Cuộc chiến thuế quan: Tìm kiếm mức thuế hợp lý

Cuộc chiến thuế quan: Tìm kiếm mức thuế hợp lý
7 giờ trướcBài gốc
Nguyên lý đường cong Laffer
Người ta kể rằng, cuộc cách mạng thuế của Tổng thống Ronald Reagan với việc cắt giảm thuế thu nhập cao nhất của Mỹ từ 70% xuống 26% vào năm 1981 bắt đầu tại một nhà hàng ở Washington, khi nhà kinh tế học Arthur Laffer vẽ đường cong mang tên mình trên khăn ăn cho Phó Chánh văn phòng Nhà Trắng khi đó là ông Dick Cheney, cố vấn thân cận của tổng thống. Trong bức vẽ đơn giản đó, nhà kinh tế học Laffer đã miêu tả mối liên hệ giữa thuế suất và mức thu ngân sách của chính phủ.
Thuế quan sẽ khiến cả hai nền kinh tế lớn nhất thế giới thiệt hại.
Ở tình trạng thuế suất bằng 0, chính phủ không có doanh thu thuế, nhưng cũng không có doanh thu ở mức thuế suất 100%, vì nền kinh tế sẽ đóng cửa. Ở đâu đó giữa hai mức thuế suất này, có một mức thuế suất tạo ra doanh thu tối đa. Màn minh họa đó đã tạo nên một trong những cuộc cải cách thuế lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ với hai đạo luật thuế lớn vào năm 1981 và 1986 dưới thời tổng thống Reagan mở ra một thời kỳ thịnh vượng cho kinh tế Mỹ.
Được giới thiệu từ năm 1974, đường cong Laffer dựa trên hai hiệu ứng cơ bản. Hiệu ứng số học cho thấy việc giảm thuế suất trực tiếp làm giảm doanh thu nhưng đồng thời hiệu ứng kinh tế thì khẳng định: thuế thấp kích thích hoạt động sản xuất, mở rộng cơ sở thuế, từ đó tăng doanh thu dài hạn. Những người tin tưởng lý thuyết của Laffer được coi là những người theo đuổi trường phái "Kinh tế trọng cung", chủ trương giảm thuế, giảm can thiệp của chính phủ để tự do kinh doanh kéo theo tăng trưởng lâu dài.
Ứng dụng trong lĩnh vực thuế quan, Laffer cho rằng thuế quan cũng là một loại thuế và có thể được sử dụng để điều chỉnh dòng vốn theo mục tiêu đề ra. Một tính toán hợp lý là thuế quan trong phạm vi 10% đến 15% sẽ mang lại một lượng doanh thu có ý nghĩa mà không gây gián đoạn quá mức cho hoạt động kinh tế. Dĩ nhiên, thuế quan sẽ kèm theo nhiều tác động: người tiêu dùng và doanh nghiệp sẽ phải chịu giá nhập khẩu cao hơn nhưng một số nhà xuất khẩu sẽ xây dựng nhà máy tại chỗ để tránh thuế quan.
Ngược lại, nếu thuế quá cao, hành vi trốn thuế, chuyển hướng thương mại hoặc giảm tiêu dùng sẽ làm sụt giảm doanh thu. Ví dụ, nghiên cứu của Trabandt và Uhlig thực hiện năm 2011 ước tính điểm tối đa hóa doanh thu cho thuế thu nhập ở Mỹ và châu Âu khoảng 70%, nhưng với thuế quan, ngưỡng này có thể thấp hơn do tính nhạy cảm của thương mại .
