Cuộc chiến thuế quan: Căng thẳng ngay từ những ngày đầu của 'kỷ nguyên Trump 2.0'

Cuộc chiến thuế quan: Căng thẳng ngay từ những ngày đầu của 'kỷ nguyên Trump 2.0'
4 giờ trướcBài gốc
Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã công bố quyết định áp thuế 25% đối với 155 tỷ USD hàng hóa xuất khẩu của Mỹ; trong đó, thuế quan đối với hàng hóa trị giá 30 tỷ USD sẽ được áp dụng vào ngày 4/2, và đối với các sản phẩm trị giá 125 tỷ USD khác dự kiến sẽ được áp dụng trong 21 ngày tới, “để các công ty và chuỗi cung ứng của Canada tìm kiếm các giải pháp thay thế”. Theo thông tin từ Chính phủ Canada, các hạn chế sẽ áp dụng đối với xe điện, xe tải, xe buýt, thép, sản phẩm nhôm, một số loại trái cây và rau quả, sản phẩm hàng không vũ trụ, sản phẩm từ sữa, thịt lợn và thịt bò.
Mexico cũng tuyên bố sẽ trả đũa sau động thái thuế quan của Chính quyền Tổng thống Donald Trump, mặc dù thông tin chi tiết về kế hoạch trả đũa vẫn chưa được tiết lộ. Tổng thống Mexico Claudia Sheinbaum chỉ trích thuế quan của ông Trump, đồng thời cho biết bà đã chỉ thị cho Bộ trưởng Bộ Kinh tế nước này “thực hiện Kế hoạch B, bao gồm các biện pháp thuế quan và phi thuế quan để bảo vệ lợi ích của Mexico”.
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Nhà Trắng
Bộ Thương mại Trung Quốc đe dọa sẽ đệ đơn kiện lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng, điều này khó có thể thay đổi lập trường của Tổng thống Donald Trump, vì Mỹ đã ngăn chặn hoạt động của cơ quan có chức năng giải quyết các tranh chấp thương mại của WTO (Hội đồng Phúc thẩm) kể từ nhiệm kỳ của Tổng thống Barack Obama (2009-2017) bằng cách tẩy chay việc xác nhận thẩm phán. Nghĩa là trên thực tế, cơ quan này không hoạt động.
Thuế quan - “con bài” mặc cả của Mỹ
Tổng thống Donald Trump đã sử dụng Đạo luật Quyền hạn Kinh tế Khẩn cấp Quốc tế năm 1977 (IEEPA) để áp mức thuế quan mới, đánh dấu lần đầu tiên luật này được sử dụng để áp thuế đối với các quốc gia. Trên mạng xã hội X, ông Trump nhấn mạnh, các khoản thuế quan được áp dụng là “vì mối đe dọa lớn từ nhập cư bất hợp pháp và các loại thuốc gây chết người đang hủy hoại công dân của chúng tôi, bao gồm cả fentanyl”.
Hoạt động thương mại hằng năm giữa Mỹ với Canada, Mexico và Trung Quốc đạt khoảng 1.600 tỷ USD. Chính quyền Tổng thống Donald Trump dự kiến sẽ sử dụng các mức thuế quan như một “con bài” mặc cả và là công cụ để tạo ra những thay đổi trong chính sách đối ngoại, cụ thể là liên quan đến các vấn đề nhập cư và buôn bán ma túy.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết, nước này sẽ thực hiện các biện pháp đối phó cần thiết để bảo vệ lợi ích và quyền của mình. Phía Trung Quốc gọi cuộc thảo luận về fentanyl là “cái cớ” để đưa ra các biện pháp hạn chế và nhấn mạnh rằng vấn đề fentanyl là vấn đề của Mỹ.
Đối với những người nhập cư bất hợp pháp, theo dữ liệu từ chính quyền Mỹ, dòng người nhập cư chủ yếu đến từ Mexico, trong khi đó vẫn ghi nhận nhiều trường hợp sử dụng biên giới Mỹ-Canada để xâm nhập vào Mỹ từ phía bắc. Theo Viện Chính sách di cư Mỹ, có khoảng 11 triệu người nhập cư bất hợp pháp ở nước này (song con số thực tế có thể cao hơn).
Theo Vladimir Vasiliev, chuyên gia Viện Mỹ và Canada, Viện Hàn lâm khoa học Nga, nhận định, ngoài việc muốn gây áp lực lên Mexico và Canada thông qua thuế quan để mặc cả trong vấn đề di cư và đàm phán định dạng lại thỏa thuận USMCA theo hướng có lợi, Tổng thống Donald Trump muốn thúc đẩy lợi ích chính trị trong nước.
