Lời khuyên của mẹ
Cựu chiến binh, thương binh nặng hạng II Hoàng Đăng Đang (sinh năm 1948) sống trong căn nhà nhỏ giữa lòng phường Ngọc Hà, TP Hà Nội. Ngoài 75 tuổi, lưng còn găm đạn, một tai bị điếc do chịu sức ép của bom B52, ông vẫn sống vui vẻ, lạc quan dù trái gió trở trời, vết thương lại đau nhói.
Ông Đang kể năm 19 tuổi, ông viết đơn tình nguyện lên đường nhập ngũ. Lúc ấy, chính quyền địa phương không đồng ý vì nhà ông đã có 3 người nhập ngũ đánh giặc (2 anh trai và 1 em gái). Tuy nhiên, trước lòng quyết tâm sục sôi xin được ra chiến trường của ông, xã đã đồng ý.
Những tháng đầu bước vào chiến trường, do bắn súng giỏi nên ông được tham gia huấn luyện cho đồng đội. Cũng nhờ thành tích đó mà sau 5 tháng 2 ngày kể từ ngày nhập ngũ (25/3/1967), ông được kết nạp vào Đảng, được phong là trung sỹ.
Cựu chiến binh - thương binh hạng II Hoàng Đăng Đang. Ảnh: Bảo Trâm.
Năm 1968, ông chiến đấu ở mặt trận Quảng Trị, tham gia trận đánh khốc liệt ở Cam Lộ, Khe Sanh. Trong trận đánh giáp lá cà với địch, ông bị đâm ở cánh tay trái.
Năm 1971, khi thuộc Trung đoàn 64, Sư đoàn 320, ông Đang chiến đấu tại chiến dịch Đường 9 - Nam Lào, tham gia đánh vây lấn. Trận đánh vô cùng dữ dội khi địch triển khai bom napan, bom cháy.
Mỗi chiến sĩ ở một hầm chiến đấu. Ranh giới giữa sự sống và cái chết rất gần, ông đã làm bài thơ gửi mẹ:
"Trận đánh nằm trên đồi chanh, trơ trên đồi núi
Con nằm, pháo địch u u chợt đánh quanh tai
Mẹ ơi biết rằng thân phận làm trai
Phải ra gánh hai vai sơn hà
Con đi vào chiến trường xa
Khó khăn gian khổ lẽ là tất nhiên"
Hiểu được tâm trạng của con trai, mẹ ông Đang đã gửi thơ động viên:
"Con ơi vì nước, vì non
Con để chí vững lòng son thắng thù
Con vì tổ quốc non sông
Mà coi cái chết nhẹ như lông hồng con đi”
Những lời động viên ấy giúp ông Đang có thêm động lực chiến đấu. Trong trận đánh tại Đường 9 - Nam Lào dưới sự chỉ huy của đồng chí Khuất Duy Tiến (Trung đoàn trưởng Trung đoàn 64) từ 21/2/1971 và đến 25/2/1971, ông cùng đồng đội đã giành thắng lợi.
Chiến thắng làm phá sản một bước cơ bản chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, viết nên một thiên anh hùng ca mang tên Đường 9-Nam Lào, tạo thế và lực mới cho cách mạng miền Nam.
Ông Hoàng Đăng Đang bên cạnh Bằng Huân chương kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Ba. Ảnh: Bảo Trâm.
Sống chết mong manh
Giọng của ông Đang chùng xuống khi nhớ lại những kỷ niệm chiến đấu. Trong trận đánh ở chiến dịch Đường 9 – Nam Lào năm 1971, khi xung phong tiến lên, ông bị mảnh bom phát nổ đâm vào sau lưng. Máu chảy nhưng ông không hay biết, vẫn tiếp tục chiến đấu.
Sau khi bị thương, ông Đang tiếp tục hành quân đến chiến trường Tây Nguyên, chiến đấu ở chiến trường Ngã 3 Đường 14 - lúc đó ông là Đại đội trưởng của Đại đội 6, Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 64, Sư đoàn 320.
