10 năm trước, OPEC từng mở cuộc chiến giá nhằm hạ gục các nhà sản xuất dầu đá phiến Mỹ nhưng thất bại, khi công nghệ khai thác hiện đại giúp các công ty Mỹ giảm chi phí và cạnh tranh ở mức giá thấp. Kết quả là thị phần của Mỹ không ngừng tăng lên trong thập kỷ qua, theo Reuters.
Tuy nhiên, tình thế hiện tại có nhiều thay đổi. Các nhà sản xuất dầu đá phiến Mỹ đang chịu sức ép lớn khi chi phí khai thác tăng trong ba năm qua, trong khi doanh thu sụt giảm do giá dầu toàn cầu đi xuống – một phần xuất phát từ tác động của các chính sách thuế dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump.
Theo nguồn tin của Reuters, việc giành lại thị phần là một trong những động lực khiến OPEC+ quyết định tăng sản lượng nhanh hơn dự kiến từ ngày 3/5. Tuy vậy, hiện chưa có dấu hiệu cho thấy đây là một cuộc chiến giá toàn diện.
Để gây tổn thất cho dầu đá phiến Mỹ, OPEC+ cần kéo giá dầu từ mức khoảng 65 USD/thùng hiện nay xuống dưới 60 USD, thậm chí dưới 55 USD – theo các nguồn tin giấu tên. Một người trong ngành chia sẻ: “Chiến lược là tạo sự bất định cho các đối thủ khi giá giảm dưới 60 USD/thùng.”
OPEC+ cho biết họ tăng sản lượng dựa trên nền tảng thị trường đang ổn định và tồn kho dầu thấp. Tuy nhiên, quyết định này cũng đến trong bối cảnh những khu vực có trữ lượng dầu chất lượng cao nhất tại mỏ Permian (Mỹ) – trung tâm dầu đá phiến lớn nhất – đang dần cạn kiệt. Khi phải chuyển sang các khu vực thứ cấp, chi phí sản xuất leo thang, cộng thêm lạm phát khiến gánh nặng chi phí càng lớn hơn.
Theo khảo sát của Cục Dự trữ Liên bang Dallas trong quý I/2025, các nhà sản xuất dầu đá phiến tại Texas, New Mexico và Louisiana cần mức giá trung bình 65 USD/thùng mới có thể có lãi. Trong khi đó, chi phí sản xuất của Saudi Arabia chỉ khoảng 3–5 USD/thùng và Nga là 10–20 USD/thùng.
“Nhà sản xuất cuối cùng trụ lại”
Từng chiếm hơn một nửa sản lượng dầu toàn cầu, nhưng hiện thị phần của OPEC đã giảm từ 40% (10 năm trước) xuống dưới 25%, trong khi thị phần của Mỹ tăng từ 14% lên 20%. Cộng thêm các đồng minh ngoài khối như Nga và Kazakhstan, OPEC+ hiện chiếm khoảng 48% sản lượng dầu thế giới.
Sau nhiều năm cắt giảm sản lượng để hỗ trợ giá trong khi Mỹ liên tục tăng khai thác, OPEC+ giờ đây quay lại chiến lược bơm thêm dầu. “Đã đến lúc lấy lại thị phần đã mất,” một nguồn tin OPEC+ nói với Reuters.
Arab Saudi tin rằng chi phí sản xuất thấp sẽ giúp họ trở thành “người trụ lại cuối cùng” nếu cạnh tranh gay gắt xảy ra. Trong khi đó, Nga dần ủng hộ chiến lược của Arab Saudi – không chỉ để xử lý các thành viên OPEC+ như Iraq và Kazakhstan vi phạm hạn ngạch, mà còn gây sức ép lên các đối thủ như ngành dầu đá phiến Mỹ.
Một quan chức cấp cao Nga nhận định: “Sự mất cân bằng lớn nhất trên thị trường dầu mỏ đến từ việc dầu đá phiến Mỹ tăng trưởng quá nhanh.” Vị này cho rằng mức giá dưới 60 USD/thùng – trùng với mức trần mà G7 áp lên dầu Nga – có thể giúp Moscow dễ dàng xuất khẩu hơn.
Tác động lan rộng
Giá dầu Brent vốn dao động quanh mức 70–80 USD/thùng trong năm ngoái, đã giảm xuống gần 58 USD/thùng vào tháng 4 do OPEC+ tăng sản lượng và lo ngại kinh tế toàn cầu suy yếu.
Linhua Guan – CEO của Surge Energy America, một trong những nhà sản xuất dầu tư nhân lớn nhất tại Mỹ – nhận định: “Thời điểm này cực kỳ bất lợi cho các công ty Mỹ. Những khu vực có tiềm năng cao nhất đã bị khai thác gần hết, và môi trường thị trường biến động cùng chính sách thuế khiến làn sóng phá sản trở nên khó tránh.”
Thị phần sản lượng dầu thô của các nước của năm 2014 và 2024 (Nguồn: Reuters, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ)
Ông cho biết việc OPEC+ tăng sản lượng đang trực tiếp làm suy giảm thị phần của dầu đá phiến Mỹ. Theo dữ liệu từ Baker Hughes, số lượng giàn khoan dầu khí tại Mỹ đầu tháng này đã xuống mức thấp nhất kể từ tháng 1.
Hãng Diamondback Energy đã hạ dự báo sản lượng cho năm 2025, do sự bất định kinh tế toàn cầu và áp lực từ nguồn cung OPEC+. Còn ConocoPhillips cảnh báo giá dầu dao động quanh 50 USD/thùng có thể khiến cả các công ty lớn cũng phải cắt giảm hoạt động.
Tuy nhiên, cuộc chiến giá dầu luôn mang lại tổn thất cho tất cả các bên.
Giá dầu giảm giá buộc các công ty phải cắt đầu tư, giảm nhân sự và chia cổ tức thấp hơn. Đồng thời, nhiều quốc gia phụ thuộc vào nguồn thu từ dầu cũng gặp khủng hoảng ngân sách.
Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Nga cần giá dầu trên 77 USD/thùng để cân bằng ngân sách, còn Arab Saudi cần trên 90 USD.
Dù OPEC+ không đặt ra mục tiêu giá chính thức, các nước thành viên thường xuyên thảo luận nội bộ về mức giá mong muốn và tác động đến kinh tế toàn cầu.
Theo các nguồn tin, Arab Saudi đã chuẩn bị tâm thế sẵn sàng “chịu đau” – họ chấp nhận giai đoạn giá dầu 60 USD/thùng, dù có thể phải vay thêm để bù đắp ngân sách.
Hội thảo Khoa học ‘Kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế’ do Hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam chủ trì, Tạp chí Điện tử Doanh nhân Việt Nam tổ chức. Hội thảo khoa học sẽ diễn ra vào lúc 8h00 ngày 26/05/2025, tại Khách sạn Thắng Lợi, 200 Yên Phụ, TP Hà Nội.
Hội thảo có sự hiện diện và tham gia thảo luận của đại diện một số cơ quan Đảng, bộ, ngành, các chuyên gia kinh tế đầu ngành, đại diện Hội và hiệp hội, đại diện ngân hàng, doanh nhân tư nhân…
Bên cạnh các bài tham luận riêng từ đại diện cơ quan Đảng, các chuyên gia và đại diện hiệp hội, … Hội thảo cũng tập trung thảo luận các nhóm vấn đề chính như cơ hội, tiềm năng, thách thức của kinh tế tư nhân trong sứ mệnh một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế, cũng như việc thể chế hóa đầy đủ và khoa học Nghị quyết 68/NQ-TW vào thực tiễn trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
H.Mỹ