Cuộc 'chạy đua' tìm lớp học thêm cho con

Cuộc 'chạy đua' tìm lớp học thêm cho con
6 giờ trướcBài gốc
Nhà có “sĩ tử” mới vào lớp 1 được vài tuần nhưng chị U. (trú tại phường Đông Vệ, TP Thanh Hóa) đã phải chạy đôn, chạy đáo tìm nơi học thêm cho con, chỉ mong con mình đọc thông – viết thạo: “Ban đầu cứ nghĩ con lên lớp 1 sẽ được các thầy cô cầm bút chỉ tay nắn nót từng con chữ nhưng khi con vào học rồi mới thấy hầu hết các bạn trong lớp con tôi đều đã biết mặt chữ và những con số, ghép vần trơn tru vì được gia đình cho đi học từ khi 5 tuổi. Thấy con liên tục bị cô giáo chủ nhiệm nhắn tin cho bố mẹ về tình hình học “yếu” của cháu, tôi vô cùng lo lắng. Đồng nghiệp mách nước phải tìm chỗ cho con đi học ngay nếu không muốn con tụt lại phía sau so với bạn bè trong lớp. Tuy vậy, để tìm được một lớp học thêm còn đủ chỗ cho con vào học lại là một điều nan giải bởi hầu hết lớp học đã “full chỗ”. Quả thật, chứng kiến cuộc “chạy đua” tìm lớp cho con, tôi mới thấy khốc liệt như thế nào”. Chị U chia sẻ.
Thông tin một lớp đệm tiền tiểu học được mời chào trên MXH. Ảnh chụp màn hình
Nếu như ngày trước chỉ cần “tốt nghiệp” hệ mầm non là các con lên lớp 1, thì ngày nay vừa hết tuổi mầm, nhiều em đã phải tạm gác lại kỳ nghỉ hè để theo học “lớp đệm”. Con trai chị P (trú tại phường Điện Biên, TP Thanh Hóa) giờ đây đã tự tin bước vào lớp 1 với tâm thế đọc thông, viết thạo “bằng chúng, bằng bạn”: “Theo kinh nghiệm của các mẹ đi trước truyền lại, tháng 5, tôi đã đăng ký cho con theo học “lớp đệm” tiền tiểu học để khi con vào lớp 1 không bị “bạn bè bỏ lại phía sau”. Với mức giá dao động 80-100 nghìn đồng/buổi, tùy số lượng học viên từng lớp. Đối với học kèm 1-1 tại nhà riêng, số tiền có thể tăng lên gấp đôi, gấp ba. Tuy có nhiều sự lựa chọn nhưng phụ huynh mà để sát nút mới đăng ký cho con học thì sẽ không còn chỗ. Theo tôi nghĩ, việc cho con học trước kiến thức như tạo một bước đệm vững chắc cho con tự tin bước vào lớp 1, vì con đã được trang bị các kỹ năng cần thiết nhất. Ngoài việc tập đọc, tập viết, học cộng trừ, các con còn được luyện giọng sao cho khỏi ngọng...”.
Một lò luyện chữ cho các “sĩ tử” chuẩn bị vào lớp 1. Ảnh minh họa
Không chỉ lớp luyện chữ, luyện đọc cho học sinh lớp 1, các lớp học thêm cho học sinh khối lớp 5, lớp 9 cũng “nóng” hơn bao giờ hết. Những điểm học thêm luôn tấp nập bởi hàng chục học sinh đua nhau đến học. Cha mẹ nào cũng muốn cùng con nỗ lực hết sức để có trong tay “tấm vé” vào trường chuyên, lớp chọn, đại học top đầu. Em Y học sinh Trường THPT Đào Duy Từ cho biết: “Giờ không đi học thêm, luyện thi thì sợ không theo kịp bạn bè, không đỗ được vào trường đại học top đầu thì bố mẹ em sẽ buồn lòng. Vì vậy, áp lực học tập của em lại nhân đôi, em luôn trong trạng thái quay cuồng với lịch học dày đặc của các lớp học thêm dù kỳ thi còn khá xa”.
Áp lực điểm số, thành tích đè nặng lên học sinh.
Những đứa trẻ đang “tuổi ăn, tuổi chơi” giờ phải gồng gánh sự kỳ vọng của cha mẹ. Gồng mình trong những lò luyện thi trường chuyên, trường điểm; lò luyện chữ đẹp, luyện đánh vần... các em dường như đang kiệt sức. Liệu có phải sự nôn nóng, lo lắng thái quá và tâm lý chạy theo số đông của các bậc làm cha, làm mẹ đã vô tình biến tuổi học trò của con mình thêm vất vả, suốt ngày chỉ vùi đầu trong sách vở. Rõ ràng, việc “nhồi nhét” kiến thức cho con trẻ quá sớm, quá nhiều có thể gây ra nhiều vấn đề và có thể sẽ là phản tác dụng, không mang lại hiệu quả. Cha mẹ đang đặt quá nhiều kỳ vọng, áp lực lên đôi vai nhỏ bé của những đứa trẻ mà ít dành thời gian trò chuyện tâm sự cùng con để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và mong muốn của con.
Cô Q. giáo viên Trường THCS Lê Lợi (TP Thanh Hóa) cho rằng: “Cha mẹ nên cho con học vừa với khả năng để bảo đảm sức khỏe; lịch học quá dày đặc cũng sẽ phản tác dụng khiến con trẻ cảm thấy áp lực dẫn đến mệt mỏi, chán nản. Thay vào đó nên ủng hộ con tham gia các hoạt động ngoại khóa, rèn luyện kỹ năng bảo vệ bản thân, cho trẻ được phát triển một cách toàn diện”.
Phú Lan
Nguồn Thanh Hóa : https://vhds.baothanhhoa.vn/cuoc-chay-dua-tim-lop-hoc-them-cho-con-33128.htm