Cuộc tấn công tầm xa tự động từ 'UAV mẹ' của Ukraine sẽ gây rắc rối lớn cho Nga?

Cuộc tấn công tầm xa tự động từ 'UAV mẹ' của Ukraine sẽ gây rắc rối lớn cho Nga?
2 giờ trướcBài gốc
Ukraine sử dụng “UAV mẹ” nhắm vào điểm yếu của Nga
"Một phương tiện trị giá 10.000 USD nay có thể thay thế các hệ thống tên lửa từng tiêu tốn từ 3 - 5 triệu USD", ông Andrii - Giám đốc Công nghệ (CTO) của công ty StratForce cho biết.
Cách tiếp cận của StratForce là sử dụng tàu mẹ GOGOL-M tái sử dụng, có thể mang theo 2 máy bay không người lái góc nhìn thứ nhất (FPV) nhắm vào các mục tiêu chính xác ở khoảng cách lên tới 300 km. Chiến lược này tận dụng khả năng của các UAV nhỏ trong việc gây thiệt hại lớn cho các mục tiêu dễ bị tổn thương như máy bay đang đỗ, hệ thống phòng không hoặc cơ sở hạ tầng quân sự.
Tàu mẹ GOGOL-M. Ảnh: Strategy Force Solutions
Ông Andrii nói rằng hiện chưa thể công bố hình ảnh về các cuộc tấn công vốn chưa được xác minh độc lập. Tuy nhiên, theo ông, đây là bước phát triển tự nhiên của các tàu mẹ UAV vốn đã được Ukraine sử dụng trước đó và các FPV với khả năng nhắm vào mục tiêu tự động sử dụng công nghệ AI. Trên thực tế, đây là phiên bản vận hành thực tế của loại vũ khí tự hành tầm xa mà Cơ quan Đổi mới Quốc phòng (DIU) của Lầu Năm Góc đang gấp rút phát triển hay tàu mẹ triển khai bầy đàn UAV CGI mà Trung Quốc giới thiệu gần đây,
“Khi kết hợp các FPV cỡ nhỏ với tàu mẹ sử dụng trí tuệ nhân tạo, chúng tôi có thể đảm bảo tấn công chính xác", ông Andrii nói.
Sản phẩm chủ lực của StratForce là SmartPilot - một hệ thống điều khiển tự động kết hợp cảm biến tiên tiến và trí tuệ nhân tạo. Xuất phát điểm là từ hệ thống giám sát cơ sở hạ tầng, nhưng khác với các loại UAV dùng camera cơ bản, yêu cầu độ chính xác cao trong chiến đấu khiến họ phải phát triển hệ thống vượt trội hơn.
Theo ông Andrii: “Về một số mặt, nó giống như xe tự lái. Để hệ thống điều khiển tự động hoạt động chính xác, chúng cần rất nhiều camera. Trong không trung thì ít chướng ngại vật hơn nhưng hệ thống vẫn cần nhẹ, đơn giản. Đó là lý do chúng tôi phát triển tổ hợp camera, cảm biến LIDAR và hệ thống liên lạc để AI có thể điều hướng, phối hợp cũng như né vật cản".
LIDAR là công nghệ cảm biến bằng laser, giúp tạo bản đồ 3D môi trường xung quanh và hoạt động tốt bất kể điều kiện thời tiết hay ánh sáng. Điểm nổi bật khác là khả năng kết hợp nhiều dữ liệu cảm biến trong một hệ thống AI tổng hợp.
“SmartPilot sử dụng phương pháp hợp nhất dữ liệu đa cảm biến, kết hợp dữ liệu nhận thức môi trường và nhận diện mục tiêu", ông Andrii nói.
Hệ thống sẽ tạo ra “bức tranh tổng thể” giúp AI tự ra quyết định, lên kế hoạch cho lộ trình và thực hiện nhiệm vụ tương tự như phi công thật. Theo ông: "“Một trong những thách thức lớn là làm sao mô phỏng chuyến bay như thể có người điều khiển từ xa. Làm sao để UAV tự né vật cản, xử lý trong thời gian thực với giới hạn về năng lực xử lý".
SmartPilot có thể thực hiện các nhiệm vụ tấn công hoàn toàn tự động, từ việc tìm đường bay đến xác định và tấn công mục tiêu.
