạt động kiểm tra.
"Khi thay hoạt động thanh tra trước đây bằng kiểm tra chuyên ngành mà quy trình, thủ tục không có thì rất nguy hiểm, sẽ ảnh hưởng đến các đối tượng kiểm tra, không khéo lại thành trăm hoa đua nở, mỗi cơ quan bộ ngành theo một quy trình riêng thì sẽ không bảo đảm tính thống nhất".
Thời hạn trong quy trình, thủ tục thanh tra sẽ tăng gần 30%
Hai là, việc thay đổi thời hạn trong quy trình thanh tra, theo đại biểu Ngô Trung Thành "tuy là nhỏ, nhưng lại tác động lớn". Cụ thể, dự thảo Luật thay đổi thời hạn trong quy trình, thủ tục từ "ngày" thành "ngày làm việc".
Ví dụ, theo quy trình, một cuộc thanh tra của Thanh tra Chính phủ hiện có thời hạn là 60 ngày. Nếu đổi thành "ngày làm việc" thì thời hạn sẽ là 77 ngày, tăng thêm 17 ngày. Quy định về gia hạn cũng tương tự như vậy.
Cho biết với quy định trên sẽ tăng khoảng gần 30%, đại biểu lưu ý, con số này rất đặc biệt vì hiện nay các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đang quyết liệt chỉ đạo cắt giảm 30% các thủ tục, mới đây nhất chúng ta có Nghị quyết số 68 về phát triển kinh tế tư nhân cũng đặt yêu cầu cắt giảm 30% thời gian xử lý thủ tục hành chính, 30 % trăm chi phí tuân thủ, 30% điều kiện kinh doanh.
"Quy định của dự thảo Luật dường như lại ngược chiều. Do vậy, tôi đề nghị trong bối cảnh hiện nay, chúng ta không giảm được thì cũng cố gắng giữ như quy định hiện hành chứ không nên tăng thêm thời gian của các quy trình, thủ tục thanh tra", đại biểu Ngô Trung Thành đề nghị.
ĐBQH Nguyễn Thị Lan Anh (Lào Cai) phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: Lâm Hiển
Cùng với đó, đại biểu cũng đề nghị cần tiếp tục rà soát, nghiên cứu, xử lý vấn đề chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra và kiểm tra chuyên ngành.
Nghiêm cấm hành vi thay đổi, làm sai lệch tài liệu nhằm che giấu vi phạm
Khoản 6 Điều 6 dự thảo Luật mới chỉ dừng lại ở việc nghiêm cấm hành vi không cung cấp, cung cấp không kịp thời, không đầy đủ, không trung thực, thiếu chính xác, chiếm đoạt, tiêu hủy tài liệu.
Tuy nhiên, theo ĐBQH Nguyễn Thị Lan Anh (Lào Cai), thực tiễn cho thấy rất nhiều đối tượng không chỉ tiêu hủy mà còn có hành vi thay đổi, làm sai lệch tài liệu nhằm che giấu vi phạm.
"Đây là hành vi tinh vi, gây khó khăn lớn cho đoàn kiểm tra, làm sai lệch bản chất vụ việc". Do vậy, đại biểu kiến nghị bổ sung "thay đổi, làm sai lệch tài liệu, vật chứng" để hoàn thiện quy định, đảm bảo phù hợ pvới thực tiễn.
ĐBQH Trần Thị Vân (Bắc Ninh) phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: Lâm Hiển
Về chức năng của thanh tra tỉnh tại Điều 15, đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh lưu ý, dự thảo Luật chưa đề cập đến chức năng phòng, chống lãng phí, trong khi đây là một trong những ba trọng tâm công tác kiểm tra, giám sát cùng với phòng, chống tham nhũng và tiêu cực.
"Thiếu cụm từ này (phòng, chống lãng phí - PV) dẫn đến sự không đồng bộ giữa Luật Thanh tra và các luật chuyên ngành như Luật Thực hành tiết tiết kiệm, chống lãng phí". Do vậy, đại biểu đề nghị bổ sung cụm từ phòng, chống lãng phí, tiêu cực phù hợp với điều chỉnh và tạo sự thống nhất trong hệ thống pháp luật.
Cùng quan điểm trên, ĐBQH Trần Thị Vân (Bắc Ninh) chỉ rõ, ngoài việc Thanh tra tỉnh là cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, gíup UBND cấp tỉnh quản lý nhà nước về công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thì đề nghị bổ sung thêm "lãng phí" và phòng, chống lãng phí trong chức năng của Thanh tra tỉnh.
Các đại biểu Quốc hội cũng băn khoăn với quy định về việc ban hành các kế hoạch để tổ chức thực hiện thanh tra và quy định về trách nhiệm phối hợp trong hoạt động thanh tra, Kiểm toán nhà nước và điều tra. Một số ý kiến cho rằng, cách thức tổ chức thực hiện xây dựng kế hoạch "đang có những điểm chưa được thật sự rõ ràng" và sẽ dễ dẫn đến câu chuyện chồng chéo, chồng lấn.
Quỳnh Chi