Ưu tiên hàng đầu của ông Trump là giảm thuế doanh nghiệp, tuy nhiên điều này có thể khiến ông đứng trước nhiều chỉ trích bởi nó sẽ làm tăng lỗ hổng ngân sách quốc gia. Và do đó, theo Tổng thống Trump, chính sách thuế quan khắc nghiệt đối với Mexico, Canada và Trung Quốc ít nhất sẽ giúp hạ nhiệt tình hình.
Được biết, Tổng thống Donald Trump có kế hoạch gia hạn luật thuế năm 2017, trong đó đặc biệt giảm thuế doanh nghiệp từ 35% xuống 21% và nhìn chung giúp giảm bớt gánh nặng thuế cho người dân. Trong chiến dịch tranh cử của mình, ông Trump hứa sẽ cắt giảm thuế doanh nghiệp xuống còn 15% cho các công ty sản xuất tại Mỹ.
Theo Văn phòng Ngân sách quốc hội, chỉ việc gia hạn luật năm 2017 cũng có thể làm tăng thâm hụt ngân sách thêm 4,9 nghìn tỷ USD trong 10 năm. Theo CBS News ước tính, việc áp dụng mức thuế cơ bản chung là 10% đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu sẽ giúp nền kinh tế Mỹ tăng thêm 1,9 nghìn tỷ USD trong cùng 10 năm.
Hệ quả khó lường
Trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên, ông Trump đã áp thuế đối với Canada và Mexico, nhưng các hạn chế này chỉ ảnh hưởng đến từng mặt hàng riêng lẻ chứ không phải tất cả hàng hóa từ các quốc gia đó. Ngoài ra, một số hạn chế nhất định cũng được chính quyền Mỹ áp đặt đối với các nước châu Âu. Với Trung Quốc, giai đoạn 2018-2020, giữa hai cường quốc đã xảy ra một cuộc chiến tranh thương mại, áp đặt thuế quan lẫn nhau.
Đến giữa tháng 1 năm 2020, Mỹ và Trung Quốc đã nhất trí về thỏa thuận thương mại giai đoạn một được coi là bước ổn định quan hệ song phương, nhưng việc thực hiện thỏa thuận này gần như bất khả thi sau khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Dưới thời Tổng thống Joe Biden, áp lực thuế quan đối với Trung Quốc ngày càng gia tăng.
Chính sách thuế quan khắc nghiệt của Tổng thống Donald Trump không nhận được sự ủng hộ của giới chức nước này. Tờ The Wall Street Journal (thuộc sở hữu của ông trùm truyền thông Rupert Murdoch) đã chỉ trích mức thuế quan hiện tại, gọi đây là “cuộc chiến thương mại ngu ngốc nhất trong lịch sử”. Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Rand Pauk cũng lên tiếng phản đổi mức thuế quan này, cho rằng chúng chỉ làm tăng giá cả.
Tờ Vedomosti dẫn nhận định của Andrei Kochetkov, một chuyên gia về đầu tư cho rằng, thuế quan có thể hữu ích nếu chúng làm tăng hiệu quả của nền kinh tế trong nước, nhưng mức thuế 25% đối với Canada và Mexico có vẻ như là một đòn giáng mạnh vào chính các nhà sản xuất Mỹ, những người sẽ phải chịu áp lực vì chi phí đầu vào tăng, sản xuất gặp khó khăn.
Người tiêu dùng Mỹ cũng sẽ khó tránh khỏi bị tác động ảnh hưởng: việc đánh thuế hàng hóa Trung Quốc, hiện đang chịu mức thuế 10%, sẽ đẩy giá hàng hóa tăng cao, đặc biệt ảnh hưởng đối với người dân có nhu nhập thấp và trung bình. Theo chuyên gia Andrei Kochetkov, quốc tế có thể một lần nữa chứng kiến lạm phát leo thang, chi phí tín dụng tăng và nguy cơ đình lạm đối với nền kinh tế Mỹ.
Trong khi đó, Alexander Daniltsev, Giám đốc Viện Chính sách thương mại tại Trường Kinh tế cao cấp Moscow, cho biết quyết định của Tổng thống Donald Trump có thể làm gián đoạn các hoạt động giao thương, làm phức tạp quan hệ giữa Mỹ và các nước. Thuế quan sẽ làm gián đoạn hoạt động cung ứng hiện nay, đặc biệt với Mexico và Canada, nơi tình trạng tắc nghẽn giao thông nghiêm trọng có thể xảy ra ở biên giới hai nước. Kết quả sẽ là sự đổ vỡ trong chuỗi sản xuất, mối liên kết hợp tác, cũng như kéo theo các vụ kiện tụng, trả đũa thuế quan sau này.
Hùng Anh
Nguồn Công Luận : https://congluan.vn/cuoc-chien-thue-quan-cang-thang-ngay-tu-nhung-ngay-dau-cua-ky-nguyen-trump-20-post333138.html