Cán bộ Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh làm việc ngày đêm để kịp tiến độ số hóa dữ liệu đất đai
Nhiệm vụ cấp thiết
Thực hiện Kế hoạch số 1777/KH-UBND ngày 15/4/2025 của UBND tỉnh Hải Dương, toàn tỉnh đang gấp rút triển khai chiến dịch thu thập, số hóa dữ liệu giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (viết tắt là giấy chứng nhận) và thông tin căn cước công dân nhằm phục vụ kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đây là một bước đi cấp thiết trong lộ trình chuyển đổi số ngành tài nguyên và môi trường, tạo nền tảng cho công tác quản lý nhà nước hiện đại, minh bạch và hiệu quả.
Theo thống kê từ Sở Nông nghiệp và Môi trường, toàn tỉnh hiện có khoảng 890.000 thửa đất dân cư. Khoảng 150.000 thửa đã được cập nhật vào cơ sở dữ liệu đất đai của tỉnh. Khoảng 654.000 thửa đã được cấp giấy chứng nhận nhưng chưa được cập nhật vào hệ thống số hóa. Khoảng 40.000 thửa đất chưa được cấp giấy chứng nhận lần đầu, cần điều tra bổ sung. Đặc biệt, 46.000 thửa đất tại huyện Kim Thành tuy đã có dữ liệu địa chính từ năm 2015 nhưng chưa được bàn giao để tích hợp vào hệ thống.
Tính đến đầu tháng 5/2025, kết quả thực hiện tại một số địa phương vẫn còn khiêm tốn. Cụ thể, huyện Tứ Kỳ mới thu thập được 34 giấy chứng nhận, Bình Giang 1.094 giấy chứng nhận, Ninh Giang 2.070 giấy chứng nhận và Kim Thành 2.914 giấy chứng nhận. Trong khi đó, toàn TP Hải Dương đã thực hiện nhập dữ liệu của 3.697 giấy chứng nhận và số hóa được 3.129 giấy. So với khối lượng công việc cần hoàn thành trước ngày 20/5/2025, tiến độ này còn chậm và đặt ra nhiều áp lực cho các địa phương.
Số hóa dữ liệu đất đai không đơn thuần là sao chụp hồ sơ giấy. Quy trình này bao gồm rà soát thông tin giấy chứng nhận đang lưu trữ, kiểm tra trùng khớp với bản đồ địa chính, sổ mục kê, chuẩn hóa thông tin chủ sử dụng đất theo mã định danh cá nhân 12 số. Các địa phương nói chung, ở TP Chí Linh nói riêng đã triển khai quy trình 9 bước từ tuyên truyền, phân công nhiệm vụ, thu thập – số hóa – nhập liệu, đến báo cáo hằng ngày. Trường hợp giấy chứng nhận đang thế chấp tại ngân hàng, người dân không có bản sao, tổ thu thập phải lập danh sách xác minh, đồng thời phối hợp với các tổ chức tín dụng để cung cấp thông tin theo biểu mẫu excel.
Cán bộ phường Thái Học (Chí Linh) thực hiện thu thập dữ liệu, scan giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
Trong tháng 4/2025, toàn tỉnh Hải Dương đã làm sạch dữ liệu địa chính và cập nhật thông tin mới đối với 4.246 hồ sơ; số hóa đầu vào và kết quả đầu ra cho 14.355 hồ sơ; nâng tổng số hồ sơ đất đai đã số hóa toàn tỉnh lên 348.800 bộ. Đây là kết quả cho thấy sự nỗ lực của các cơ quan chức năng trong cải cách hành chính và chuẩn hóa dữ liệu phục vụ dịch vụ công.
