Đến xã Vân Nội, huyện Đông Anh, Tp.Hà Nội (nay là xã Phúc Thịnh, Tp.Hà Nội), hỏi hiệu thuốc "Đỗ Cười", hiếm ai không biết. Người dân nơi đây vẫn quen gọi cái tên ấy với cả sự tin tưởng và trìu mến, không chỉ bởi đó là một nhà thuốc uy tín đã gắn bó nhiều năm với đời sống thôn quê, mà còn về câu chuyện của một con người rất đặc biệt: một cựu chiến binh, thương binh, một bác sĩ, một con người giàu nghị lực, vượt lên số phận và luôn sống với một tâm hồn lạc quan đến kỳ lạ.
Sinh năm 1950 trong một gia đình nông dân nghèo, ông Lại Văn Cười là con thứ năm trong 8 anh chị em. Mẹ mất sớm khi cậu bé Cười mới 13 tuổi, để lại người cha một mình gà trống nuôi con. Dù trong hoàn cảnh khốn khó của những năm chiến tranh, cái ăn, cái mặc còn chưa đủ, nhưng nhờ được sự ủng hộ của người cha, các anh chị em nhà Cười đều chăm lo học hành.
Cựu chiến binh Lại Văn Cười vui vẻ trao đổi với Người Đưa Tin.
Năm 1970, khi ông Cười vừa nhận được giấy báo trúng tuyển trường Đại học Nông nghiệp I (nay là Học viện Nông nghiệp Việt Nam), thì cũng là lúc giấy gọi nhập ngũ tới tay. Trong khí thế cả nước sục sôi đánh Mỹ, ông Cười quyết định gác lại giấc mơ giảng đường, mang theo cây bút và khát vọng tri thức, khoác ba lô lên đường nhập ngũ với một niềm tin giản dị: Khi đất nước sạch bóng quân thù, học còn chưa muộn.
"Chiến tranh ác liệt, khi quyết định nhập ngũ, tôi cũng nghĩ đến việc chẳng may mình hy sinh, nhưng trong không khí thanh niên cả nước tòng quân đánh giặc, suy nghĩ ấy nhanh chóng thoáng qua. Mình chỉ biết là lên đường thôi, không sợ gì cái chết nữa", ông Cười nói.
Tháng 12/1970, ông nhập ngũ, huấn luyện tại Hòa Bình. 9 tháng sau, đơn vị ông hành quân sang chiến đấu tại chiến trường Cánh đồng Chum (Lào). Nhờ thành tích huấn luyện xuất sắc, ngày 18/10/1971, ngay trên đường hành quân vào chiến trường, ông Cười vinh dự là người duy nhất trong số hơn 400 tân binh được kết nạp Đảng.
Chỉ một ngày sau, khi niềm vui ấy chưa kịp lắng thì định mệnh cuộc đời đã ập đến người lính trẻ theo cách khốc liệt nhất. Trên đường hành quân, đơn vị ông Cười gặp phải tốp máy bay địch đánh phá. Bom dội xuống dữ dội. Một quả rơi sát nơi ông trú ẩn và mảnh bom lớn cắt ngang chân trái. Do vết thương quá nặng, ông Cười được chuyển về tuyến sau điều trị. Trong điều kiện thiếu thốn trăm bề, ông phải trải qua ba lần phẫu thuật cắt chân. Đến khi về an dưỡng tại Cổ Dương (Đông Anh) cuối năm 1972, chân trái gần như không còn gì.
Trước nỗi đau mất đi một phần thân thể khi tuổi đời còn rất trẻ, ông Cười không hề khuất phục hay đầu hàng số phận. Trong những ngày tháng an dưỡng, thay vì buông xuôi, ông lại dành thời gian ôn thi đại học với một quyết tâm cháy bỏng. Những ngày tháng ấy, dù nỗi đau thể xác vẫn còn hành hạ, nhưng ý chí và khát vọng sống đã giúp ông vượt lên tất cả.
Tháng 9/1973, chàng thương binh Lại Văn Cười như vỡ òa trong niềm hạnh phúc. Ông đỗ cùng lúc 2 trường đại học: Đại học Dược Hà Nội và Trường Thương nghiệp Trung ương (nay là Đại học Thương mại).
