Đúng như lời hứa trong chiến dịch tranh cử, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký một sắc lệnh hành pháp vào cuối tuần qua áp dụng mức thuế 10% đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc (trong chiến dịch tranh cử, ông Trump đe dọa sẽ áp dụng mức thuế lên tới 60%). Sắc lệnh chính thức có hiệu lực từ ngày 4/2.
Ngay lập tức, Trung Quốc đã có động thái đáp trả, mặc dù có thể là chưa cân xứng: mức thuế quan mới được áp dụng đối với 80 mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ, bao gồm dầu thô, than đá, LNG và một số loại ô tô.
Chính sách thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump
Tổng thống Donald Trump áp dụng mức thuế quan theo giá trị 10% đối với tất cả các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Biểu thuế này sẽ được áp dụng cùng với các khoản thuế hiện hành đối với hàng hóa liên quan. Trên mạng xã hội X, ông Trump nhấn mạnh, các khoản thuế quan được áp dụng đối với hàng hóa từ Mexico, Canada và Trung Quốc là “vì mối đe dọa lớn từ nhập cư bất hợp pháp và các loại thuốc gây chết người đang hủy hoại công dân của chúng tôi, bao gồm cả fentanyl”. Mức thuế quan mới sẽ có hiệu lực vô thời hạn trừ khi tổng thống quyết định bãi bỏ nó. Đồng thời, ông Trump cảnh báo có thể tiếp tục tăng thuế nếu Trung Quốc áp thuế trả đũa (quyết định của Bắc Kinh có hiệu lực từ ngày 10/2).
Theo thống kê, trong 11 tháng đầu năm 2024, Mỹ đã nhập khẩu 401 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, còn năm 2023 con số này là 448 tỷ USD. Thâm hụt thương mại giữa Mỹ với Trung Quốc trong giai đoạn này là khoảng 270 tỷ USD. Như vậy, mức thâm hụt trên 200 tỷ USD hằng năm giữa Mỹ với Trung Quốc được duy trì kể từ năm 2005 cho đến nay.
Tổng thống Donald Trump đã sử dụng Đạo luật Quyền hạn Kinh tế Khẩn cấp Quốc tế năm 1977 (IEEPA) để áp mức thuế quan mới, đánh dấu lần đầu tiên luật này được sử dụng để áp thuế đối với các quốc gia. “Tòa án theo truyền thống vẫn duy trì quyền của tổng thống trong việc áp đặt các biện pháp khẩn cấp, đặc biệt là khi chúng liên quan đến an ninh quốc gia. Câu hỏi đặt ra là liệu có thể áp dụng thuế quan hay không, vì trước đây IEEPA chỉ được sử dụng để trừng phạt”, Reuters dẫn nhận định của luật sư Tim Brightbill của Công ty luật Wiley Rein.
Phản ứng của Trung Quốc
Ủy ban Thuế quan của Quốc vụ viện Trung Quốc cho biết, chính sách thuế quan của Chính quyền Tổng thống Donald Trump đã vi phạm các quy tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và “làm suy yếu mối quan hệ hợp tác kinh tế-thương mại giữa hai nước”. Bắc Kinh áp dụng mức thuế theo giá trị 15% đối với than đá và LNG của Mỹ và mức thuế 10% đối với hàng chục mặt hàng khác, như dầu thô, xe có dung tích động cơ từ 2,5l trở lên, xe tải và một số máy móc, thiết bị nông nghiệp.
Theo số liệu thống kê của hải quan Trung Quốc, tổng giá trị hàng nhập khẩu của Trung Quốc từ Mỹ vào năm 2024, hiện đang chịu mức thuế quan mới, là khoảng 14 tỷ USD. Con số này chiếm 8,5% tổng lượng hàng nhập khẩu của Trung Quốc từ Mỹ. Các mặt hàng có tổng kim ngạch lớn nhất là dầu (6 tỷ USD vào năm 2024), phương tiện vận chuyển hành khách (3,1 tỷ USD), LNG (2,4 tỷ USD) và than (gần 2 tỷ USD).
Ngoài ra, Bộ Thương mại Trung Quốc cũng tuyên bố áp dụng các hạn chế đối với việc xuất khẩu kim loại hiếm (vonfram, telua, bismuth, indi, molypden) sang các quốc gia khác. Theo Bộ Thương mại Trung Quốc, “vì mục đích bảo vệ an ninh quốc gia”, việc xuất khẩu một số sản phẩm làm từ kim loại hiếm sẽ chỉ được thực hiện theo giấy phép. Tờ Reuters cho biết, Mỹ đã ngừng khai thác vonfram vào năm 2015 và ngừng sản xuất bismuth tinh chế vào năm 1997.
Các nhà quan sát cho rằng, phản ứng của Trung Quốc có vẻ kiềm chế, cho thấy nước này không có ý định leo thang cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ. Theo đó, Mỹ và Trung Quốc vẫn có khả năng tìm được sự thỏa hiệp. Được biết, Tổng thống Donald Trump có kế hoạch điện đàm với nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình trong những ngày tới.
Điều gì chi phối quyết định của Trung Quốc?
