Cuộc 'cách mạng' về tinh gọn tổ chức bộ máy

Cuộc 'cách mạng' về tinh gọn tổ chức bộ máy
6 giờ trướcBài gốc
Kể từ khi bắt đầu tiến hành công cuộc Đổi mới năm 1986 và đặc biệt là từ Đại hội VII đến nay, Đảng ta luôn chú trọng xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả với rất nhiều nghị quyết, kết luận đã được Trung ương, Bộ Chính trị ban hành. Thành quả lớn nhất, như Tổng Bí thư Tô Lâm, trong bài viết "Tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả", đã khẳng định: "Những đổi mới về thể chế, trọng tâm là đổi mới công tác tổ chức bộ máy hệ thống chính trị là một trong những điều kiện cơ bản, quyết định đạt được những thành tựu vĩ đại sau 40 năm đổi mới đất nước".
Dù thế, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương đến nay vẫn cho thấy sự cồng kềnh, nhiều tầng nấc, nhiều đầu mối và hiệu lực, hiệu quả hoạt động chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ, từ đó gây ra những hệ lụy đối với sự phát triển của đất nước.
Tổng Bí thư Tô Lâm với các cán bộ, học viên lớp Bồi dưỡng
Trên diễn đàn của Quốc hội, nhất là các phiên họp về kinh tế - xã hội, câu chuyện “nóng” nhất từ nhiều năm qua có lẽ vẫn là những hạn chế, chậm trễ trong tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật; là tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, sợ sai, không dám quyết, không dám làm của một bộ phận cán bộ… khiến chủ trương, chính sách, pháp luật dù đúng đắn, được quyết sách kịp thời nhưng vẫn chậm hoặc khó đi vào cuộc sống. Thậm chí, ngay cả những quyết sách đặc biệt được Trung ương, Quốc hội bàn thảo và quyết định hết sức khẩn trương nhằm đáp ứng yêu cầu cấp bách của cuộc sống như các chính sách hỗ trợ phục hồi kinh tế - xã hội sau đại dịch Covid-19 vừa qua thì việc triển khai thực hiện cũng rất chậm, hiệu quả hạn chế so với yêu cầu, mục tiêu khi ban hành chính sách.
Hay trong công tác lập pháp, dù Quốc hội, Chính phủ đều liên tục đốc thúc, kiểm soát chặt chẽ câu chuyện bảo đảm tính thống nhất, tính khả thi, tính công khai, minh bạch, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực thi trong xây dựng pháp luật, nhưng hầu hết các dự luật khi trình sang Quốc hội đều còn tình trạng mâu thuẫn, chồng lấn, trùng lặp với các luật khác. Thậm chí, có những dự luật khiến Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cũng “không hiểu được tính thống nhất của hệ thống pháp luật này phải xử lý như thế nào”. Không hiếm những đạo luật đã được "lọc" rất tốt từ Quốc hội, nhưng khi hướng dẫn thi hành lại được các bộ, ngành, địa phương "đẻ" thêm những thủ tục, những quy định gây khó cho người dân, doanh nghiệp. Căn nguyên sâu xa của những chồng lấn, trùng lặp, mâu thuẫn hay "đẻ" thêm các quy định đó, suy cho cùng vẫn là lợi ích, đó có thể chỉ đơn thuần là mong muốn tạo thuận lợi hơn cho ngành, lĩnh vực mình quản lý, nhưng cũng có thể là những tiêu cực, lợi ích nhóm được cố tình cài cắm.
Tổng Bí thư Tô Lâm, trong bài viết nêu trên, đã phân tích biện chứng, chỉ ra những hệ lụy nghiêm trọng của những tồn tại, hạn chế, sự chậm chạp, thiếu quyết liệt trong thực hiện chủ trương đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị đối với sự phát triển của đất nước. Qua đó, Tổng Bí thư đã đặc biệt yêu cầu “cần khẩn trương thực hiện cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị” với 3 nhóm công tác trọng tâm. Trong đó, nhiệm vụ đầu tiên được đề cập là, xây dựng và tổ chức thực hiện trong toàn hệ thống chính trị mô hình tổng thể tổ chức bộ máy hệ thống chính trị Việt Nam đáp ứng những yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới. Đây là nhiệm vụ vô cùng hệ trọng, có ý nghĩa cách mạng để nâng cao hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cả hệ thống chính trị trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Nhưng chắc chắn cũng sẽ là nhiệm vụ vô cùng khó khăn, phức tạp.
Và như vậy, trước mắt, phải tập trung thực hiện quyết liệt các chủ trương của Đảng về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Như Tổng Bí thư đã chỉ rõ, công cuộc này "đòi hỏi sự đoàn kết, thống nhất, dũng cảm, sự hy sinh của từng cán bộ, đảng viên cùng với quyết tâm rất cao của toàn Đảng, cả hệ thống chính trị, trước hết là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp".
Điều đặc biệt quan trọng là phải “nói đi đôi với làm” hơn nữa, đề cao trách nhiệm nêu gương, làm gương của người đứng đầu hơn nữa. Chủ trương đã được Trung ương thống nhất, quán triệt phải được triển khai nghiêm túc, quyết liệt ở từng cơ quan, đơn vị, tổ chức đảng và đến từng cán bộ, đảng viên. Nếu cấp ủy nào, tổ chức đảng nào, tập thể lãnh đạo, người đứng đầu ở cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương nào còn chưa nhận thức đầy đủ, chưa sâu sắc, quyết tâm còn chưa cao, hành động còn chưa quyết liệt trong cuộc cách mạng này thì phải xem đó là một tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ.
Quỳnh Chi
Nguồn Đại Biểu Nhân Dân : https://daibieunhandan.vn/cuoc-cach-mang-ve-tinh-gon-to-chuc-bo-may-post395614.html