Khác với các cuộc chiến thương mại trước đây, cuộc đối đầu lần này mang dấu ấn đặc biệt khi Tổng thống Donald Trump đơn phương hành động, tạo ra sự đứt gãy với hơn 200 năm lịch sử chính sách thương mại của nước Mỹ - vốn do Quốc hội định hướng. Dù diễn biến tương lai ra sao, những “màn dạo đầu” của một cuộc chiến thương mại toàn cầu đã khởi động.
Hình minh họa cuộc chiến thương mại. Ảnh: Getty
Theo Giáo sư Douglas Irwin - nhà sử học kinh tế tại Đại học Dartmouth và là tác giả cuốn sách Clashing Over Commerce: A History of US Trade Policy, chưa từng có tiền lệ nào tương tự trong lịch sử Hoa Kỳ.
Việc một cá nhân cụ thể là Tổng thống đơn phương áp đặt mức thuế cao nhất trong hơn một thế kỷ đã khiến ông Irwin nhận định đây là một “bước ngoặt lớn về mặt lịch sử”.
Ngay cả khi Tổng thống Donald Trump quyết định tạm hoãn một số mức thuế cao trong vòng 90 ngày và giữ lại mức thuế cơ bản 10% đối với gần như toàn bộ hàng nhập khẩu, thì việc ông hành động độc lập vẫn cho thấy sự chuyển hướng rõ rệt.
Cuộc chiến thương mại vốn từng là nỗi ám ảnh thời kỳ Đại Suy thoái nay một lần nữa trở lại trong bối cảnh thế kỷ XXI.
Rủi ro kinh tế và địa chính trị
Dù hệ quả của các quyết sách này vẫn đang dần hiện rõ, nhưng các rủi ro đã lộ diện: từ nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu cho tới những dịch chuyển địa chính trị có thể gây bất lợi cho chính nước Mỹ. Tất cả đều xuất phát từ các quyết định được đưa ra chóng vánh bởi Tổng thống Hoa Kỳ.
Theo Giáo sư Irwin, trước đây, việc thay đổi định hướng chính sách thương mại thường cần hàng thập kỷ đồng thuận, trong đó Quốc hội giữ vai trò chủ đạo. Từ những năm 1930, khi Quốc hội bắt đầu ủy quyền đàm phán các thỏa thuận thương mại cho Tổng thống, xu hướng chính sách vẫn là giảm thuế.
Tuy nhiên, hiện nay, Tổng thống chính là người đưa nước Mỹ vào một lộ trình mới - đầy rủi ro. “Đây là sự kiện mang ý nghĩa lịch sử”, Giáo sư Irwin nhấn mạnh.
Trước kia, những thay đổi lớn về thuế thường diễn ra trong bối cảnh chiến tranh. Chiến tranh Nam - Bắc và Thế chiến I từng kéo theo những đạo luật tăng thuế sau quá trình tranh luận lâu dài tại Quốc hội.
Ngược lại, dưới thời Tổng thống Franklin D. Roosevelt, thuế quan bắt đầu giảm dần, và ngoại trừ một số thời kỳ như dưới các chính quyền Tổng thống Biden và nhiệm kỳ đầu của ông Trump, mức thuế nhập khẩu duy trì ở mức thấp.
“Nhưng hiện tại, chúng ta đang sống trong một nền kinh tế hòa bình, tỷ lệ thất nghiệp chỉ ở mức 4%, không có sự đồng thuận xã hội về việc thương mại đang gặp vấn đề nghiêm trọng. Vậy mà chỉ một cá nhân (Tổng thống) lại có thể thay đổi hoàn toàn hướng đi của chính sách thương mại Mỹ”, Giáo sư Irwin nhận định.
Tác động thị trường và phản ứng toàn cầu
Thị trường chứng khoán Mỹ đã có những phản ứng mạnh mẽ trước các thông báo tăng - giảm thuế. Trong ngày Tổng thống thông báo hoãn một số mức thuế, chỉ số S&P 500 bật tăng 9,5%, ghi nhận phiên tăng mạnh nhất kể từ khủng hoảng tài chính 2008.
Tuy nhiên, đà hưng phấn nhanh chóng hạ nhiệt, khi chỉ số này giảm 3,5% vào ngày hôm sau và hồi phục nhẹ 1,8% vào thứ Sáu.
Việc thị trường sẽ tiếp tục phục hồi hay rơi trở lại vòng xoáy lo ngại phụ thuộc vào định hướng chính sách thuế quan của Tổng thống mà theo đánh giá chung của giới kinh tế học là đầy rủi ro và phi lý.
Trước thông báo hoãn thuế, các biện pháp tăng thuế liên tục của ông Trump đã khiến nhiều doanh nghiệp và hộ gia đình lo ngại về khả năng chi phí hàng hóa leo thang, đẩy nền kinh tế Mỹ đến bờ vực suy thoái.
