Cuối năm nơi đất khách

Cuối năm nơi đất khách
3 giờ trướcBài gốc
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Đi trong chiều nắng thật lung linh ấm áp của khí trời phương Nam mà lòng lại thèm cái cái lạnh trong nền trời đục bạc của quê hương đất Bắc. Nhìn mai vàng rực rỡ hồn lại muốn được thả theo sắc hồng của cành đào thắm xinh xinh. Là lòng ta đang nhớ quê hương đến da diết khôn nguôi đó. Giờ này bố đã chọn cành đào phai đẹp nhất ngoài vườn để vào cắm trong bình. Mẹ ngâm nếp và đãi đỗ xanh, bố chẻ sợi giang và hái lá dong chuẩn bị cho việc gói bánh chưng. Chỉ mường tượng vậy thôi, lòng đã thao thiết nhớ những mùa tết đã xa chỉ còn lại trong kí ức...
Khi còn bé, mỗi khi gần tết mình được giao nhiệm vụ rửa lá dong rồi ngồi xem bố mẹ gói bánh. Bố gói bánh chưng với cái khuôn lá dừa tự tay làm thật khéo léo. Còn mẹ gói bánh tét xong giao cho con lăn qua lăn lại cho tròn đòn. Khi hai chị em cùng bóc vỏ hành làm dưa món, giả vờ khóc khi hương hành phả vào mắt cho nước mắt giàn giụa trên má. Nước mắt chảy mà miệng lại cười. Thế là cả nhà cùng vui.
Chiều cuối năm, thèm được quây quần bên gia đình thuở còn có ông bà, bố mẹ, có em. Bên nồi bánh sùng sục sôi giữa gian bếp, cả nhà hàn huyên bao nhiêu câu chuyện buồn vui đã qua. Khói nồi bánh thơm, mùi thơm lá dong quyện cùng mùi nếp đồng với lớp nhân được giấu bên trong. Lửa hồng ấm áp, hai chị em khều than ra để chơi và nghe bà kể chuyện ngày xửa ngày xưa không chán. Khi bánh chín, hai chị em được bà cho hai cái bánh be bé xinh xinh. Đó là cái bánh của số nếp ít ỏi còn lại bà vét trong đáy rổ gói riêng cho cháu nhỏ. Chẳng hiểu từ đâu mà bà cứ gọi đó là cái bánh “đù đày”. Niềm vui thích in vào đôi má hồng của hai đưa trẻ, ánh mắt bà long lanh giữa những đường chân chim nứt nẻ những yêu thương. Ngoài trời tối mịt, gió rét chỉ đậu nơi bậu cửa ngóng vào. Giờ đã lớn rồi mà sao vẫn thèm được nhận cái bánh “đù đày” như thuở bé. Những cuối năm xưa còn đâu?
Chiều cuối năm, chỉ cần một ngọn khói lam bên nhà ai bay lên không trung cũng làm lòng người rưng rưng nhớ gian bếp củi năm nào của mẹ. Mấy ngày giáp tết, mẹ xách giỏ ra chợ, đi về, về rồi lại đi... sao mua hoài mà vẫn thiếu. Hẳn cũng nhờ vậy nên bếp của mẹ lúc nào cũng đủ đầy. Căn bếp sột soạt âm thanh rang nếp, rang lạc để ngào bánh ong. Căn bếp thơm lừng mùi thơm béo ngậy của món thịt nấu đông, mùi thanh nhẹ của món dưa hành muối, mùi khói nồng đượm của sự tảo tần và lòng yêu thương. Căn bếp nhỏ với những bữa cơm sum vầy bên cái chõng tre xôn xao tiếng “dạ”, tiếng “thưa”, tiếng “mời”... Cứ vậy, mùa qua mùa, tết nối tết, con lớn lên và sải cánh bay xa. Rời vòng tay mẹ, xa cả căn bếp sớm chiều có ngọn khói lam...
Ôi chiều ba mươi! Giờ này ở chốn quê xa bàn thờ gia tiên đã đủ đầy và thiêng liêng trong ánh nến sáng trưng với mâm cỗ thịnh soạn kính dâng người đã khuất. Bố sẽ thắp hương và khấn. Tiếng khấn nhỏ nhỏ trên gương mặt đầy sự thành kính mà suốt tuổi thơ chưa bao giờ ta nghe rõ. Ôi giây phút thiêng liêng nhất! Khói nghi ngút lan tỏa hương trầm vướng quyện khắp không gian. Trong khoảnh khắc, tất cả như ngưng đọng. Quá khứ và hiện tại, tổ tiên và con cháu, niềm vui và nỗi buồn, âu lo và yên bình... tất cả những ranh giới ấy đã bị xóa nhòa. Nơi đây, lúc này chỉ còn đọng lại tình thân, tình thương, tình gia đình ấm áp.
Chiều cuối năm, ta giật mình thảng thốt vì thời gian lại điểm thêm một tuổi cho bố mẹ. Cầm điện thoại lên gọi điện về lần thứ bao nhiêu trong ngày mà không nhớ hết. Thấy ở nơi quê nhà, căn nhà ba gian đã rực rỡ ánh đèn, đã bồng bềnh sợi khói hương, đã thắm màu đào, đã thịnh soạn mâm cúng và đã ăm ắp tiếng cười.
Một chút bâng khuâng chiều cuối năm cho lòng chậm lại để nghe từng thời khắc còn lại của năm cũ đi qua, để cùng đất trời đón chào tân xuân với bao hi vọng.
Vy Phong
Nguồn Thanh Hóa : https://vhds.baothanhhoa.vn/cuoi-nam-noi-dat-khach-35158.htm