Cuộc gặp của 'người Mỹ nói tiếng Việt, người Việt nói tiếng Mỹ' nhưng chung tình yêu Việt Nam

Cuộc gặp của 'người Mỹ nói tiếng Việt, người Việt nói tiếng Mỹ' nhưng chung tình yêu Việt Nam
5 giờ trướcBài gốc
Cuộc gặp của những người có chung tình yêu Việt Nam diễn ra tại khách sạn Caravelle Sài Gòn, ngày 27/4. (Ảnh: Nguyễn Hồng)
Caravelle Sài Gòn không còn lạ đối với cánh phóng viên chiến trường trong giai đoạn chiến tranh tại Việt Nam. Khách sạn sang trọng này từng là nơi truyền tin về chiến tranh Việt Nam, cũng là địa điểm sinh hoạt của phóng viên quốc tế trước ngày 30/4/1975.
Chiều 27/4, trong không khí Việt Nam vui mừng Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, đất nước sum họp một nhà, trên tầng 9 của khách sạn mang đậm dấu ấn đặc biệt này đã diễn ra cuộc gặp cũng rất đặc biệt của hơn 50 phóng viên chiến trường quốc tế và Việt Nam, nhà văn, đạo diễn, nhiếp ảnh gia.
Chương trình gặp gỡ, giao lưu với các phóng viên chiến trường quốc tế của Việt Nam, từng tác nghiệp trong và sau thời kỳ chiến tranh giai đoạn kháng chiến chống Mỹ cứu nước do Bộ Ngoại giao phối hợp UBND TP. Hồ Chí Minh tổ chức.
Các phóng viên cùng tham quan Bảo tàng chứng tích chiến tranh ở TP. Hồ Chí Minh. (Ảnh: Nguyễn Hồng)
Có một điểm chung là họ đều là những người bạn của Việt Nam, cũng có thể coi là các nhân chứng lịch sử trong cuộc chiến tranh chống Mỹ. Bằng ngòi bút, ống kính của mình, họ đã cho cả thế giới thấy được những gì Việt Nam đã và đang trải qua trong cuộc chiến tranh năm xưa…
Tôi nhận ra những cái tên quen thuộc như phóng viên ảnh Nick Út (AP) gây chấn động thế giới với bức ảnh “Em bé Napalm” hay bà Edith M. Lederer - nữ phóng viên đầu tiên của AP được cử tới Việt Nam đưa tin về cuộc chiến… Nhiếp ảnh gia Nakamura Goro nổi tiếng với chùm ảnh về chất độc da cam ở Việt Nam - hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng chứng tích chiến tranh tại TP. Hồ Chí Minh…
Việt Nam - ngôi nhà chung của người Việt ở cả Bắc, Trung, Nam
Cựu phóng viên The New York Times và Tạp chí TIME, ông Tom Fox. (Ảnh: Nguyễn Hồng)
Mở đầu giao lưu, cựu phóng viên The New York TimesTạp chí TIME, ôngTom Fox sử dụng tiếng Việt lưu loát kể lại những kỷ niệm tại Việt Nam trong suốt những năm còn chìm trong khói lửa chiến tranh.
Ông Tom nhớ lại, năm 1966 khi vừa đủ tuổi nghĩa vụ, ông từ chối tham gia nhập ngũ mà xin đến Tuy Hòa, Phú Yên của Việt Nam để tham gia tình nguyện viên, giúp đỡ người dân ở bên kia bán cầu.
Ông Tom Fox hầu hết sử dụng tiếng Việt trong hành trình trở lại Việt Nam, chia sẻ, tận mắt chứng kiến những khổ đau mà người dân phải trải qua, ông quyết định trở thành một phóng viên. Ông bắt đầu học tiếng Việt, học ăn nước mắm... và vào năm 1971, Tom Fox đã cưới một cô gái Cần Thơ. “Tôi hạnh phúc lắm, chúng tôi đã cưới nhau năm 55 năm rồi”, cựu phóng viên Mỹ nói.
Phóng viên Tom Fox cũng cho biết, ông vô cùng hạnh phúc trong lần trở lại Việt Nam lần này, ông được chứng kiến sức sống mãnh liệt của những người trẻ Việt Nam, yêu thương chính mình và yêu thương lẫn nhau. “Việt Nam đã thực sự trở thành ngôi nhà chung của người Việt ở cả Bắc, Trung, Nam”.