Thực tiễn từ cuộc chiến thuế quan
Là một tín đồ của Laffer, Tổng thống Donald Trump đã sử dụng lý thuyết của ông để xây dựng chính sách kinh tế ngày từ nhiệm kỳ đầu tiên giai đoạn 2016-2021 và thu được những kết quả ấn tượng. Với việc giảm thuế, giảm quy định hành chính, bảo hộ sản xuất, ông Trump đã giúp kinh tế Mỹ tăng trưởng ổn định trong giai đoạn 2017-2019 và giữ tỷ lệ thất nghiệp thấp. Trong nhiệm kỳ thứ hai của mình, với mục tiêu hướng đến là tăng nguồn thu chính phủ và kéo sản xuất về nước Mỹ, ông Trump đã thực hiện thêm công cụ thuế quan.
Từ tháng 1/2025, chính quyền của ông Trump tuyên bố sẽ áp dụng chính sách "thuế quan có đi có lại", tăng thuế lên 20% với hàng Trung Quốc nhập khẩu và mở rộng sang nhiều quốc gia. Tuy nhiên khi những lợi ích chưa được công nhận thì hậu quả đã hiện lên sớm. Một báo cáo khảo sát công bố đầu tháng 4/2025 cho thấy niềm tin tiêu dùng Mỹ xuống thấp nhất trong 12 năm, trong đó ngành xa xỉ sụt giảm 50 triệu khách hàng trên toàn cầu. Hiện tượng này là do thuế cao đã khiến giá hàng nhập khẩu tăng, người tiêu dùng chuyển sang hàng cũ, hàng giá rẻ để hạn chế chi tiêu. Theo GlobalData, 59% người Mỹ chọn mua đồ cũ nếu giá mới tăng. Điều này cho thấy khi thuế vượt ngưỡng chịu đựng, làm co hẹp cơ sở thuế.
Một nghiên cứu khác của Tax Foundation (tổ chức chuyên nghiên cứu về chính sách thuế và tài khóa) năm 2024 đã chỉ ra rằng các nước EU như Đức và Tây Ban Nha đã đạt ngưỡng thuế tối đa. Khi tăng thuế thêm 1%, doanh thu chỉ tăng 0,2% do hành vi trốn thuế và giảm đầu tư tăng lên. Điều này phản ánh rõ nguyên lý đường cong Laffer: vượt điểm tối ưu, tăng thuế chỉ làm giảm doanh thu.
Trong những động thái gần đây, khi chính phủ của ông Trump tiếp tục công bố "Thuế đối ứng" với các quốc gia nhập khẩu vào Mỹ hôm 2/4/2025, những con số đưa ra đã gây nhiều tranh cãi. Như với trường hợp Mỹ cáo buộc Việt Nam áp thuế 90% lên hàng hóa Mỹ khiến cho Mỹ phải trả đũa thì số liệu từ Văn phòng đại diện Thương mại Mỹ cho thấy thuế theo tiêu chuẩn "Tối huệ quốc" (MFN) trung bình của Việt Nam chỉ 9,4%, và không có dòng thuế nào đạt 90%. Con số 90% là tổng hợp các loại thuế gián thu được thực hiện trong nước (VAT, thuế tiêu thụ đặc biệt).
Các loại thuế này được tính chung cho tất cả các mặt hàng tương tự bán trên thị trường nên theo Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) sẽ không được tính là thuế quan. Sự "hiểu lầm" này khiến cho người ta nghi ngờ chính quyền của ông Trump đã không sử dụng thuế quan như một công cụ kinh tế đơn thuần.
Yếu tố nào quyết định mức thuế hợp lý ?
Đường cong Laffer chỉ ra có một điểm tối ưu (T*) để cân bằng giữa mức thuế và nguồn thu tối đa nhưng có nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng tới điểm tối ưu đó. Một trong những yếu tố căn bản được gọi là "độ co giãn của nhu cầu". Theo đó hàng hóa có độ co giãn cầu thấp, có thể hiểu là bắt buộc phải sử dụng như lương thực hay thép trong công nghiệp sẽ chịu thuế tốt hơn hàng xa xỉ, không thiết yếu.
