Cuộc hội ngộ xúc động của những đặc công biệt động Lữ đoàn 316

Cuộc hội ngộ xúc động của những đặc công biệt động Lữ đoàn 316
2 giờ trướcBài gốc
Đầu năm 1974, nhằm đáp ứng yêu cầu chiến lược về mặt quân sự, khẩn trương chuẩn bị cho trận quyết chiến cuối cùng giải phóng miền Nam, đồng thời phát huy tối đa lợi thế chiến thuật của lực lượng biệt động đặc công đối với chiến trường đô thị phức tạp như Sài Gòn, Bộ Tư lệnh Miền đã ra quyết định thành lập Lữ đoàn 316 đặc công biệt động, trực thuộc Bộ Tham mưu Miền.
Lữ đoàn được biên chế các cán bộ, chiến sĩ chủ yếu từ Phòng Tình báo Bộ Tham mưu B2, các đơn vị đặc công biệt động Sài Gòn - Chợ Lớn và các lực lượng đặc công bộ, đặc công nước được đào tạo bài bản từ hậu phương lớn miền Bắc bổ sung vào.
Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, các chiến sĩ Lữ đoàn 316 đã tham gia nhiều trận đánh then chốt, táo bạo, bất ngờ trong nội thành Sài Gòn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Nhất là chiếm được cơ quan Bộ Tổng Tham mưu của địch, làm tê liệt hệ thống phòng thủ nội đô, tạo thuận lợi hỗ trợ đắc lực cho các cánh quân chủ lực thần tốc tiến vào giải phóng thành phố, góp phần quan trọng kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, thống nhất đất nước vào ngày 30/4/1975.
50 năm qua, ký ức về một thời chiến đấu anh dũng vẫn còn vẹn nguyên trong lòng các cựu chiến binh của Lữ đoàn Đặc công biệt động 316
50 năm trôi qua, những mái tóc xanh ngày nào của các chàng trai, cô gái tuổi đôi mươi Lữ đoàn đặc công biệt động 316 nay đã bạc phơ, nhưng ký ức về một thời chiến đấu anh dũng vẫn còn vẹn nguyên. Trong vòng tay đồng chí, đồng đội, các cựu chiến binh cùng ôn lại trang sử vẻ vang của một đơn vị anh hùng, nơi họ đã kề vai sát cánh trong từng trận chiến, làm nên những chiến công oanh liệt.
Ông Hà Trung Hậu, năm nay gần 70 tuổi cho biết ông từ Vĩnh Long lên TP.HCM để gặp lại đồng đội, xúc động khi nhớ lại những ngày tháng cùng sống và chiến đấu. "Lúc chuẩn bị ra trận thì hồi hộp lắm, cũng sợ chết nhưng khi xung phong lên thì không còn biết sợ. Rất tự hào và mong rằng thế hệ sau ráng cố gắng học tập và rèn luyện, hết lòng yêu nước", ông Hậu nói.
Tại buổi họp mặt, Đại tá Nguyễn Văn Tàu - tức Tư Cang, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Trưởng Ban Liên lạc cựu chiến binh Lữ đoàn 316 đặc công biệt động Bộ Tham mưu Miền, nhắc nhớ những chiến công của Lữ đoàn 316 mà ông từng làm Chính ủy. Không chỉ là những thành tích vẻ vang, mà đằng sau đó là bao hy sinh mất mát, bằng mọi giá phải hoàn thành nhiệm vụ được giao, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào.
Lãnh đạo TP.HCM thăm hỏi Đại tá Nguyễn Văn Tàu, Trưởng Ban Liên lạc cựu chiến binh Lữ đoàn 316 đặc công biệt động Bộ Tham mưu Miền
Đặc biệt là trận đánh chiếm cầu Rạch Chiếc vào ngày 27/4/1975, Lữ đoàn 316 khi đó với phiên hiệu là Z23, 52 đồng chí đã hy sinh trong một trận chiến không cân sức.
"Cầu Rạch Chiếc là chỗ đánh sớm nhất trong Sài Gòn và ác liệt nhất. Địch đem khí tài phản kích, ta đánh từ khuya ngày 27, giữ rồi phải lui ra chỗ mấy con rạch, sau đó ta lại chiếm lại trong ngày 30/4. Lúc đó chỉ còn trên dưới 10 người, 52 đồng chí hy sinh tại cầu Rạch Chiếc, bây giờ có bia tưởng niệm. Hy sinh rất lớn nhưng đã giữ được cầu cho Lữ đoàn 203 xe tăng đi qua lúc 6h30 sáng để tiến về bắt Dương Văn Minh", Đại tá Nguyễn Văn Tàu nhớ lại.
Nhắc lại những trang sử vẻ vang để cùng ôn lại bối cảnh ra đời đặc biệt của Lữ đoàn 316 đặc công biệt động - Bộ Tham mưu Miền (B2), Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thanh Nghị khẳng định: Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố luôn tự hào, trân trọng và tri ân sâu sắc những cống hiến, công lao to lớn, hy sinh xương máu của biết bao thế hệ đồng bào, chiến sĩ, trong đó có các cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 316 đặc công biệt động anh hùng, để hôm nay Thành phố được sống trong hòa bình, phát triển đi lên.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thanh Nghị phát biểu tại buổi họp mặt
"Các đồng chí mãi là niềm tự hào, là tấm gương, là điểm tựa tinh thần quý giá cho thành phố trong hành trình tiếp bước cha anh. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố mong muốn và tin tưởng rằng các cựu chiến binh Lữ đoàn 316 đặc công biệt động anh hùng tiếp tục phát huy truyền thống đặc công thép, biệt động anh hùng, tiếp tục giữ vững tinh thần chiến sĩ cách mạng trong cuộc sống đời thường, truyền lửa cách mạng, truyền động lực phấn đấu cho thế hệ trẻ. Các chú, các bác tiếp tục đồng hành, đóng góp trí tuệ và kinh nghiệm quý báu để cùng xây dựng TP.HCM vững bước tiến vào kỷ nguyên phát triển, phồn vinh, văn minh, hiện đại, nghĩa tình", ông Nguyễn Thanh Nghị khẳng định.
Sau ngày giải phóng, Lữ đoàn 316 tiếp tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam, tham gia chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979. Quá trình hoạt động chiến đấu, thực hiện nhiệm vụ, cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 316 đã mưu trí, kiên cường, oanh liệt, dũng cảm hy sinh vì đất nước. Lữ đoàn được trao tặng nhiều danh hiệu cao quý của Đảng, Nhà nước, trong đó 7 cá nhân được tặng thưởng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Ngọc Xuân/VOV-TP.HCM
Nguồn VOV : https://vov.vn/xa-hoi/cuoc-hoi-ngo-xuc-dong-cua-nhung-dac-cong-biet-dong-lu-doan-316-post1193320.vov