Sau thông tin hoãn một số thuế, tập đoàn tài chính Goldman Sachs đã lập tức điều chỉnh dự báo kinh tế, hạ khả năng xảy ra suy thoái. Tuy nhiên, triển vọng vẫn u ám: tăng trưởng GDP chỉ được kỳ vọng ở mức 0,5%, với khả năng suy thoái vẫn lên tới 45%.
Trung Quốc cũng đáp trả bằng cách áp thuế lên hàng hóa Mỹ. Tính đến thứ Năm, mức thuế Mỹ áp lên hàng Trung Quốc đã lên tới 145%, và Trung Quốc cũng nâng thuế với hàng Mỹ lên 125% vào ngày hôm sau.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent cho biết đang tiến hành đàm phán với nhiều quốc gia trừ Trung Quốc, đồng thời kêu gọi “đừng trả đũa, và sẽ được tưởng thưởng”. Liên minh châu Âu tuyên bố tạm hoãn kế hoạch áp thuế đáp trả trong vòng 90 ngày.
Tại Quốc hội Mỹ, một số nghị sĩ, chủ yếu từ Đảng Dân chủ, đang vận động chấm dứt tình trạng “khẩn cấp quốc gia” mà Tổng thống đã viện dẫn để làm cơ sở pháp lý cho các biện pháp tăng thuế.
Tuy nhiên, như nhận định của phóng viên Ana Swanson, khả năng thành công của nỗ lực này còn rất thấp. Dù có thể được Thượng viện thông qua, chưa rõ dự thảo này có được đưa ra Hạ viện hay không, và nếu được thông qua, Tổng thống vẫn có quyền phủ quyết. Với tình hình chính trị hiện nay, việc vượt qua quyền phủ quyết bằng đa số hai phần ba là điều khó xảy ra.
Bài học từ lịch sử
Dù các quyết định thuế quan dưới thời Tổng thống Donald Trump gây nhiều tranh cãi, nhưng chúng vẫn nằm trong khuôn khổ quyền lực được Quốc hội trao dần cho Tổng thống từ năm 1934 đến nay.
Hiến pháp Mỹ, tại Điều I, Mục 8, quy định quyền áp thuế thuộc về Quốc hội. Tuy nhiên, sau Đạo luật Thuế quan Smoot-Hawley năm 1930 - vốn bị coi là nguyên nhân gây ra chiến tranh thương mại toàn cầu và làm trầm trọng thêm cuộc Đại Suy thoái - vai trò của Quốc hội lại dần thu hẹp.
Khi đó, giới kinh tế học đã cảnh báo Tổng thống Herbert Hoover không nên ký ban hành đạo luật, song ông vẫn thông qua. Hệ quả là những căng thẳng thương mại nghiêm trọng, trong khi động cơ tăng thuế chủ yếu nhằm bảo vệ ngành sản xuất trong nước, chưa tính đến tác động toàn cầu.
Chuyên gia chính trị học tại Đại học Virginia, giáo sư Dale Copeland cho rằng các rào cản thuế quan trong thập niên 1930 là yếu tố then chốt dẫn đến những biến động lịch sử sau này. Anh và Pháp khi đó thu hẹp thương mại trong khối thuộc địa, còn Mỹ (một cường quốc đang nổi) cũng tự dựng rào chắn.
Trong khi đó, Nhật Bản chưa có đế chế riêng đã mất phần lớn thương mại quốc tế chỉ một năm sau đạo luật Smoot-Hawley và buộc phải mở rộng ảnh hưởng sang Trung Quốc, Đông Nam Á để tìm nguồn cung nguyên liệu và dầu mỏ. Những bài học đau xót đó, theo Giáo sư Copeland, có thể một lần nữa cần được ghi nhớ trong bối cảnh hiện nay.
Chiến lược gia cấp cao tại công ty nghiên cứu tài chính Ned Davis Research, ông Ed Clissold cảnh báo việc cắt giảm thương mại với Trung Quốc và tăng thuế với các nước trong khu vực có thể khiến Bắc Kinh đẩy mạnh ảnh hưởng tại Đông Nam Á.
Bà Emily Bowersock Hill - Giám đốc điều hành công ty quản lý tài sản Bowersock Capital Partners tại bang Kansas lo ngại nếu không có cơ chế kiềm chế phù hợp, Tổng thống Donald Trump sẽ tiếp tục đưa ra những bước đi khó lường về địa chính trị.
“Nước Mỹ phải mất hàng thập kỷ để xây dựng uy tín, thương hiệu và mạng lưới đồng minh toàn cầu. Nhưng chỉ cần một vài hành động sai lệch, tất cả có thể tan biến”, bà cảnh báo.
Từ trước tới nay, Tổng thống Mỹ luôn có quyền lực lớn, nhưng vẫn bị giới hạn bởi pháp luật, tập quán và bối cảnh chính trị. Tuy nhiên, như những biến động trong thời gian qua cho thấy, ông Donald Trump dường như không bị ràng buộc bởi các giới hạn đó. Hơn bao giờ hết, hướng đi của thị trường và kinh tế toàn cầu giờ đây lại phụ thuộc vào tâm lý của một người - Tổng thống Hoa Kỳ.
Việt Hà (Theo The New York Times)