Cuộc đời Giáo hoàng Leo XIV

Cuộc đời Giáo hoàng Leo XIV
3 giờ trướcBài gốc
Người Mỹ “ít chất Mỹ”
Hồng y Prevost sinh ra với tên Robert Francis Prevost vào ngày 14-9-1955, tại Chicago, trong gia đình có cha là Louis Marius Prevost, gốc Pháp và Ý, và mẹ là Mildred Martínez, gốc Tây Ban Nha. Ngài có 2 anh em trai là Louis Martín và John Joseph.
Cha của Prevost đã phục vụ Hải quân trong Thế chiến thứ II, và làm Giám đốc trường học ở vùng ngoại ô phía Nam Chicago. Mẹ của giáo hoàng tương lai là một thủ thư có bằng Thạc sĩ Giáo dục và có 2 chị gái là nữ tu. Được thụ phong linh mục năm 1982 ở tuổi 27, ông đã nhận bằng Tiến sĩ về luật giáo luật tại Đại học Giáo hoàng St. Thomas Aquinas ở Rome.
Viễn cảnh về một Giáo hoàng người Mỹ từ lâu đã là điều cấm kỵ, do sức mạnh địa chính trị đáng kể của quốc gia này. Người ta cho rằng, việc chọn một công dân của siêu cường quốc lớn nhất thế giới để đứng đầu Giáo hội là một điều nguy hiểm. Tuy nhiên, một tờ báo Ý mô tả Prevost là "Hồng y người Mỹ ít có chất Mỹ nhất".
Hồng y Prevost từng chia sẻ với kênh truyền hình Rai của Ý trước cuộc bầu cử, rằng ông lớn lên trong một gia đình nhập cư: "Tôi sinh ra ở Mỹ nhưng ông bà tôi đều là người nhập cư, người Pháp, người Tây Ban Nha...”. Thông thạo tiếng Tây Ban Nha và tiếng Ý, ông đã giới thiệu mình bằng cả 2 ngôn ngữ trong lần đầu tiên xuất hiện với tư cách là Giáo hoàng mà không nói một từ tiếng Anh nào.
Phần lớn cuộc đời của ông là ở bên ngoài nước Mỹ. Ông đã dành gần một phần tư thế kỷ ở Peru, đầu tiên là với tư cách là một nhà truyền giáo và sau đó là một Giám mục, giành được sự ủng hộ của các giáo sĩ Mỹ Latinh. Ông cũng đã dành hơn 1 thập kỷ ở Rome, nơi ông lấy bằng Tiến sĩ Luật giáo luật, điều hành dòng Augustinô từ một văn phòng gần Nhà thờ Thánh Peter.
Và gần đây đã phục vụ với tư cách là phụ tá quan trọng của Giáo hoàng Phanxicô, là người đứng đầu của Bộ Giám mục, có vai trò tuyển chọn và thẩm tra các ứng viên chuẩn bị được phong Giám mục.
Sẽ tiếp nối người tiền nhiệm?
Giáo hoàng Leo XIV được cho là khá tương đồng với người tiền nhiệm của mình, đặc biệt là về phong cách sống khó nghèo. Trong bài phát biểu, ông tự gọi mình là "con trai của Thánh Augustinô". Đây là một dòng tu quan trọng trong nhà thờ và tuân theo lời dạy của Thánh Augustinô, bao gồm việc nhấn mạnh vào cộng đồng và cùng theo đuổi Chúa.
Là một giáo đoàn khất thực, giáo đoàn này dựa vào sự đóng góp thay vì tài sản hoặc các nguồn tài trợ khác để thực hiện công việc của mình. Đôi khi cách sống của họ được mô tả là "nghèo đói", theo nghĩa họ trông cậy vào lòng hảo tâm của người khác để được hỗ trợ và cũng như chung tay góp sức. Với lối sống giản dị và từ chối cơ hội sống trong Cung điện Tông đồ lớn, ông chọn một căn phòng giản dị trong nhà khách Vatican.
Tân Giáo hoàng dường như cũng đồng quan điểm với người tiền nhiệm về việc bênh vực người nhập cư và ủng hộ bảo vệ môi trường, cũng như gia tăng quyền cho nữ giới. Phát biểu vào năm ngoái về biến đổi khí hậu, Hồng y Prevost cho biết đã đến lúc phải chuyển "từ lời nói sang hành động".
Ông nói: "Sự thống trị thiên nhiên không nên trở thành bạo ngược". Ông kêu gọi nhân loại xây dựng "mối quan hệ có đi có lại" với môi trường. Và ông đã nói về các biện pháp cụ thể tại Vatican, bao gồm việc lắp đặt tấm pin mặt trời và áp dụng xe điện.
Giáo hoàng Leo XIV đã ủng hộ quyết định của Đức Giáo hoàng Phanxicô, cho phép phụ nữ lần đầu tiên tham gia Bộ Giám mục, cho họ ý kiến về các cuộc bổ nhiệm đó. Năm 2024, ông nói với Catholic News Service rằng, sự hiện diện của họ "góp phần đáng kể vào quá trình phân định để tìm kiếm những ứng viên mà chúng tôi hy vọng là tốt nhất để phục vụ Giáo hội trong chức vụ Giám mục".
