Cuộc chiến thuế quan có thể khiến WTO sụp đổ và gây thiệt hại hàng nghìn tỷ USD

Cuộc chiến thuế quan có thể khiến WTO sụp đổ và gây thiệt hại hàng nghìn tỷ USD
5 giờ trướcBài gốc
Những hậu quả nặng nề đã được cảnh báo
“Mùa đông đang đến”. Cụm từ này, mà người ta có thể liên tưởng đến loạt phim truyền hình huyền thoại “Game of Thrones”, đã xuất hiện trong những phát biểu của một đại diện Na Uy tại cuộc họp tháng 11 năm 2019 của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Năm năm sau, những từ ngữ đó dường như vẫn còn vang vọng, dù trong những hoàn cảnh toàn cầu khác. Đã có sự thoái lui khỏi thương mại tự do và thay vào đó, thế giới đã chứng kiến sự gia tăng của chủ nghĩa bảo hộ có thể dẫn đến sự chia rẽ thành các khối kinh tế đối thủ.
Cuộc chiến thuế quan và gia tăng chủ nghĩa bảo hộ có thể dẫn tới hậu quả là sự sụp đổ của WTO và gây thiệt hại hàng nghìn tỷ USD cho thế giới. Ảnh: Reuters
Những dấu hiệu của hậu quả có thể thấy trong mối quan hệ căng thẳng giữa Liên minh châu Âu (EU) với Trung Quốc do thuế quan mà Brussels áp đặt đối với ô tô điện từ quốc gia châu Á này. Tình hình đã leo thang đến mức Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sánchez đã đề xuất rằng Ủy ban châu Âu nên xem xét lại lập trường của mình về vấn đề này để tránh “một cuộc chiến thương mại khác”.
Theo nhà phân tích kinh tế Denisse Lopez của nhật báo El Pais, nếu các tranh chấp thuế quan tiếp tục diễn ra và sự phân mảnh tiến triển, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) có thể sụp đổ, gây ra tổn thất tiền tệ lên tới hàng nghìn tỷ USD.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ước tính tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu sẽ giảm tới 7% trong dài hạn, tương đương khoảng 7,4 nghìn tỷ USD, tương đương quy mô của nền kinh tế Pháp và Đức cộng lại, trong trường hợp kịch bản kể trên xảy ra. Tương tự, một báo cáo gần đây của Oxford Economics phát hiện ra rằng việc giải thể giả định của WTO sẽ làm giảm GDP của tất cả các khu vực trên thế giới từ 1 đến 6,5% vào năm 2030.
Sự gia tăng của chủ nghĩa bảo hộ
Những con số như vậy nhấn mạnh những tác động tàn phá mà sự phân mảnh kinh tế toàn cầu có thể gây ra. Trong những năm gần đây, những khác biệt về địa chính trị, đại dịch COVID-19 và cuộc khủng hoảng lạm phát đã dẫn đến việc gia tăng các rào cản đối với thương mại và đầu tư.
Global Trade Alert ước tính rằng trong vòng năm năm, đã có gần 27.000 sự can thiệp của chính phủ vào thương mại quốc tế, trong khi Liên hợp quốc báo cáo sự sụt giảm đáng kể trong đầu tư của châu Âu và Mỹ vào Trung Quốc. Cơ quan này cũng cảnh báo rằng cả các công ty và quốc gia đều miễn cưỡng hơn trong việc chia sẻ những tiến bộ công nghệ và tích hợp chuỗi cung ứng với các quốc gia mà họ coi là kẻ thù địa chính trị.
Cuộc chiến đã diễn ra dữ dội từ năm 2018 giữa Bắc Kinh và Washington là một ví dụ rõ ràng khác, đã đạt đến một tầm cao mới với mức thuế 100% áp dụng đối với xe điện của Trung Quốc mà chính quyền Tổng thống Joe Biden công bố hồi tháng 5 vừa qua.
Biện pháp đó có thể được coi là sự loại trừ các nhà sản xuất Trung Quốc khỏi thị trường Mỹ. Điều này thậm chí đã được Ủy ban châu Âu ám chỉ, nơi đã cố gắng tránh xa các sáng kiến như vậy ngay cả sau khi ban đầu đi theo bước chân của Washington, tăng thuế lên tới 48% đối với xe nhập khẩu từ Bắc Kinh.
