Cuộc đua nước rút để đảm bảo mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công 95%

Cuộc đua nước rút để đảm bảo mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công 95%
4 giờ trướcBài gốc
Đến ngày 30/9, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công nguồn ngân sách Nhà nước chỉ đạt 42,96% kế hoạch, tương đương 47,29% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. (Ảnh: Vietnam+)
Chỉ còn hơn ba tháng nữa là kết thúc năm 2024, áp lực hoàn thành kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công đang đặt lên vai các bộ, ngành và địa phương. Mục tiêu tối thiểu 95% kế hoạch được giao theo Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 5/1/2024 của Chính phủ là một thách thức không nhỏ, đòi hỏi sự nỗ lực vượt bậc và những giải pháp đột phá.
"Chỉ mặt" nguyên nhân giải ngân chậm trễ
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, đến ngày 30/9, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công nguồn ngân sách Nhà nước chỉ đạt 42,96% kế hoạch, tương đương 47,29% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Tỷ lệ này đang thấp hơn đáng kể so với cùng kỳ năm 2023 với các mức đạt tương ứng 47,75% kế hoạch và 51,38% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Mặc dù các Chương trình mục tiêu quốc gia đạt 55,31%, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội đạt 80,16%, song thực tế cho thấy con đường phía trước vẫn còn nhiều khó khăn. Để đạt được mục tiêu theo Nghị quyết 01/NQ-CP đề ra, cả nước cần phải giải ngân một lượng vốn rất lớn trong thời gian ngắn, chỉ còn vỏn vẹn mấy tháng cuối năm.
Báo cáo cũng chỉ ra một thực trạng cần lưu ý là sự chênh lệch lớn về tỷ lệ giải ngân giữa các bộ, ngành và địa phương. Đơn cử một số đơn vị đã đạt và thậm chí vượt kế hoạch như: Đài truyền hình Việt Nam (100%), Ngân hàng Chính sách xã hội (100%) và một số tỉnh như Long An (71,5%), Hòa Bình (68,4%), Tiền Giang (67,9%), Thanh Hóa (66,64%)…, thì nhiều đơn vị khác lại có tỷ lệ giải ngân rất thấp, thậm chí bằng 0% như Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, hay các đô thị đầu tàu như Thành phố Hồ Chí Minh (21,29%) và Hà Nội (38,88%) cũng chỉ đạt tỷ lệ giải ngân tương đối thấp và ảnh hưởng đáng kể đến tỷ lệ giải ngân chung của cả nước.
Nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng giải ngân vốn đầu tư công chậm trễ, bao gồm cả những yếu tố khách quan và chủ quan.
Trong đó, vướng mắc lớn nhất nhất là khó khăn về giải phóng mặt bằng. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ thi công các dự án. Do, việc đền bù, tái định cư chưa được thực hiện kịp thời, hoặc chưa được người dân đồng thuận, dẫn đến nhiều dự án bị đình trệ.
Theo bà Nguyễn Thị Minh Thảo, Trưởng Ban Nghiên cứu Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, khâu chuẩn bị dự án, đặc biệt là giải phóng mặt bằng còn kéo dài. Sự thiếu quyết liệt của một số địa phương trong việc thực hiện công tác giải phóng mặt bằng cũng là nguyên nhân dẫn đến chậm trễ trên.
Bên cạnh đó, sự thiếu rõ ràng và thiếu thống nhất trong một số chính sách, cùng với những vướng mắc pháp lý, đã gây khó khăn cho việc triển khai dự án. Bà Nguyễn Thị Minh Thảo chỉ ra cơ chế, chính sách chưa kịp thời thay đổi, dẫn đến các thủ tục kéo dài. Cụ thể, việc cập nhật, ban hành và triển khai các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Đất đai mới còn chậm trễ, gây khó khăn cho các địa phương.
Thêm vào đó, các ý kiến chuyên gia cũng lưu ý đến năng lực quản lý dự án của một số địa phương còn yếu kém và thiếu kinh nghiệm, thiếu nguồn nhân lực có tay nghề cao. Điều này dẫn đến việc triển khai nhiều dự án thiếu hiệu quả. Trong khi, việc thiếu sự giám sát chặt chẽ, thiếu trách nhiệm của một số cán bộ cũng góp phần làm chậm trễ tiến độ.