“Hệ thống cho phép bay tự động, điều hướng và tác chiến mà không cần GPS hay người điều khiển liên tục", ông Andrii nhấn mạnh.
Các nhiệm vụ tấn công
Trong một kịch bản tiêu chuẩn, tàu mẹ GOGOL-M với sải cánh dài khoảng 6 mét sẽ bay đến khu vực mục tiêu, sau đó thả ra hai FPV, mỗi chiếc đều được tích hợp phiên bản nhẹ hơn của hệ thống SmartPilot. Tàu mẹ sau đó quay trở về căn cứ, trong khi các FPV sẽ tiếp tục thực hiện nhiệm vụ xác định, nhận dạng và tấn công các mục tiêu đã được định sẵn như: căn cứ không quân, bệ phóng tên lửa hoặc hệ thống phòng không.
Ông Andrii lưu ý rằng hệ thống này cũng rất hiệu quả khi nhằm vào các hạ tầng dễ bị tổn thương như kho chứa dầu, mạng lưới truyền tải điện và tuyến đường sắt.
Không giống như các UAV cảm tử Shahed, vốn chỉ mang theo một đầu đạn và đánh trúng một mục tiêu duy nhất, tàu mẹ GOGOL-M có thể mang nhiều UAV tấn công, đánh trúng nhiều mục tiêu rồi quay trở về để tái sử dụng. Đặc biệt, không như Shahed chỉ có thể đánh vào mục tiêu tĩnh, hệ thống SmartPilot hỗ trợ các nhiệm vụ phức tạp hơn.
“Nó hỗ trợ các nhiệm vụ phục kích, hạ cánh và chờ mục tiêu, cũng như tìm kiếm tự động theo thời gian thực", ông Andrii nói.
Các UAV có thể hạ cánh và chờ đợi tại một căn cứ không quân để tấn công khi máy bay đến hoặc rời khỏi hầm trú ẩn. Chúng cũng có thể được bố trí sẵn trên tuyến đường di chuyển của một đoàn xe, sẵn sàng tấn công tự động khi mục tiêu xuất hiện - một chiến thuật hiện đã được sử dụng rộng rãi.
Ông Andrii cho biết StratForce hiện có khả năng sản xuất 50 UAV mẹ GOGOL-M mỗi tháng và 400 FPV nhưng điều đó còn phụ thuộc vào việc nhận được hợp đồng từ quân đội.
Cho đến nay, phản hồi từ các nhiệm vụ thử nghiệm đều tích cực.
“Cảm giác như đang chơi trò chơi điện tử vậy. Tôi chỉ cần thiết lập các điểm đường bay, chọn mục tiêu và xem nó hoạt động", Ông Andrii dẫn lời một người dùng cho biết.
“Thật thú vị khi theo dõi từ trung tâm điều phối. Tôi chỉ ước gì có thể tăng kích thước đầu đạn và mở rộng tầm xa lên 500 km", một người dùng khác nhận định.
Yếu tố quan trọng nhất trong giải pháp của StratForce là phần mềm. Cả UAV mẹ lẫn FPV đều có thể được thiết kế với bất kỳ kích thước, hình dạng hay cấu hình nào. Nếu người dùng muốn một UAV mẹ lớn, chạy bằng phản lực giống như UAV SS của Trung Quốc, hay các UAV tấn công cánh cố định lớn hơn hoặc thậm chí là các tàu hay xe tăng robot mang theo UAV thì đều có thể thực hiện được.
Bước đầu tiên quan trọng là khả năng đưa nhiều UAV tấn công nhỏ, tự động tới mục tiêu ở khoảng cách xa, nay đã được hoàn thành. Chúng ta hiện chưa biết phiên bản 1.0 này hiệu quả đến đâu, hay giới hạn của nó là gì. Nhưng hệ thống này rất có thể sẽ gây ra không ít rắc rối cho Nga trong những tháng tới.
Kiều Anh/VOV.VN (biên dịch) Theo: Forbes
Nguồn VOV : https://vov.vn/quan-su-quoc-phong/cuoc-tan-cong-tam-xa-tu-dong-tu-uav-me-cua-ukraine-se-gay-rac-roi-lon-cho-nga-post1202587.vov