Trước ngã rẽ của cuộc đời, ông quyết định theo học ngành Dược tại trường Đại học Dược Hà Nội với ước nguyện "được chữa bệnh, phục vụ người dân".
Suốt 5 năm đại học, ông Cười không chỉ là sinh viên xuất sắc mà còn là tấm gương sáng về nghị lực và tinh thần học tập. Khi tốt nghiệp, dù được nhà trường giữ lại làm giảng viên, nhưng ông Cười đã lựa chọn trở về quê hương, mang tri thức và nhiệt huyết để phục vụ người dân quê nhà.
Thương binh Lại Văn Cười luôn giữ nụ cười lạc quan cùng chiếc chân giả gắn bó suốt hơn nửa thế kỷ.
Tháng 1/1979, ông được phân công công tác tại Bệnh viện Đa khoa huyện Đông Anh. Không ngừng nỗ lực và cống hiến, năm 1980 ông được bổ nhiệm làm Trưởng khoa Xét nghiệm X-Quang – một trong những Trưởng khoa trẻ nhất thời bấy giờ.
Kể từ đó cho đến khi nghỉ hưu vào năm 2012, ông đã dành trọn 32 năm gắn bó và cống hiến cho sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân, góp phần đưa khoa xét nghiệm X-Quang trở thành một đơn vị vững mạnh, tin cậy.
Không chỉ tận tụy với chuyên môn, ông còn tham gia tích cực trong các hoạt động đoàn thể, nhiều năm liền giữ vai trò Bí thư Đoàn Thanh niên. Trong ký ức của đồng nghiệp và bệnh nhân, hình ảnh bác sĩ Cười "một chân" luôn hiện lên đầy nhân hậu, tận tâm và lạc quan, một người thầy thuốc hết lòng vì người bệnh.
"Nhìn lại cuộc đời làm nghề, niềm vui lớn nhất của tôi là mình có tay nghề để phục vụ bệnh nhân. Đáp lại sự nỗ lực ấy là tình cảm yêu mến của đồng nghiệp và bệnh nhân. Đi đến đâu, người ta cũng gọi tôi một tiếng "bác Cười", đó là phần thưởng quý giá nhất", ông Cười hồi tưởng lại.
Ông Cười bảo, suốt mấy chục năm làm nghề, ông không nhớ hết bao nhiêu bệnh nhân đã từng qua tay mình, trong đó có cả những người được đưa từ "cõi chết" trở về. Đôi khi chỉ là một kết quả xét nghiệm chính xác, một phản ứng nhanh nhạy khi cấp cứu, nhưng với ông, mỗi quyết định đều đi kèm một trách nhiệm lớn lao bởi phía sau đó là sinh mạng của con người.
"Cứu được một người, tôi vui như chính mình được sống thêm lần nữa. Người ta cứ gọi tôi là bác Cười, nhưng nhiều khi nước mắt tôi rơi trong niềm hạnh phúc khi thấy bệnh nhân qua cơn hiểm nghèo", ông tâm sự.
Bác sĩ Lại Văn Cười (ngoài cùng bìa trái) chụp ảnh cùng các y bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Đông Anh.
Cuộc đời ông là minh chứng sống động cho câu nói: "Tàn nhưng không phế". Bị thương nặng, mất đi một phần cơ thể, nhưng ông đã lựa chọn cho mình một cách sống đẹp, sống có ích, sống với tình yêu thương và tinh thần phụng sự. Có lẽ, cái tên "Cười" mà cha mẹ đặt cho ông đã phần nào định hình nên nhân cách và cuộc đời ông.
Và sau tất cả, ông vẫn thấy mình còn may mắn: "So với nhiều đồng đội đã hy sinh trên chiến trường, cuộc đời tôi còn nhiều may mắn. Mình vẫn còn sống để trở về, còn cơ hội để làm việc và cống hiến".
Những tấm gương như ông Cười đã và đang ngày đêm làm giàu cho gia đình, quê hương và đất nước. Trong ông lúc nào cũng phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, phẩm chất người quân nhân của Quân đội nhân dân Việt Nam Anh hùng.
Lê Mạnh Quốc