Người dân cần làm gì sau khi bị lừa đảo trực tuyến.
Tăng cường phát hiện, xử lý nghiêm
Theo PA05 Công an tỉnh, các đối tượng lừa đảo sử dụng nhiều hình thức khác nhau, nhắm đến mọi khía cạnh đời sống xã hội của người dân, với mỗi phương thức, các đối tượng đều xây dựng nhiều kịch bản tiếp cận khác nhau. Trước thực tế đó, sự vào cuộc của cơ quan công an và tinh thần cảnh giác của người dân là rất cần thiết.
Thời gian qua, lực lượng công an các đơn vị, địa phương đã triển khai nhiều giải pháp đấu tranh, ngăn chặn, kịp thời giữ lại tài sản cho các nạn nhân. Để đấu tranh với tội phạm trên không gian mạng, không chỉ công an trên địa bàn tỉnh mà lực lượng công an các tỉnh, thành cùng vào cuộc thì mới mang lại hiệu quả.
Như vào cuối tháng 4-2025, Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã triệt phá đường dây lừa đảo trên không gian mạng, bắt đối tượng người Trung Quốc cầm đầu đường dây. Theo điều tra, nhóm đối tượng là người Trung Quốc đã thuê căn nhà tại Thành phố Hồ Chí Minh để làm trụ sở nhằm thực hiện các vụ lừa đảo. Các đối tượng này lập sàn giao dịch thương mại điện tử giả mạo rồi kêu gọi mọi người tham gia. Khi nạn nhân bỏ tiền ra đầu tư thì các đối tượng chặn liên lạc để chiếm đoạt tài sản. Cơ quan công an xác định, cầm đầu là Xing Yannank (37 tuổi, quốc tịch Trung Quốc) cùng các đối tượng khác đã thực hiện chiêu thức lừa đảo từ đầu năm 2025 đến tháng 4-2025 và đã chiếm đoạt 12 tỷ đồng của các nạn nhân.
Tại địa bàn tỉnh Đồng Nai, vào đầu tháng 6-2025, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh triệt phá đường dây lừa đảo qua mạng, bắt 5 đối tượng: Nguyễn Quốc Hùng (41 tuổi), Bùi Thị Thanh Nga (34 tuổi), cả 2 đều quê Thành phố Hà Nội; Hồ Long Trí (45 tuổi, ngụ Thành phố Hồ Chí Minh), Đinh Hữu Hay (34 tuổi, quê tỉnh Bình Định cũ) và Thân Văn Hiệp (43 tuổi, ngụ phường Trảng Dài).
Theo điều tra của cơ quan công an, nhóm đối tượng này đã lập sàn giao dịch tiền ảo trên nền tảng ví điện tử “SafePal” rồi xây dựng mạng lưới các nhà đầu tư với mục đích chiếm đoạt tiền của những người này. Cơ quan công an xác định, các đối tượng đã lôi kéo hàng chục ngàn người tham gia với hơn 138 ngàn tài khoản đăng ký, nạp số tiền 394 triệu USDT (tương đương hơn 10 ngàn tỷ đồng). Trong số đó, các đối tượng đã chiếm đoạt hàng ngàn tỷ đồng của các nhà đầu tư. Vụ án đang được cơ quan công an tiếp tục mở rộng điều tra.
Đẩy mạnh truyền thông đến từng đối tượng
Bên cạnh các hoạt động đấu tranh, phòng ngừa đối với các đường dây tội phạm trên không gian mạng, thời gian qua, công an các đơn vị nghiệp vụ và công an các địa phương, trong đó với vai trò chính, PA05 Công an tỉnh đã chủ động đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền để nâng cao cảnh giác cho người dân; chú trọng đến các phương cách tuyên truyền nhằm đưa thông tin cảnh báo đến người dân một cách hiệu quả nhất.
Đại úy Phan Hoàng Sử, cán bộ Công an phường Trấn Biên, cho biết anh đã có thời gian dài tham gia các hoạt động truyền thông để đấu tranh, phòng ngừa tội phạm lừa đảo trên không gian mạng. Điều mà anh băn khoăn nhất là việc nhận diện thủ đoạn lừa đảo mới mà các đối tượng lừa đảo tung ra để dụ nạn nhân vào bẫy. Thông thường, với những thủ đoạn mới, các nạn nhân sẽ rất khó để nhận diện. Chính vì vậy, để kịp thời phòng ngừa và ngăn chặn các vụ lừa đảo, cơ quan công an phải sớm nắm bắt các thủ đoạn này, trên cơ sở đó kịp thời cảnh báo đến người dân để nắm bắt, tránh tình trạng khi mất tài sản mới nhận ra thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo.
Còn theo đại úy Nguyễn Hữu Linh, cán bộ PA05 Công an tỉnh, để tránh các vụ lừa đảo trên không gian mạng, khi tham gia các hoạt động giao dịch, mua sắm, kết nối... trên không gian mạng, người dân cần phải tìm hiểu kỹ thông tin. Khi lựa chọn mua sắm hàng hóa hoặc các gói dịch vụ trên mạng, người dân nên lựa chọn mua hàng, dịch vụ đặt tour, đặt phòng, đặt vé máy bay... của những công ty uy tín. Để yên tâm hơn, người dân có thể đề nghị phía đối tác cho xem hóa đơn chứng từ, giấy phép hoạt động kinh doanh, giấy tờ, chứng chỉ hành nghề... của công ty lữ hành, du lịch; đề nghị thanh toán sau khi nhận và kiểm tra hàng đối với các giao dịch mua hàng trực tuyến.
Đồng thời, người dân cần chú ý các dấu hiệu nhận biết website giả mạo thông qua tên website và tên miền. Thông thường, tên các website giả mạo sẽ gần giống với tên các website thật nhưng sẽ có thêm hoặc thiếu một số ký tự. Tên miền giả thường sử dụng những ký tự lạ ở phần đuôi như .cc, .xyz, .tk... Đặc biệt, đối với các trang mạng xã hội hoạt động mua bán, quảng bá các gói du lịch, nhất là gói du lịch giá rẻ, vé máy bay giá rẻ, người dân nên chọn các trang mạng xã hội có dấu tick xanh (đã được xác thực), hoặc chọn các trang mạng xã hội uy tín mà mình biết rõ thông tin của người bán.
Cùng trao đổi về vấn đề này, theo một cán bộ lãnh đạo Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, để nâng cao hiệu quả phòng, chống tội phạm công nghệ cao, cần có sự đầu tư mạnh mẽ hơn về hạ tầng kỹ thuật, xây dựng đội ngũ chuyên gia giỏi; đồng thời, đẩy mạnh hợp tác quốc tế và nâng cao nhận thức của người dân trong việc bảo mật thông tin, tránh trở thành nạn nhân hoặc vô tình tiếp tay cho tội phạm mạng.
Danh Trường – Ngọc Huệ