Hệ thống phòng không Samp/T của châu Âu được cho là có thể cạnh tranh với hệ thống Patriot của Mỹ. Ảnh: WSJ.
Hệ thống phòng thủ Patriot của Mỹ từ lâu đã được ca ngợi vì khả năng bắn hạ các máy bay không người lái và tên lửa nguy hiểm, trở thành tiêu chuẩn vàng của quân đội nhiều nước trên thế giới.
Tuy nhiên, một phiên bản mới của vũ khí phòng không châu Âu đang chuẩn bị thách thức vị thế thống trị đó – đồng thời thử nghiệm xem liệu châu Âu có thể thoát khỏi sự phụ thuộc vào vũ khí Mỹ hay không.
Hệ thống Samp/T của châu Âu, do liên doanh Pháp-Italy sản xuất, từ lâu vẫn lu mờ trước Patriot. Trong khi Patriot nhận hàng trăm đơn đặt hàng toàn cầu và thể hiện hiệu quả rõ rệt trên chiến trường, thì Samp/T chỉ giới hạn ở vài nước. Nhưng giờ đây, nhà sản xuất của hệ thống này khẳng định phiên bản thế hệ mới của họ đã sẵn sàng để cạnh tranh sòng phẳng.
Thời điểm ra mắt hệ thống mới cũng trùng với làn sóng củng cố quốc phòng tại châu Âu, trong bối cảnh nhiều quốc gia đặt câu hỏi liệu nên tiếp tục phụ thuộc vào vũ khí Mỹ đến mức nào. Sự ủng hộ có phần thiếu ổn định từ chính quyền Tổng thống Trump dành cho Ukraine càng thúc đẩy châu Âu xem xét lại khả năng tự chủ quốc phòng.
Phòng không đang trở thành ưu tiên số một – minh chứng rõ nhất là trong các cuộc tấn công từ Iran vào Israel và từ Nga vào Ukraine.
Phiên bản mới của Samp/T sẽ đối đầu trực tiếp với Patriot trong thời điểm hệ thống của Mỹ đang gặp nhiều khó khăn hơn ở Ukraine – nơi các tên lửa đạn đạo ngày càng cơ động hơn từ Nga bắt đầu qua mặt radar của Patriot, theo một quan chức Ukraine cho biết.
Tại châu Âu, nhiều nước đang đánh giá lại năng lực phòng không. Đan Mạch – từng bị ông Trump xúc phạm vì đề xuất “mua” Greenland – cho biết sẽ quyết định lựa chọn hệ thống mới trong năm nay. Bỉ, Bồ Đào Nha và Anh cũng đang được dự đoán sẽ nâng cấp phòng thủ sớm.
Khoản tiền đặt cược không chỉ là hàng tỷ USD, mà còn là lòng tự tôn của châu Âu.
Tại Triển lãm hàng không Paris gần đây, chuyên gia Eric Tabacchi chỉ vào radar mới của Samp/T khi nó xoay 1 vòng mỗi giây, quét tới hơn 350 km vào không trung. “Patriot không có gì tương tự như vậy cả”, ông nhấn mạnh.
Eurosam – liên doanh giữa MBDA và Thales Pháp – là đơn vị sản xuất Samp/T.
Từ khi được đưa vào sử dụng năm 2011, Samp/T bản gốc mới chỉ có 18 đơn đặt hàng, từ Pháp, Italy và Singapore. Trong khi đó, Patriot đã có hơn 240 đơn hàng từ 19 quốc gia.
Tại Ukraine, Patriot được ca ngợi vì bắn hạ thành công tên lửa đạn đạo và siêu vượt âm của Nga. Song gần đây, nhiều tên lửa đạn đạo cơ động hơn đã lọt qua radar của Patriot. RTX – nhà thầu chính của Patriot – cho biết hệ thống này vẫn đang được nâng cấp liên tục theo kinh nghiệm thực chiến.
Trong khi đó, phía Ukraine lại nói rằng Samp/T từ đầu đã gặp khó khăn khi đối đầu với tên lửa đạn đạo. Tuy nhiên, một quan chức quốc phòng Italy khẳng định đã nhận “phản hồi tích cực” từ Kiev về hệ thống này.
Phiên bản Samp/T mới được cho là có nhiều tính năng vượt trội: radar mới quét 360 độ toàn bộ không gian xung quanh, ống phóng thẳng đứng thay vì chéo, giúp phóng tên lửa theo mọi hướng.
MBDA cũng thiết kế lại hoàn toàn tên lửa Aster: mẫu Aster B1NT mới có tầm bắn hơn 145 km – so với chỉ 100 km trước đây.
Cả hai hệ thống Patriot và Samp/T đều bao gồm ba thành phần: radar, trung tâm điều khiển, và bệ phóng tên lửa đánh chặn.
Hệ thống Samp/T mới có thể triển khai chỉ với 15 người – trong khi một đơn vị Patriot thường cần tới 90 binh sĩ Mỹ.
Hệ thống Patriot do Mỹ sản xuất. Ảnh: Getty.
Patriot cũng đang chờ radar thế hệ mới – Lower Tier Air and Missile Defense Sensor – có khả năng quét 360 độ. Tuy nhiên, hệ thống này phải đến năm 2029 mới được triển khai, theo Lầu Năm Góc.
Một yếu tố then chốt nữa chính là nguồn cung tên lửa đánh chặn.
Ukraine hiện đã cạn tên lửa cho hai hệ thống Samp/T của mình. Năm ngoái, việc sản xuất tên lửa Aster chậm đến mức chính phủ Pháp đe dọa quốc hữu hóa toàn bộ quy trình sản xuất. MBDA sau đó cam kết đầu tư hàng tỷ USD để tăng năng suất 50% vào năm 2026 so với 2022.
Tuy nhiên, Patriot cũng không ngoại lệ: nguồn cung tên lửa đánh chặn PAC-3 luôn trong tình trạng khan hiếm. Gần đây, chính quyền Trump quyết định tạm thời giữ lại các tên lửa Patriot để bổ sung kho dự trữ nội địa – đồng thời kêu gọi châu Âu chi tiền mua Patriot cho Ukraine.
Lockheed Martin, đơn vị sản xuất tên lửa Patriot, cho biết họ sắp tăng công suất lên 600 quả/năm.
Nếu nỗ lực phát triển vũ khí nội địa thành công, châu Âu có thể làm suy giảm thị phần của các tập đoàn quốc phòng Mỹ trong khu vực.
Việc NATO nâng ngân sách quốc phòng từ 2% lên 3,5% GDP có thể mang về thêm 330 tỷ USD mỗi năm – chủ yếu dành cho trang thiết bị, theo ước tính của ngân hàng đầu tư Bernstein.
Dù Mỹ thống trị thị trường vũ khí toàn cầu với 43% xuất khẩu – tăng so với mức 35% trước đó – thì các dấu hiệu phản kháng từ châu Âu bắt đầu xuất hiện.
Châu Âu có thể tự sản xuất tàu chiến, tàu ngầm, xe tăng, pháo và trực thăng – nhưng vẫn phụ thuộc nhiều vào Mỹ về tên lửa, UAV tầm xa và máy bay chiến đấu như F-35.
Dù vậy, niềm tin đang lung lay. Rasmus Jarlov, nghị sĩ Đan Mạch, từng kêu gọi mua F-35, nay đã đổi giọng: “Chúng tôi muốn một hệ thống phòng không từ đồng minh ổn định và đáng tin cậy – chứ không phải từ một quốc gia liên tục đe dọa chúng tôi và các đồng minh khác”.
Theo Wall Street Journal
Huyền Chi