Những vấn đề tranh cãi
Trong sự nghiệp của mình, Giáo hoàng Phanxicô đã gây tranh cãi lớn nhất ở 3 vấn đề: Xử lý cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục của các linh mục/tu sĩ; hôn nhân đồng giới/LGBT; và quan hệ với nhà nước Trung Quốc. Tiếp nối di sản của người tiền nhiệm, Giáo hoàng Leo sẽ xử lý các vấn đề này như thế nào?
Năm 1999, Prevost trở lại Chicago và được bổ nhiệm làm người lãnh đạo khu vực Trung Tây của dòng Augustinô, nơi ông giám sát cho đến năm 2010. Một phần địa bàn của ông bao gồm Trường trung học Công giáo Providence ở New Lenox, và trong nhiệm kỳ của ông, đã xuất hiện những cáo buộc rằng Hiệu trưởng nhà trường, Linh mục Richard McGrath, đã lạm dụng ít nhất 1 học sinh và lưu hình ảnh khiêu dâm trẻ em trên điện thoại của mình.
Mãi đến tháng 6-2024, Tờ Sun-Times đưa tin rằng trường Augustinians đã trả 2 triệu USD cho học sinh bị lạm dụng. Nhưng sau đó Prevost không giải thích vì sao lại bỏ qua chuyện này, và cũng không cách chức McGrath.
Năm 2014, Prevost trở lại Peru sau khi Giáo hoàng Phanxicô bổ nhiệm ông làm Giám quản Tông tòa của Giáo phận Chiclayo, và sau đó là Giám mục của Chiclayo. Nhưng ở Peru, Prevost một lần nữa bị cáo buộc không điều tra và trừng phạt một Linh mục bị cáo buộc lạm dụng tình dục 3 chị em từ năm 2007 đến năm 2015. Giáo phận Chiclayo phủ nhận việc che đậy, và Prevost chưa bao giờ bị cáo buộc cá nhân về hành vi ngược đãi các thành viên trong giáo đoàn của mình.
Giáo hoàng Phanxicô đã đạt một thỏa thuận năm 2018 với Bắc Kinh về sự hợp tác trong việc lựa chọn Giám mục tại Trung Quốc. Kết quả đã nhận được những đánh giá tiêu cực. Trung Quốc đã phớt lờ thỏa thuận và tiến hành bổ nhiệm Giám mục mà không tham khảo ý kiến, hoặc thậm chí là thông báo cho Đức Phanxicô.
Năm 2023, Trung Quốc công bố việc bổ nhiệm Shen Bin làm người đứng đầu Giáo hội tại Thượng Hải, giáo phận lớn nhất của đất nước. Vatican chỉ biết về việc bổ nhiệm Giám mục Shen qua các báo cáo của phương tiện truyền thông sau đó. Và Giáo hoàng Phanxicô đã phê chuẩn việc bổ nhiệm này sau khi sự việc đã xảy ra.
Năm 2024, Bắc Kinh đã tăng gấp đôi các cuộc bổ nhiệm đơn phương. Họ đã bổ nhiệm Ji Weizhou làm Giám mục tại Lyuliang, một thị trấn ở tỉnh Sơn Tây. Đáng nói, giáo phận Lyuliang đã được thành lập ngay tại thời điểm cuộc bổ nhiệm được thực hiện.
Tuy nhiên, Đức Phanxicô vẫn công nhận tính hợp pháp của giáo phận mới và Giám mục của giáo phận này vào ngày 20-1 năm nay. Tuyên bố chính thức của Vatican cho biết Đức Phanxicô chỉ đơn giản là "khắc phục" tình hình. Thậm chí, Trung Quốc đã bổ nhiệm 2 Giám mục mới vào cuối tháng 4 - sau khi Đức Phanxicô qua đời.
Theo quy định của Vatican, các cuộc bổ nhiệm Giám mục như vậy không thể được thực hiện trong khoảng thời gian từ khi Đức Giáo hoàng qua đời đến khi bầu ra người kế nhiệm.
Về vấn đề này, Hồng y kín tiếng Prevost dường như chưa từng bày tỏ quan điểm cá nhân của mình, nên người ta chưa thể dự báo thái độ của ông khi là Giáo hoàng. Theo các chuyên gia, khi chọn cái tên Leo, Prevost muốn thể hiện cam kết đối với các vấn đề xã hội năng động.
Giáo hoàng đầu tiên sử dụng tên Leo, người có triều đại Giáo hoàng kết thúc vào năm 461, đã gặp Attila the Hun và thuyết phục ông ta không tấn công Rome. Giáo hoàng Leo gần đây nhất đã lãnh đạo Giáo hội từ năm 1878-1903 và đã viết một chuyên luận có ảnh hưởng về quyền của người lao động.
ÁNH VÂN
Nguồn SGĐT : https://dttc.sggp.org.vn/cuoc-doi-giao-hoang-leo-xiv-post122768.html