Nhà văn, nhà báo cách mạng Đoàn Minh Tuấn (ngồi giữa) chia sẻ tại buổi gặp gỡ. (Ảnh: Nguyễn Hồng)
Nhà văn, nhà báo cách mạng Đoàn Minh Tuấn, 94 tuổi, từng là phóng viên chiến trường từ năm 1961 đến ngày thống nhất đất nước hóm hỉnh chia sẻ: "Tôi năm nay đã 94 tuổi. Tôi đã tham gia cách mạng chống lại cuộc xâm lược của Pháp và Mỹ và nay thì tôi chống... gậy.
Ông Tuấn cảm ơn những người bạn Mỹ - những người phản đối chiến tranh, luôn đồng lòng, sát cánh cùng người dân Việt Nam.
"Rất cám ơn những người bạn Mỹ đã luôn ở bên cạnh Việt Nam. Các bạn phóng viên chiến trường, dù phía bên kia hay bên này, chúng ta đều là những người bạn. Việt Nam có chính sách hòa hợp dân tộc và ngoại giao cây tre, dù gió nào thì rạp xuống rồi cũng vùng dậy, không thể đè bẹp được cây tre".
Lời chia sẻ vừa dứt, những cựu phóng viên cùng nắm tay nhau thật chặt, giơ cao thể hiện tinh thần đoàn kết, cho dù họ từng làm cho việc cho 2 bên chiến tuyến, nhưng họ có chung một tình yêu Việt Nam.
Vẻ đẹp của hòa bình ở Việt Nam
Bà Edith Madelen Ledever - nữ phóng viên đầu tiên của Hãng tin AP được cử đến Việt Nam để đưa tin về cuộc chiến tranh giai đoạn 1972-1973. (Ảnh: Nguyễn Hồng)
Trong cuộc giao lưu, bà Edith Madelen Ledever - nữ phóng viên đầu tiên của Hãng tin AP được cử đến Việt Nam để đưa tin về cuộc chiến tranh giai đoạn 1972-1973, cho biết bà đã chứng kiến nhiều cột mốc lịch sử quan trọng, trong đó có thời điểm quân đội Mỹ rút quân khỏi miền Nam Việt Nam năm 1973.
Bà Madelen chia sẻ, năm 1993, trở lại Việt Nam sau đúng 20 năm kể từ lần đầu tiên đặt chân đến dải đất hình S, điều ngạc nhiên nhất là “ở đâu tôi cũng được người dân chào đón, họ không hề thù hằn người Mỹ”.
“Sau đó, tôi cũng đã nhiều lần trở lại Việt Nam, đến TP. Hồ Chí Minh để dự lễ kỷ niệm 35 năm, 40 năm và giờ là 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam".
Nữ cựu phóng viên AP xúc động, trước kia, bà quen với cái tên Sài Gòn và hiện nay là TP. Hồ Chí Minh. Bây giờ, TP. Hồ Chí Minh ngày càng phát triển, với nhiều nhà cao tầng, cửa hàng, điều bà ấn tượng nhất là sự “cởi mở” của người dân nơi đây. "Trước đây tôi chỉ đưa tin về chiến tranh và lần quay lại này , đi dọc chiều dài Việt Nam để cảm nhận vẻ đẹp của hòa bình".
Cũng là nữ phóng viên, hoạt động trong giai đoạn Việt Nam còn chìm trong chiến tranh, đạo diễn, nhà văn, nhà báo Nguyễn Thị Xuân Phượng không giấu được sự xúc động khi có cơ hội gặp và giao lưu với các cựu phóng viên chiến trường quốc tế.
Đạo diễn, nhà văn, nhà báo Nguyễn Thị Xuân Phượng. (Ảnh: Nguyễn Hồng)
Bà Phượng kể lại, cách đây đúng 50 năm, bà là một trong những phóng viên đầu tiên theo Trung đoàn xe tăng vào Dinh Độc lập vào ngày 30/4/1975. Ngày 1/5/1975, bà và cả đoàn có mặt tại sân thượng của khách sạn Caravelle - địa điểm họp mặt, làm việc của nhóm phóng viên nước ngoài tại Sài Gòn.