Hồi tháng 5 năm nay, Mỹ công bố mức thuế lên đến 100% đối với xe điện sản xuất tại Trung Quốc. Ảnh: Politico
Theo Brussels, quyết định đó được đưa ra để cân bằng sân chơi cho các nhà sản xuất châu Âu so với gã khổng lồ châu Á - nhưng không phải để đẩy Trung Quốc ra khỏi thị trường, như có khả năng sẽ xảy ra sau nước cờ của Mỹ. Nhưng các nhà phân tích tin rằng đây có thể chỉ là khởi đầu cho sự leo thang căng thẳng thương mại giữa các khối, hỗ trợ các công ty “xanh” và công nghệ của mình khỏi tụt hậu so với các đối thủ cạnh tranh.
Brussels gần đây đã trình bày tài liệu chi tiết nhất từ trước đến nay về cách trợ cấp nhà nước của Trung Quốc ảnh hưởng đến các nhà sản xuất trong khu vực. Một trong những chuyên gia của Brussels về vấn đề này cho biết: “Đây là một báo cáo nhằm đặt nền tảng và chỉ ra cách thức và lý do tại sao châu Âu đang thay đổi chính sách của mình”.
Càng phân mảnh, càng thiệt hại
Nhiều chuyên gia nghi ngờ liệu những lợi ích từ sự gia tăng các cuộc cạnh tranh địa chính trị này có vượt qua được những tác động tiêu cực của nó hay không. Các nhà kinh tế và các tổ chức quốc tế cảnh báo rằng quá trình phi toàn cầu hóa này càng lớn thì chi phí của nó càng lớn.
WTO đã phát hiện vào năm 2022 rằng nếu thế giới chia thành hai khối thương mại riêng biệt, GDP toàn cầu sẽ giảm 5%. IMF đã nói về tác động đối với sản xuất toàn cầu từ 0,2 đến 7% GDP trên toàn thế giới trong trường hợp phân mảnh thương mại nghiêm trọng.
Thêm vào đó là sự cản trở các tiến bộ khoa học - cái gọi là “tách rời công nghệ” - và tổn thất có thể tăng vọt lên 12% GDP ở một số quốc gia. Tác động có thể lớn đến mức sẽ gây áp lực lên hệ thống tiền tệ toàn cầu và dẫn đến tình trạng “khu vực hóa tài chính”.
Con tàu container của công ty Evergreen mắc kẹt ở kênh đào Suez năm 2021 trong vòng 6 ngày từng khiến thương mại toàn cầu ảnh hưởng khá nặng nề. Ảnh: WSJ
Theo ước tính của Oxford Economics, GDP hàng năm sẽ giảm hơn 5% trong dài hạn ở các nước đang phát triển nếu sự gia tăng chủ nghĩa bảo hộ này dẫn đến sự sụp đổ của WTO. Châu Phi và Nam Á sẽ là những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi sự suy thoái kinh tế như vậy, với mức tổn thất tiềm tàng lên tới hơn 6% GDP.
Tuy nhiên, thiệt hại sẽ không chỉ giới hạn ở các nước đang phát triển; các cường quốc cũng sẽ bị đè nặng bởi tính dễ bị tổn thương của chuỗi cung ứng toàn cầu và đặc biệt là bị phơi bày trong thời kỳ khủng hoảng, chẳng hạn như một đại dịch khác hoặc chiến sự ở Ukraine. Theo những tính toán này, năng suất của châu Âu sẽ giảm khoảng 1,5%.
Ngoài những con số kể trên, còn có những rủi ro tiềm ẩn về an ninh, lương thực và năng lượng. Việc Nga phong tỏa xuất khẩu lúa mì của Ukraine vào năm 2022 là một yếu tố chính dẫn đến mức tăng đột ngột 37% giá ngũ cốc trên toàn thế giới. Điều đó đã thúc đẩy giá các loại thực phẩm khác tăng cao khiến nhiều quốc gia phụ thuộc vào nguồn cung của họ phải cảnh giác cao độ. Việc hạn chế xuất khẩu khí đốt của Nga cũng dẫn đến cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu lớn nhất từ trước đến nay.
Tất cả đều là ví dụ sống động nhất về tác động của sự phân mảnh thương mại với thế giới. Và vì thế, những cảnh báo từ các nhà kinh tế về hậu quả của chủ nghĩa bảo hộ và của cuộc chiến thuế quan, có lẽ không sớm và cũng không hề quá lời.
Quang Anh
Nguồn Công Luận : https://congluan.vn/cuoc-chien-thue-quan-co-the-khien-wto-sup-do-va-gay-thiet-hai-hang-nghin-ty-usd-post313407.html