Trận chiến đó vẫn nguyên vẹn trong tâm trí bởi nó cướp đi mắt phải của ông Đang. “Lúc đó quân ta và địch đánh giáp lá cà, tôi chỉ huy quân lên đánh nhưng địch đánh pháo lựu, bắn trúng vào mắt tôi, làm tôi bị hư mắt bên phải”.
Kinh nghiệm tham gia nhiều chiến trường giúp ông nhận biết pháo địch bắn xa hay gần, khi nào B52 thả mấy bom rồi bỏ đi. Tuy nhiên, sự sống và cái chết lúc đó rất mong manh. Bom đạn ác liệt, ông và đồng đội đều không biết ai sẽ may mắn được sống để trở về.
Ông Hoàng Đăng Đang tích cực tham gia các hoạt động của địa phương, được nhận Kỷ niệm chương vì sự nghiệp Đại đoàn kết dân tộc năm 2020. Ảnh: Bảo Trâm.
Tình đồng đội trân quý
Sáu năm chiến đấu tại các chiến trường khốc liệt (từ 1967-1973), ông Đang không thể nào quên những khó khăn, gian khổ của người lính khi đối mặt với đói, rét, vắt rừng… Những lúc thiếu thốn lương thực, bộ đội ta phải nhường cơm sẻ áo, tìm cây sắn, rau rừng để ăn đỡ đói. Nhưng khoảnh khắc đó cũng là lúc tình đồng đội, đồng chí thắm thiết, chân tình, gắn kết hơn bao giờ hết.
“Trong vụ sập hầm tại chiến trường, tôi tưởng đồng đội là Hảo đã chết. Tôi vào bới tung lên để xem sao. Thật may mắn, anh ấy còn sống nên cứu được” – ông Đang kể.
“Chính vì vậy, khi hòa bình lập lại, anh Hảo mỗi lần lên thăm tôi đều cảm ơn. Anh ấy nói rằng nhờ có tôi đào hầm cứu thì giờ này anh ấy mới có vợ, có con”.
Vì thế, đối với ông Đang, tình đồng đội quan trọng, đáng quý lắm. Năm 1995-1996, địa phương có 2 suất nhà tình nghĩa, trong đó có 1 suất được dành cho gia đình ông. Tuy nhiên, ông Đang nhường lại cho đồng đội, còn bản thân tự phấn đấu vươn lên trong cuộc sống.
Với những thành tích chiến đấu trong những năm tháng chống Mỹ cứu nước, ông Đang vinh dự được nhận Huân chương kháng chiến chống Mỹ cứu nước Hạng Ba, Huân chương chiến sỹ giải phóng hạng Nhì, Huân chương chiến sỹ vẻ vang Hạng: Nhất, Nhì, Ba và rất nhiều huy hiệu khác.
Quý trọng hòa bình, sự tự do, độc lập của đất nước ngày hôm nay, ông Đang mong muốn thế hệ thanh niên ngày nay ra sức học tập, rèn luyện đạo đức cách mạng, suốt đời nhớ ơn những người đã có công với đất nước đã mang lại hòa bình, độc lập cho dân tộc.
“Mỗi thanh niên cần phát huy trí tuệ, sáng tạo, đoàn kết phấn đấu vươn lên, sẵn sàng nhận nhiệm vụ và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao”, ông Đang gửi gắm mong ước đến thế hệ trẻ.
Ông Chu Hữu Hiện (Bí thư Chi bộ 19, phường Ngọc Hà, TP Hà Nội) cho biết ông Đang hiện là cựu chiến binh, thương binh nặng hạng 2/4 của phường Ngọc Hà. Trong quá trình chiến đấu và công tác từ năm 1967-1982, trải qua nhiều đơn vị khác nhau, ông luôn vượt qua mọi hoàn cảnh khó khăn, phát huy bản chất của “Bộ đội cụ Hồ”, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao và được tặng thưởng rất nhiều Huân chương, huy chương và được phong là dũng sĩ diệt Mỹ.
"Sau khi về hưu, ông Hoàng Đăng Đang tham gia công tác của địa phương, từ Tổ trưởng Tổ dân phố đến Phó Bí thư chi bộ, Bí thư chi bộ, trưởng ban công tác mặt trận, thanh tra nhân dân… năm nào cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ" - ông Chu Hữu Hiện nói.
Bảo Trâm