Trong bối cảnh thương mại toàn cầu rộng mở hiện nay, doanh nghiệp và người tiêu dùng cũng sẽ có nhiều lựa chọn hơn so với chính phủ khiến cho thuế quan khó đem lại hiệu quả hơn. Theo tiến sĩ Sheng Lu đến từ Đại học Delaware: "Thuế quan cao sẽ đẩy người tiêu dùng sang thị trường nước ngoài". Ví dụ, người Trung Quốc từng lên cơn sốt sắng mua hàng hiệu ở châu Âu để tránh thuế nội địa. Các doanh nghiệp cũng dễ dàng nhận được ưu đãi ở các nước khác hơn để bù đắp áp lực thuế trong nước.
Nghiên cứu của Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) năm 2002 chỉ ra: nếu tổng chi phí nhập khẩu vượt 30-40% giá trị hàng hóa, doanh nghiệp có xu hướng tìm nguồn cung thay thế tức là rời bỏ thị trường. Do đó, mức thuế đặt ra luôn cần tính toán cẩn thận để đảm bảo không làm mất lợi thế cạnh tranh của các sản phẩm nội địa. Những yếu tố nghịch đảo này cũng là lý do người ta thường chỉ trích nhà kinh tế Arthur Laffer vì cho rằng lý thuyết của ông đã "đơn giản hóa" mọi thứ.
Đường cong Laffer trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.
Tìm điểm cân bằng
Dựa trên những yếu tố trên, chúng ta thấy, khi mức thuế không còn hợp lý nữa thì thay vì tăng nguồn thu, kích thích thị trường nội địa thì có thể dẫn đến việc rời bỏ thị trường. Chính vì vậy, Tax Foundation khuyến cáo nên sử dụng hệ thống thuế đơn giản, ít biệt lệ để giúp tăng hiệu quả thu ngân sách. Ví dụ, Estonia duy trì thuế doanh nghiệp 20% nhưng mở rộng cơ sở thuế, giúp doanh thu ổn định dù thuế suất thấp.
Ngược lại, các chính phủ thay vì chỉ dựa vào thuế, có thể áp dụng hạn ngạch, trợ cấp có điều kiện hoặc tiêu chuẩn kỹ thuật. Ví dụ, EU kiểm soát hàng nhập khẩu qua quy định an toàn thực phẩm, vừa bảo vệ người tiêu dùng vừa tránh xung đột thương mại. Trong trường hợp thuế quan trở thành rào cản thì đàm phán đa phương nên là phương án ưu tiên để giúp cùng nhau xóa bỏ.
Trong quá khứ, WTO đã giúp kinh tế toàn cầu tăng trường thêm từ 1-3%/năm trong giai đoạn 1995-2022. Những hiệp định thương mại khu vực mới như CPTPP và RCEP hướng đến giảm thuế quan trong khuôn khổ đa phương giúp tăng thương mại 15-20%/năm, đồng thời tránh chiến tranh thương mại gây thiệt hại cho cả hai.
Dựa trên những yếu tố trên, chúng ta thấy rằng "thuế cao không phải lúc nào cũng tốt". Mức thuế quan tối ưu phụ thuộc vào đặc điểm ngành hàng, độ co giãn cầu và bối cảnh cạnh tranh toàn cầu. Bài học từ Mỹ, EU và Việt Nam cho thấy: thay vì đơn phương áp thuế, cần kết hợp cải cách thuế, đàm phán đa phương và công cụ phi thuế để đạt mục tiêu bảo hộ mà không hy sinh tăng trưởng. Như chính Arthur Laffer từng nói: "Chính phủ không thể vắt kiệt con gà đẻ trứng vàng", đây có lẽ là bài học lớn nhất mà những nhà làm chính sách cần lưu ý trong giai đoạn nhạy cảm hiện nay. Tất nhiên, điều này sẽ bị bỏ qua nếu chính phủ sử dụng thuế như một công cụ chính trị.
Tử Uyên
Nguồn ANTG : https://antgct.cand.com.vn/chuyen-de/cuoc-chien-thue-quan-tim-kiem-muc-thue-hop-ly-i766687/