Ông Phan Văn Diệu xem lại nhật ký của mình. (Ảnh: Thanh Bình/TTXVN)
Mặc dù tuổi cao, sức khỏe yếu, không thể tham dự Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước tại Thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 30/4, nhưng ông Phan Xuân Diệu (sinh năm 1947) - cựu chiến binh ngụ ở phường 4, thành phố Tân An, tỉnh Long An vẫn theo dõi qua các kênh truyền thông.
Ông cho biết buổi lễ có ý nghĩa đặc biệt, đã khơi dậy trong ông niềm tự hào dân tộc.
Ông Phan Xuân Diệu chia sẻ theo tiếng gọi của non sông Tổ quốc, năm 17 tuổi, ông rời quê hương xã Quỳnh Lưu, huyện Nho Quan (tỉnh Ninh Bình) lên đường chiến đấu.
Mới nhập ngũ, ông được phân công vào Tiểu đoàn 203 của Bộ Tư lệnh thông tin (Hà Nội) và học tại đây khoảng 2 tháng. Sau đó, ông được đơn vị đưa đi học sửa chữa vô tuyến điện tại Trường Bưu điện, tỉnh Thái Nguyên. Tháng 8/1965, ông Diệu cùng đơn vị hành quân ròng rã theo đường Trường Sơn suốt 6 tháng đến khu vực rừng Chàng Riệc, Rùm Đuôn, xã Tân Lập, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh (nơi đóng Trung ương Cục miền Nam).
Mỗi bước đi trên đường Trường Sơn là đi trong bom rơi, đạn nổ, khói lửa ngút trời, cái chết luôn rình rập, cận kề… Nhưng với tinh thần yêu nước và ý chí sắt đá, kiên trung, bất khuất, cuối cùng đơn vị cũng đến nơi mặc dù có một số đồng chí anh dũng hy sinh.
Tại đây, ông cùng đồng đội tham gia nhiều trận đánh quyết liệt và bị thương ở đầu. Có những trận, địch phản công buộc đơn vị phải rút qua các tỉnh của Campuchia.
Sau đó, ông Diệu được phân công về Trung đoàn 207, đóng quân tại vùng Đồng Tháp Mười của các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Tại đây, đơn vị đụng trận càn của giặc, hàng trăm chiến sỹ của ta hy sinh.
Rơm rớm nước mắt, ông Diệu cho biết từ đầu năm 1970, Mỹ, ngụy thường xuyên tập trung lực lượng đánh phá hòng ngăn chặn hành lang biên giới từ Bình Phong Thạnh đến Hưng Điền và tái chiếm vùng 4, vùng 6, vùng 8 của tỉnh Kiến Tường.
Ông Phan Xuân Diệu cùng vợ xem lại kỷ vật thời chiến tranh. (Ảnh: Thanh Bình/TTXVN)
Để phá tan âm mưu địch, tháng 10/1973, Trung đoàn 207 nhận nhiệm vụ luồn sâu xuống Đồng Tháp Mười, đi ngang qua ấp Đá Biên là nơi diễn ra chiến sự hết sức ác liệt giữa ta và địch, sau đó tập kết tại huyện Cai Lậy, tỉnh Định Tường để thành lập Sư đoàn 8 và chuẩn bị lực lượng đánh căn cứ Ngã Sáu, Ngã tư Thanh Mỹ.
Ngày 1/10/1973, từ căn cứ Mỏ Vẹt, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 207 hành quân vượt sông Vàm Cỏ Tây đến Gò Nôi, xã Hậu Thạnh vào ngày 2/10/1973. Các chiến sỹ phần lớn là sinh viên trường Đại học Xây dựng Hà Nội mới nhập ngũ, chưa quen chiến trường Đồng Tháp Mười vào mùa nước nổi, chưa có kinh nghiệm chiến đấu.
Sáng 3/10/1973, máy bay trinh thám của địch phát hiện các chiến sỹ Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 207 đang nghỉ chân tại ấp Đá Biên, xã Thạnh Phước. Ngay lập tức, chúng gọi pháo 105 ly từ Kiến Bình bắn xối xả xuống trận địa. Đồng thời, địch điều động khoảng 20 chiếc máy bay trực thăng cùng với 200 quân của Sư đoàn 7 ngụy đóng ở Mỹ Tho sang.
Bị tập kích bất ngờ và điều kiện chiến đấu quá bất lợi so với địch nên khoảng 200 chiến sỹ Trung đoàn 207 hy sinh trong trận đánh này. Hiện Di tích Khu tưởng niệm liệt sỹ Trung đoàn 207, Quân khu 8 là di tích cấp Quốc gia tọa lạc tại ấp Đá Biên, xã Thạnh Phước, huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An.
Đây là bằng chứng cho tinh thần đoàn kết, tương trợ và sự hy sinh của nhân dân miền Bắc nói chung và sinh viên miền Bắc nói riêng đã sẵn sàng vào Nam chiến đấu, để lại sau lưng tất cả để đi theo tiếng gọi của non sông, góp sức trẻ của mình vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng đất nước.
Đúng ngày 30/4/1975, đơn vị ông Phan Xuân Diệu cùng nhiều đơn vị khác tiến hành bắn pháo vào trận địa ngay ngã ba cầu Long Định (nay huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang). Sau đó, các đơn vị xung phong, giải phóng cầu Long Định và giải phóng, thu hồi căn cứ Đồng Tâm.
Khoảng 9 giờ ngày 1/5/1975, những đơn vị cuối cùng của địch đã giao súng đầu hàng; toàn tỉnh Mỹ Tho, tỉnh Gò Công và thành phố Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang ngày nay) đã được giải phóng.
Ông Phan Văn Diệu xem lại cuốn nhật ký. (Ảnh: Thanh Bình/TTXVN)
Giờ đây, mỗi khi nhớ lại 50 năm về trước, Thượng úy Phan Xuân Diệu lật lại quyển nhật ký trong hành trình chiến đấu. Điều đặc biệt là ông đã đánh rơi quyển nhật ký này trong quá trình hành quân. Ông mới nhận được cuốn nhật ký vào ngày 10/5/2024 tại Hà Nội khi Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam tổ chức trao trả một số kỷ vật chiến tranh cho các cựu chiến binh, gia đình các liệt sỹ và cựu chiến binh Việt Nam.
Ông Diệu cho biết cuốn nhật ký chứa đựng biết bao ký ức, cảm xúc và cả chiến tích một thời khói lửa… Đây là vật kỷ niệm ghi lại ký ức thiêng liêng của một thế hệ từng sống, chiến đấu và hy sinh cho độc lập, tự do của dân tộc.
“Chúng ta giữ hòa bình, ổn định đất nước, xây dựng đất nước phồn vinh và giàu mạnh để vững bước lên chủ nghĩa xã hội. Thế hệ trẻ hãy cố gắng học tập, trau dồi đạo đức, cố gắng phấn đấu xây dựng Tổ quốc Việt Nam giàu mạnh hơn," ông Phan Xuân Diệu gửi gắm thế hệ hôm nay và tương lai./.
(TTXVN/Vietnam+)