Đòi hỏi vào cuộc toàn diện
Trước yêu cầu về tiến độ, UBND tỉnh và các sở, ngành đã có nhiều văn bản chỉ đạo, đôn đốc, yêu cầu lãnh đạo các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm toàn diện về kết quả thực hiện. Cơ chế phối hợp liên ngành được kích hoạt: Sở Nông nghiệp và Môi trường chủ trì kỹ thuật, Công an tỉnh hỗ trợ xác minh định danh, các tổ chức tín dụng cung cấp thông tin thế chấp, đoàn thể địa phương tham gia hỗ trợ vận động người dân.
Là địa phương có lượng dữ liệu phải thu thập, số hóa lớn nhất tỉnh, Chủ tịch UBND TP Hải Dương Nguyễn Văn Kiên đã giao nhiệm vụ cụ thể cho từng phường, xã. Các tổ “thu thập thông tin giấy chứng nhận và căn cước công dân” được thành lập tại cấp xã, do Chủ tịch UBND xã làm tổ trưởng, huy động công chức địa chính, công an xã, trưởng thôn, khu dân cư, Đoàn Thanh niên và Hội Phụ nữ tham gia. Mỗi tổ phải báo cáo tiến độ hằng ngày, đồng thời bố trí thêm lực lượng, kéo dài thời gian làm việc ngoài giờ hành chính để bù đắp khối lượng còn thiếu.
Tuy nhiên, quá trình triển khai thực tế không tránh khỏi những khó khăn. Nhiều trường hợp người sử dụng đất đã mất, đang thực hiện thủ tục hành chính, hoặc vắng mặt lâu dài khiến việc xác minh thông tin bị gián đoạn. Một bộ phận người dân chưa hợp tác cung cấp giấy tờ vì lo ngại thông tin cá nhân bị lộ lọt. Với những trường hợp này, chính quyền cơ sở được yêu cầu tăng cường tuyên truyền, vận động để người dân hiểu rõ quyền lợi từ việc số hóa dữ liệu – như được ưu tiên xử lý nhanh các thủ tục đất đai, tránh sai sót trong xác nhận quyền sở hữu...
Tổ công tác của phường Ái Quốc (TP Hải Dương) tiến hành thu thập thông tin giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại gia đình ông Đào Văn Sơn ở khu Vũ Xá (ảnh cơ sở cung cấp)
Lợi ích từ việc số hóa dữ liệu đất đai là rất rõ ràng. Người dân có thể tra cứu thông tin giấy chứng nhận chỉ bằng căn cước công dân, không phải trình nộp lại nhiều lần các giấy tờ đã được số hóa. Chính quyền cũng giảm đáng kể thời gian xác minh, phê duyệt và giải quyết thủ tục. Theo báo cáo tháng 4/2025 của Ban Chỉ đạo Đề án 06 tỉnh Hải Dương, tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính số hóa trên toàn tỉnh đạt 77,36%; tỷ lệ hồ sơ xử lý đúng hạn đạt 97,32%; riêng lĩnh vực đất đai, số lượng hồ sơ đã được kết nối và tái sử dụng dữ liệu từ kho điện tử là 58.747 hồ sơ.
Tỉnh đang thí điểm tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính không phụ thuộc địa giới hành chính đối với 2 nhóm thủ tục đất đai tại Trung tâm Phục vụ hành chính công. Đây là mô hình hứa hẹn giảm tải cho cấp xã, rút ngắn thời gian chờ đợi và nâng cao trải nghiệm dịch vụ cho người dân và doanh nghiệp.
Số hóa dữ liệu đất đai là chìa khóa mở ra cánh cửa quản trị hiện đại trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường. Để đạt được mục tiêu này trong thời gian ngắn, đòi hỏi sự đồng bộ, quyết liệt từ các cấp chính quyền, sự phối hợp hiệu quả giữa các ngành và quan trọng nhất là sự đồng thuận, hợp tác của người dân. Khi dữ liệu trở thành nền tảng phục vụ, một xã hội số minh bạch và hiệu quả sẽ không còn là khát vọng xa vời mà hiện hữu trong từng thủ tục về đất đai, tạo thuận lợi cho nhân dân.
NGÂN HẠNH