Trần Danh Trung đoạt danh hiệu Vua phá lưới Giải vô địch U.23 Đông Nam Á 2019. Ảnh: VFF
Vua phá lưới: Cầu thủ Việt Nam nhận giải nhiều nhất
Trước khi tới Indonesia kỳ này, Việt Nam đã tham gia 3 phiên bản U.23 ĐNA (2019, 2022 và 2023). Ngay ở lần đầu tranh tài tại sân chơi trẻ này, Trần Danh Trung xuất sắc có danh hiệu Vua phá lưới với 3 bàn thắng, bằng với cầu thủ của Thái Lan là Saringkan Promsupa và Marinus Wanewar của đội vô địch Indonesia.
Ở phiên bản gần nhất năm 2023, 1 cầu thủ Việt Nam khác là Đinh Xuân Tiến nối gót Danh Trung giành giải thưởng Vua phá lưới. Trùng hợp là Xuân Tiến cũng đóng góp 3 bàn nhưng niềm vui nhân đôi cho anh khi cùng Việt Nam bảo vệ thành công chức vô địch U.23 ĐNA.
Xen giữa hai kỳ giải này, năm 2022 ghi nhận chân sút của Thái Lan là Teerasak Poeiphimai đứng đầu danh sách ghi bàn, cũng với 3 pha lập công. Giải kỳ này chứng kiến đội tuyển U.23 Việt Nam lên ngôi cao nhất.
Trong khi đó, tại Giải vô địch U.23 ĐNA lần đầu tiên được tổ chức vào năm 2005 không có danh hiệu cá nhân nào được trao. Giải năm 2005 có 8 đội tham dự là Myanmar, Malaysia, Philippines, Timor-Leste (bảng A); Thái Lan, Singapore, Lào, Campuchia (bảng B). Chủ nhà Thái Lan xứng đáng lên ngôi cao nhất với 5 trận toàn thắng, trong đó có trận “hủy diệt” Malaysia 7-0 ở bán kết và Singapore 3-0 trong trận chung kết.
Ở cuộc đua vua “dội bom” năm nay, nếu không có gì quá bất ngờ tiền đạo Jens Raven của đội tuyển U.23 Indonesia sẽ được vinh danh. Chân sút cao 1m89 gốc Hà Lan hiện ghi tới 7 bàn, bỏ rất xa nhóm bám đuổi. Raven lập kỷ lục ghi bàn nhiều nhất trong 1 trận đấu ở Giải U.23 ĐNA với 6 bàn vào lưới U.23 Brunei. Cầu thủ chưa tròn 20 tuổi này cũng đã vượt qua Xuân Tiến (4 bàn) của Việt Nam trong danh sách ghi nhiều bàn thắng nhất lịch sử sân chơi này. Anh hiện có gấp đôi số pha lập công so với các cầu thủ giành danh hiệu Vua phá lưới ở các kỳ giải đã qua.
Dấu hỏi dành cho các giải thưởng cá nhân khác
Chỉ tới 2 phiên bản gần nhất của Giải U.23 ĐNA, Ban tổ chức mới quyết định trao các giải thưởng khác, ngoài Vua phá lưới. Và ngay lần đầu các giải thưởng được mở rộng, tranh cãi đã xảy ra. Dù dừng bước ở vòng bảng nhưng U.23 Lào lại có thành viên được trao giải Cầu thủ xuất sắc nhất, đó là Bounphachan Bounkong. Tiền vệ này ghi 2 bàn ở 2 lượt trận trước cùng 1 đối thủ U.23 Malaysia ở bảng đấu mà U.23 Indonesia và U.23 rút lui do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Cũng trong năm 2022, Hul Kimhuy của Campuchia được trao danh hiệu Thủ môn xuất sắc nhất. Danh hiệu này cũng gây tranh cãi không kém khi Hul Kimhuy cùng chủ nhà Campuchia thậm chí bị loại ngay vòng bảng. Trong khi đó nhà vô địch U.23 Việt Nam không có thành viên nào được bình chọn ở các hạng mục cá nhân.
Tình hình đổi khác ở phiên bản năm 2023, khi U.23 Việt Nam có Quan Văn Chuẩn được bình chọn là Thủ môn xuất sắc nhất và Đinh Xuân Tiến đồng nhận giải Vua phá lưới với Alif Ikmalrizal (Malaysia). Trong khi đó, đội Á quân Indonesia có Arkhan Fikri nhận giải thưởng Cầu thủ xuất sắc nhất.
Các cầu thủ U.23 Việt Nam trong niềm vui vào chung kết Giải U.23 Đông Nam Á 2025. Ảnh: VFF
Các giải thưởng cá nhân, ngoại trừ Vua phá lưới, được trao phần nào có yếu tố cảm tính trong trường hợp không có nhân tố nào thật sự nổi bật. Nhưng suy cho cùng, bóng đá vẫn là môn thể thao tập thể, danh hiệu tập thể rõ ràng quan trọng hơn rất nhiều so với những giải thưởng cá nhân. Đó là lý do thôi thúc các cầu thủ thể hiện hết mình vì màu cờ sắc áo của đội tuyển. Đây hẳn là điều mà hai đội chuẩn bị đá chung kết U.23 Việt Nam và U.23 Indonesia hiểu hơn ai hết.
Hãy cùng chờ màn thể hiện của "Những chiến binh Sao vàng" và đội chủ nhà trong trận chung kết diễn ra lúc 20h00 ngày 29-7 trên sân vận động quốc gia Bung Karno.
PTT