Theo bà, phóng viên chiến trường của cả hai phía đều là những nhà báo dày dạn nhiều kinh nghiệm, sẵn sàng hy sinh vì đặc thù nghề nghiệp.
Cuộc giao lưu sau 50 năm này cũng được tổ chức tại sân thượng của khách sạn Caravelle, khiến bà Xuân Phượng không khỏi ngậm ngùi khi nghĩ đến đến các đồng nghiệp đã ngã xuống, cả phóng viên Việt Nam và quốc tế.
Bà Phượng chia sẻ câu chuyện về bức thư từ con trai của một đồng nghiệp người Pháp đã mất nói rằng, bố của anh ấy có khuyên “Phải một lần đến Việt Nam, thăm lại những nơi bố đã đi qua để hiểu vì sao bố lại tự nguyện đến với Việt Nam trong những năm ấy”.
Cùng chiến sĩ giải phóng quân ăn sáng
Phóng viên Nayan Chanda, người Ấn Độ, phóng viên thường trú của Tạp chí Far Eastern Economic Review (FEER) tại Đông Dương. (Ảnh: Nguyễn Hồng)
Phóng viên Nayan Chanda, người Ấn Độ, phóng viên thường trú của Tạp chí Far Eastern Economic Review (FEER) tại Đông Dương chia sẻ kỷ niệm về bữa ăn sáng với một chiến sĩ giải phóng quân ngay tại nhà mình.
Có mặt ở Sài Gòn vào những thời điểm đầu tiên sau giải phóng, ông tình cờ nấu bữa sáng cho người chiến sĩ này và cùng ăn sau khi vượt qua những căng thẳng, nghi ngờ.
“Có lẽ, chiến sĩ này vào nhà tôi để tìm xem có quân đội của chính quyền cũ ẩn núp hay không. Sau khi tôi mang một bài báo về Lenin do mình viết ra, hai người đã vui vẻ cùng dùng bữa sáng”, ông Nayan Chanda nói.
Nhớ lại những năm tháng tác nghiệp tại miền Nam Việt Nam, ông Nayan Chanda cho biết, bản thân đã phớt lờ những cảnh báo: “nên rời khỏi Sài Gòn” để ở lại chứng kiến và ghi lại khoảnh khắc lịch sử của 50 năm trước - thời điểm mang tính quyết định, mở ra một chương mới cho người dân Việt Nam.
“Thay vì di tản như phần lớn các phóng viên quốc tế lúc bấy giờ, tôi quyết định ở lại Sài Gòn sau ngày 30/4 năm đó, để quan sát cuộc sống dưới chính quyền mới”, ông Nayan Chanda cho biết.
Và cũng nhờ đó, ông Nayan Chanda đã ghi lại bức tranh chân thực về bầu không khí “yên ắng đến lạ thường” trên đường phố Sài Gòn sáng 1/5/1975.
Ông Nayan Chanda người Ấn Độ và bà Edith Madelen Ledever cựu phóng viên AP chia sẻ cùng đồng nghiệp. (Ảnh: Nguyễn Hồng)
Các cựu phóng viên chiến trường chụp ảnh lưu niệm. (Ảnh: Nguyễn Hồng)
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm. (Ảnh: Nguyễn Hồng)
Mỗi người một câu chuyện, nhưng tất cả cựu phóng viên chiến trường đều có điểm chung là tình cảm nồng nàn với dải đất hình chữ S. Và tại cuộc hội ngộ đặc biệt này, khi người Mỹ dùng tiếng Việt và người Việt nói tiếng Mỹ để cùng chia sẻ những kỷ niệm của 50 năm trước, họ cùng cho thấy một ngôn ngữ yêu chuộng hòa bình và tình yêu đất nước Việt Nam tươi đẹp. Chính điều đó một lần nữa khẳng định giá trị của hòa bình, hòa hợp, cũng như thể hiện sự tri ân của Việt Nam đối với bạn bè quốc tế đã đứng về phía Việt Nam trong thời điểm khó khăn.
Nguyễn Hồng
Nguồn TG&VN : https://baoquocte.vn/cuoc-gap-cua-nguoi-my-noi-tieng-viet-nguoi-viet-noi-tieng-my-nhung-chung-tinh-yeu-viet-nam-312575.html