Theo Alexander Firanchuk, nhà nghiên cứu cấp cao tại Học viện Hành chính công trực thuộc Tổng thống Liên bang Nga (RANEPA), cho rằng thông qua danh mục các mặt hàng chịu mức thuế trả đũa mới, chính quyền Bắc Kinh muốn giảm thiểu tối đa thiệt hại, rủi ro cho nền kinh tế Trung Quốc. Các mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ, như dầu mỏ, LNG hay than đá chiếm thị phần tương đối nhỏ trong tổng nguồn cung cấp các nguồn năng lượng cho Trung Quốc. Do đó, trong trường hợp xảy ra một cuộc khủng hoảng, khiến đứt gãy nguồn cung các mặt hàng này từ Mỹ, Bắc Kinh sẽ dễ dàng định hướng sang các nhà cung cấp thay thế.
Trong ngành công nghiệp ô tô, Trung Quốc hoàn toàn có khả năng thay thế bằng các sản phẩm được sản xuất trong nước hoặc nhập khẩu từ các nước khác. Còn trong lĩnh vực năng lượng, Trung Quốc phần lớn dựa vào nguồn cung năng lượng từ các nước khác. Ví dụ, tỷ trọng nhập khẩu LNG từ Mỹ trong tổng lượng LNG nhập khẩu của Trung Quốc chỉ chiếm 5% vào cuối năm 2024. Việc Trung Quốc tăng thuế đối với các mặt hàng năng lượng từ Mỹ chỉ ảnh hưởng đến khoảng 10 tỷ USD - con số này chiếm chưa đến 2% tổng lượng dầu nhập khẩu của Trung Quốc và 4% đối với tổng lượng khí đốt.
Nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, phản ứng của Trung Quốc rõ ràng là “nhẹ tông” hơn so với những tuyên bố của nước này trước chính sách thuế quan khắc nghiệt của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Sự không cân xứng này có thể được giải thích là việc Trung Quốc không hề mong muốn kích động một cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ, một trong những thị trường tiêu dùng hàng đầu của nước này.
Theo chuyên gia người Nga Alexander Firanchuk, Chính quyền Trung Quốc không áp thuế đối với hàng hóa trung gian và linh kiện. Thay vào đó, họ đã chọn “chiến lược hợp lý nhằm giảm thiểu tổn thất kinh tế”. Việc hạn chế nhập khẩu linh kiện và thiết bị sẽ gây ra nhiều hậu quả tiêu cực hơn cho nền kinh tế Trung Quốc vì khó tìm kiếm được nguồn cung thay thế.
Diễn biến tiếp theo của cuộc xung đột
Giới phân tích cho rằng, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung mới chỉ ở giai đoạn đầu nên khả năng các bên sẽ áp dụng thêm thuế quan là rất cao. Các hành động của Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump nhằm mục đích giảm mức thâm hụt mà Mỹ đang phải gánh chịu, do đó đối đầu thương mại nhiều khả năng sẽ gia tăng thời gian tới.
Theo Dmitry Kuznetsov, một nhà nghiên cứu tại Viện Chính sách Kinh tế (IEP) mang tên Gaidar, cho rằng ở Mỹ, việc áp dụng các hạn chế thường dễ hơn là dỡ bỏ chúng. Thực tế, mức thuế quan do chính quyền Trump áp dụng vào năm 2018 vẫn chưa được chính quyền Biden dỡ bỏ. Nếu tình trạng bế tắc tiếp diễn, chắc chắn sẽ gây ra những tác động tiêu cực không chỉ cho nền kinh tế hai nước, mà còn đối với thương mại toàn cầu. Do đó, đến một mức độ nào đó, nhiều khả năng Mỹ và Trung Quốc sẽ cố gắng tìm kiếm sự thỏa hiệp chung nhằm bảo đảm lợi ích cho các bên. “Một măt, Trung Quốc quan tâm đến thỏa hiệp vì sẽ rất khó để lách lệnh trừng phạt và chính sách thuế quan của Mỹ. Mặt khác, với việc Tổng thống Donald Trump chuẩn bị bắt đầu một cuộc chiến thương mại với hầu như toàn thế giới, các doanh nghiệp Trung Quốc cũng sẽ không còn nơi nào để né tránh”, Dmitry Kuznetsov nhận định.
Rõ ràng, Tổng thống Mỹ Donald Trump hiện đang nâng cao “mức cược” trong các cuộc đàm phán với toàn thế giới. Một trong những động thái đầu tiên là ông áp đặt mức thuế mới đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mexico, Canada và đặc biệt là Trung Quốc. Với Trung Quốc, có vẻ như nhà lãnh đạo Mỹ đang chuyển mức độ ưu tiên về đối thủ địa chính trị, từ Moscow sang Bắc Kinh. Ông Trump dường như không còn quá “mặn mà” đối với vấn đề Ukraine. Và bây giờ ông đang tập trung cạnh tranh với Trung Quốc với những “con bài” bước đầu là fentanyl, thuế quan. Không loại trừ khả năng thời gian tới Tổng thống Donald Trump sẽ tiếp tục sử dụng nhiều “con bài” khác để gây sức ép Trung Quốc.
Hùng Anh (CTV)