Theo PGS.TS Phạm Văn Quang, Trưởng khoa Hồi sức tích cực chống độc, Bệnh viện Nhi đồng 1, đơn vị này vừa cứu sống một bệnh nhi bị sốc nhiễm khuẩn kháng trị, rất nguy kịch.
Các bác sĩ kích hoạt báo động đỏ cấp cứu cho bệnh nhi. Ảnh: BSCC.
Trước thời điểm nhập viện, bé gái (8 tuổi, ngụ quận 11, TPHCM) ho 3 ngày, đến ngày thứ tư sốt cao, đi tiêu phân lỏng, nôn ói nhiều lần, đau ngực, đau bụng.
Trẻ nhập viện trong tình trạng tím tái, bứt rứt, trụy tim mạch, tay chân lạnh, huyết áp không đo được. Ngay lập tức, bệnh nhi được hỗ trợ hô hấp, chống sốc nhưng không cải thiện. Bé tiếp tục được đặt nội khí quản trợ thở, dùng kháng sinh mạnh và thuốc vận mạch liều tối đa để trợ tim nhưng không nâng được huyết áp. Kết quả siêu âm tại giường cho thấy tim co bóp rất yếu.
Từ kết quả lâm sàng, cận lâm sàng, các bác sĩ xác định bé bị sốc nhiễm khuẩn kháng trị gây trụy tim mạch, sốc tim, không đáp ứng điều trị.
Trẻ được chuyển vào khoa Hồi sức tích cực để thực hiện kỹ thuật ECMO. Ngoài ra, bé cũng được hạ thân nhiệt và lọc máu liên tục để bảo vệ não, điều trị tổn thương gan, thận.
Sau khoảng 30 phút, bệnh nhi từ tình trạng tím tái, trụy tim mạch đã hồng hào trở lại. Sau gần 7 ngày, trẻ dần hồi phục, được cai ECMO. Hiện tại, tình trạng nhiễm khuẩn đã được kiểm soát tốt. Bé tỉnh táo, ăn uống được, dự kiến sẽ được xuất viện sớm.
Theo PGS Quang, nhiễm khuẩn huyết và sốc nhiễm khuẩn hiện nay vẫn là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em. Sốc nhiễm khuẩn kháng trị, thất bại với các biện pháp điều trị nội khoa có tỷ lệ tử vong gần như 100%.
Linh Thùy