Siêu bão Yagi tác động đến 20 tỉnh miền Bắc, miền Trung. Đến nay, các địa phương vẫn đang phải thực hiện công tác khắc phục sau bão. (Ảnh: Vietnam+)
Ngoài ra, thời tiết khắc nghiệt và thiên tai cũng ảnh hưởng đáng kể đến tiến độ thi công của nhiều dự án, đặc biệt là các công trình xây dựng, giao thông. Đặc biệt, tình trạng thiên tai, bão lụt, sạt lở đất nghiêm trọng ở các tỉnh phía Bắc, ảnh hưởng lớn đến tiến độ thi công, nhiều dự án phải tạm dừng để khắc phục hậu quả bão lũ (trong đó, siêu bão Yagi tác động đến 20 tỉnh miền Bắc, miền Trung. Đến nay, các địa phương vẫn đang phải thực hiện công tác khắc phục sau bão). Ngoài ra, sự sụt lún các tuyến đường giao thông, tình trạng khô hạn tại các tuyến kênh rạch ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long gây khó khăn trong quá trình vận chuyển vật tư vào công trình.
Một điểm nghẽn khác được ông Nguyễn Bá Hùng, Chuyên gia kinh tế trưởng tại Việt Nam, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nêu ra, là tình trạng thiếu nguồn lực, đặc biệt là vật liệu xây dựng, như việc thiếu cát đang là điểm nghẽn lớn. Điều này đã làm tăng giá thành, ảnh hưởng đến tiến độ và hiệu quả của các dự án, cộng thêm việc cấp phép khai thác, vận chuyển vật liệu còn chậm trễ.
Hơn nữa, một số ý kiến thẳng thắn chỉ ra việc cục bộ tại một số nơi, vẫn còn tình trạng cán bộ, công chức, viên chức có biểu hiện né tránh, đùn đẩy công việc, sợ sai, sợ trách nhiệm, thận trọng quá mức, không dám tham mưu, đề xuất xử lý gây ách tắc trong công tác tổ chức thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công.
Do đó, các chuyên gia cho rằng để đạt được mục tiêu 95%, cần có giải pháp toàn diện và sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống.
Cách nào để "về đích?"
Ngày 7/10, tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2024 trực tuyến với 63 địa phương, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã trình bày một số nội dung xin ý kiến Chính phủ. Cụ thể là Chính phủ chỉ đạo các địa phương đầu tàu, nhất là Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh tập trung đẩy mạnh tăng trưởng, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, giải ngân vốn đầu tư công, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án đầu tư. Bên cạnh đó, Chính phủ chỉ đạo 31 bộ, cơ quan và 23 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới mức trung bình cả nước tập trung đẩy mạnh giải ngân số vốn đầu tư công được giao.
Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng tham mưu Chính phủ cho phép Bộ Tài chính thực hiện nhập, phê duyệt dự toán năm 2024 trên TABMIS cho các nhiệm vụ, dự án của Bộ Giao thông vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội giao đơn vị không trực thuộc là chủ đầu tư. Theo đó, các Bộ nêu trên chịu trách nhiệm toàn diện trước Chính phủ, cơ quan kiểm tra, thanh tra, kiểm toán về việc lựa chọn chủ đầu tư thực hiện dự án và phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công năm 2024…
Bộ trưởng Bộ Kế Hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. (Ảnh: Vietnam+)
Bên cạnh đó, ông Dũng cũng đề xuất Chính phủ chỉ đạo các Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương hoàn thiện phương án phân bổ kế hoạch đầu tư công năm 2025 của các Chương trình mục tiêu Quốc gia theo quy định, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để kịp báo cáo Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8.
Riêng về phương án xử lý vướng mắc liên quan đến dự án Khu công nghiệp Phú Vinh và Hoành Sơn tại Khu kinh tế Vũng Áng, tỉnh Hà Tĩnh, (căn cứ Nghị quyết 128/NQ-CP ngày 8/9/2024 của Chính phủ), Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với các cơ quan để làm rõ cơ sở, hệ quả pháp lý và các vấn đề liên quan đối với hai khu công nghiệp nêu trên. Trên cơ sở đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ thống nhất để Thủ tướng Chính phủ giao Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh quyết định việc cho phép các dự án khu công nghiệp này được thực hiện.
Ngoài ra, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng chỉ ra tính đặc thù của nhiều năm nay là tỷ lệ giải ngân những tháng đầu năm thấp, nhưng xu hướng tăng nhanh ở những tháng cuối năm do các chủ đầu tư thường dồn khối lượng hoàn thành và làm thủ tục giải ngân để giảm số lần phải làm thủ tục thanh toán.
Do đó, mục tiêu 95% giải ngân vốn đầu tư công trong những tháng cuối năm là thách thức lớn song không phải là không thể đạt được. Tuy nhiên, điều này cần sự phối hợp chặt chẽ và sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị. Bên cạnh đó, sự minh bạch, trách nhiệm của tất cả các bên liên quan là yếu tố then chốt để đạt được mục tiêu đề ra./.
(Vietnam+)
Nguồn VietnamPlus : https://www.vietnamplus.vn/cuoc-dua-nuoc-rut-de-dam-bao-muc-tieu-giai-ngan-von-dau-tu-cong-95-post981776.vnp